Thông tin phim “Hương Ga” vừa đoạt giải cao ở Mỹ khiến người hâm mộ điện ảnh nước nhà nức lòng. Nhưng rồi, niềm vui ngắn chẳng tày gang, tìm hiểu kỹ, đó là giải thưởng “Phim Việt Nam hay nhất”.Đi thi thì nhiều, đoạt giải thưởng chẳng bao nhiêu.
Cảnh trong phim “Đập cánh giữa không trung”.
Cụ thể, “Hương Ga” đoạt giải tại Liên hoan phim (LHP) quốc tế ý tưởng mới dành cho tất cả nhà làm phim trên thế giới. Đây là lần thứ 3 LHP được tổ chức tại San Francisco. Năm nay, LHP có 100 bộ phim trên toàn thế giới tranh tài ở các hạng mục chính thức như phim truyện xuất sắc, phim tài liệu xuất sắc, phim thương mại hấp dẫn nhất, giải phim ngắn, phim hoạt hình, giải MTV và các giải thưởng cá nhân. Không rõ có mấy phim Việt Nam tham dự LHP nhưng rõ ràng với giải thưởng ấy thì “Hương Ga” chỉ là phim Việt hay nhất trong khuôn khổ LHP đó. Nó không thể khẳng định “Hương Ga” là phim hay nhất của Việt Nam (cho đến thời điểm này), lại càng không thể khẳng định “Hương Ga” có tầm sánh ngang với những phim khác trên thế giới.
Gần đây, có người tự hào cho rằng, 2016 được gọi là năm phim Việt được mùa đi “săn giải” tại các đấu trường quốc tế. Ngoài “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ tham dự vòng sơ tuyển hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” của giải Oscar 2017 thì 8 bộ phim khác là “Quyên”, “Scandal”, “Những cô gái chân dài”, “Chơi vơi”, “Đập cánh giữa không trung”, “Lê Bá Đảng từ Bích La đến Paris”, “Dịu dàng”, “Ngày nảy ngày nay” cũng tham dự LHP Fukuoka - Nhật Bản.
Ngoài ra, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” cũng được mời tham dự LHP London lần thứ 60 tại Anh từ ngày 5 đến 16-10. Phim này dự kiến được chiếu cùng “Đập cánh giữa không trung” của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, phim ngắn “Mùi hương nước mắm” của đạo diễn trẻ Trịnh Đình Lê Minh và phim tài liệu “Live from New York” của đạo diễn Việt kiều Bảo Nguyễn.
Bên cạnh đó, 9 bộ phim điện ảnh có doanh thu cao tại Việt Nam vào đầu năm 2016 cũng tham dự Liên hoan Điện ảnh Việt Nam 2016, diễn ra từ ngày 29-9 đến ngày 6-10 tại thành phố Melbourne (Australia). Đó là: “Taxi, em tên gì?”, “Yêu là phải xài chiêu”, “Lật mặt 2”, “Trót yêu”, “Điệp vụ chân dài”, “Cầu vồng không sắc”, “Ám ảnh”, “Vòng eo 56”, “Gái già lắm chiêu”. “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” cũng nằm trong 56 phim chiếu hạng mục “A window on Asian Cinema” tại LHP Quốc tế Busan lần thứ 21 tại Hàn Quốc…
Theo nhiều ý kiến nhận định, cơ hội Việt Nam đoạt giải tại Oscar là 0%, tức là vẫn đi để cọ sát, học hỏi cho vui thôi chứ “còn khuya” mới mơ “có danh gì với núi sông”. Còn những phim khác, chưa thấy có thông tin gì về giải thưởng. Những năm trước, cũng nhiều phim “rầm rộ ra đi, lặng lẽ trở về”.
Nói như vậy không phải để “dìm hàng” sản phẩm của điện ảnh Việt, cũng không hàm ý chê bai. Đây chỉ là một cách nhìn thẳng vào vấn đề để thấy rằng dù nỗ lực rất nhiều để đưa ngành nghệ thuật thứ 7 của chúng ta ra thế giới và cũng đã có một số thành công ban đầu nhưng chưa phải thực sự xuất sắc, ghi dấu tên Việt Nam trên bản đồ điện ảnh thế giới.
Cảnh trong phim “Hương Ga”.
Cái đẹp lệch pha?
Có nghịch lý rằng, những phim ở cấp độ “nhà nước”, tức là được cử đi tranh giải thì đa phần đều chỉ được giải ở mức độ “ngoại giao”. Những phim này cũng từng ra rạp nhiều hoặc được truyền thông rầm rộ, được khán giả biết tới mà đánh giá hay dở. Trong khi những phim mang tính chất tư nhân, cá nhân tự mình “chiến đấu” từ vòng ý tưởng tới việc chật vật lo các khâu bấm máy, quay, dựng… thì lại được thế giới ngạc nhiên, trầm trồ. Điển hình như “Bi, đừng sợ”, “Mekong Stories” của Phan Đăng Di, “Đập cánh giữa không trung” của Nguyễn Hoàng Điệp, “Mùa len trâu” của Nguyễn Võ Nghiêm Minh. Những phim này không nhiều, vài năm qua cũng chỉ quanh quẩn có ngần ấy cái tên, bộ mặt thôi nên cứ phải điểm đi điểm lại, nhưng rõ ràng thành công của họ rất đáng khích lệ và khiến người trong nghề phải nghĩ ngợi.
Chu du nhiều vòng quanh thế giới, đoạt hết giải nọ giải kia, phim được khán giả các nước thích thú, đạo diễn được các nhà làm phim thế giới biết mặt biết tên, thậm chí Nguyễn Hoàng Điệp còn được nhà nước Pháp phong tặng Huân chương Hiệp sĩ Văn học nghệ thuật. Còn ở trong nước, với những suất chiếu ít ỏi trong phạm vi nhỏ hẹp, nhiều khán giả đi xem về tỏ ra bực bõ vì “không hiểu gì”. Nhiều nhà chuyên môn cũng không thể giải thích (hoặc không dám đứng ngược lại dư luận để phân tích, mổ xẻ) một cách thấu đáo cái hay, cái đẹp, cái chưa được… nhằm “khai trí” cho đám đông khán giả. Trong con mắt nhiều người, những phim như thế này… có nhiều cảnh nóng. Như vậy, mức độ thưởng lãm của khán giả Việt mới chỉ nhìn được hiện tượng bên ngoài thông qua hình ảnh của bộ phim chưa chạm tới được bản chất bên trong với những thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm.
Cảnh trong phim “Mùa len trâu”.
Điều đó đặt ra câu hỏi: Vậy thì làm phim cho khán giả Việt Nam xem hay để “vừa mắt” giám khảo tại các LHP thế giới và như thế mới đoạt giải cao? Xin thưa, không riêng gì điện ảnh mà tại tất cả các ngành nghệ thuật khác, cái đẹp xuyên biên giới là cái đẹp dù mang màu sắc bản địa nhưng nó vượt qua được mọi yếu tố riêng tư để chạm đến những vấn đề của nhân loại. Từ đó nó sẽ chạm đến trái tim nhân loại và được cả thế giới ghi nhận.
Theo nhiều chuyên gia, phim Việt chưa thắng giải tại các LHP thế giới là vừa thiếu cả những yếu tố riêng biệt làm nên bản sắc vừa thiếu những thông điệp mang tầm mà cả thế giới quan tâm nên đương nhiên là chưa được đánh giá cao. Còn ngay cả những phim đoạt giải tại các LHP danh giá trên thế giới cũng vẫn có nhiều tranh cãi, tùy vào quan điểm của mỗi giám khảo và mỗi người xem. Tuy nhiên, dù nhiều khi “phim hay thường kén khán giả” thì vẫn phải có một bộ phận khán giả rất tâm đắc với tác phẩm mà họ yêu thích và có đủ lập luận, chứng cứ để chứng minh rằng phim họ ủng hộ là hay. Còn nhiều phim Việt Nam, soi ngược soi xuôi, thấy ít “sạn”, nuột nà từ đầu đến cuối đã là may thì giấc mơ vươn ra thế giới vẫn còn xa lắm.
Cho đến bây giờ, không nhiều phim Việt đã từng gặt hái được những thành công đáng kể mang lại niềm tự hào cho điện ảnh Việt như: “Đời cát” của Nguyễn Thanh Vân đoạt một số giải trong có Giải thưởng lớn tại LHP châu Á - Thái Bình Dương, phim “Ai xuôi vạn lý” của Lê Hoàng thắng giải tại LHP 3 châu lục (Nantes), “Chơi vơi” của Bùi Thạc Chuyên - giải Tuần lễ phê bình phim quốc tế Venice (Ý), “Áo lụa Hà Đông” cũng từng đoạt giải bình chọn của khán giả tại LHP Busan, “Mùa len trâu” của Nguyễn Võ Nghiêm Minh thắng hàng loạt giải tại các LHP quốc tế như Amazonas (Brazil), Locarno (Thụy Sĩ), Amiens (Pháp), Chicago (Bắc Mỹ)… Phim “Bi! Đừng sợ” của Phan Đăng Di đoạt khá nhiều giải (kể cả giải thưởng lớn) tại một số LHP châu Âu. “Đập cánh giữa không trung” của Nguyễn Hoàng Điệp cũng đoạt một số giải tại châu Âu. |