Mỗi con người sinh ra ở trên đời, chẳng ai lại không mong muốn mình được hạnh phúc. Tình cảm ấy, mơ ước chung ấy, không phân biệt giới tính, lứa tuổi, màu da, sắc tộc, tôn giáo…Chỉ có điều, mỗi người lại có một suy nghĩ riêng về hạnh phúc và nhiều khi không phải ai cũng có sự cắt nghĩa “hạnh phúc” một cách rõ ràng.
Minh họa: Elisabeth Davy.
Bắt đầu từ năm 2013, Đại hội đồng Liên hiệp quốc với 193 quốc gia thành viên đã nhất trí thông qua nghị quyết A/RES/66/281 chọn ngày 20 tháng 3 hàng năm làm Ngày Quốc tế Hạnh phúc, coi đây là một ngày mang ý nghĩa biểu tượng nhằm quyết tâm thể hiện sự tích cực và những nỗ lực nhiều hơn nữa để xây dựng một thế giới đại đồng, mang lại hạnh phúc cho con người khắp nơi trên trái đất.
1. Trong tiếng Việt, về mặt nguồn gốc chiết tự, “hạnh phúc” là một từ vay mượn từ tiếng Hán với hai thành tố có giá trị đẳng lập: “hạnh” có nghĩa gốc là “may mắn”, còn “phúc” có nghĩa gốc là “tốt lành”.
Tựu trung lại, hạnh phúc có nghĩa là may mắn tốt lành. Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, giải nghĩa “hạnh phúc” là vận may phúc tốt, coi nó tương đương với từ bonheur trong tiếng Pháp.
Trong tiếng Anh, “hạnh phúc” được xem là tương đương với từ “happiness”, vốn xuất phát từ căn tố happy có nghĩa là vui sướng, vui lòng.
Như vậy, ta thấy có một điểm chung quan trọng trong quan niệm về hạnh phúc của nhiều quốc gia, đó là hạnh phúc nhất thiết phải gắn với niềm vui.
Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học) thì định nghĩa về hạnh phúc: “trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện”.
Từ điển mở Wikipedia có một quan niệm phong phú hơn: “Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó mang tính trừu tượng.
Hạnh phúc là một cảm xúc bậc cao, được cho rằng chỉ có ở loài người, nó mang tính nhân bản sâu sắc và thường chịu tác động của lí trí”.
Trong đời sống dân gian của người Việt, thay vì dùng từ hạnh phúc, người ta chỉ cần dùng một chữ thật dân dã, thật nôm na, gần gũi, ai cũng cảm nhận được, đó là “sướng”.
Chẳng hạn trong truyện ngắn Lão Hạc của nhà văn Nam Cao, tác giả đã để cho nhân vật ông giáo nói với lão Hạc như thế này: “Chẳng kiếp gì sung sướng thật, nhưng có cái này là sung sướng: Bây giờ cụ ngồi xuống phản này chơi, tôi đi luộc mấy củ khoai lang, nấu một ấm chè tươi thật đặc; ông con mình ăn khoai, uống nước chè rồi hút thuốc lào…Thế là sướng”.
Vậy hóa ra, hạnh phúc không cầu kỳ xa xôi lắm như nhiều người vẫn tưởng. Hạnh phúc có khi chính là do mỗi người cảm nhận trong chính hoàn cảnh và số phận riêng của mình.
Kẻ khác cho là khổ, mình lại thấy sướng. Người khác ở vào hoàn cảnh đó thấy sung sướng nhưng sẽ lại là cực hình đối với những người không có sự phù hợp.
Hình như, hạnh phúc nhấn mạnh nhiều hơn vào cảm giác thăng hoa của những khoảnh khắc, những trạng thái trong một khoảng thời gian nhất định nào đó, và nó mang nặng tính chất của khái niệm, chứ ít khi ta nghe thấy những cách diễn đạt về một hạnh phúc kéo dài bất tận.
2. Hạnh phúc, theo ý của người viết bài này, có lẽ cần được hiểu trong sự tích hợp cả hai cảm giác: sự vừa lòng của đời sống vật chất và sự vừa lòng của cả đời sống tinh thần.
Bởi lẽ như Heraclitus đã từng nói, “nếu coi thỏa mãn vật chất là hạnh phúc thì có thể xem con bò là hạnh phúc”.
Học giả Nguyễn Hiến Lê trong tác phẩm cuối đời của mình, cuốn Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, đã đúc rút một số điều mà ông cho rằng quan trọng trong đời sống, trong đó có câu: Về vật chất nên giữ ở mức trung, còn về tinh thần thì nên cao hơn mức ấy. Như vậy, Nguyễn Hiến Lê cũng dành sự coi trọng vào những cảm giác viên mãn của tinh thần.
Đứng từ một góc nhìn khác, không tính đến sự hưởng thụ nữa, nhiều người cho rằng hạnh phúc thực ra lại nằm trong quá trình đi đến đích chứ không phải cái đích cuối cùng.
Nhà triết học cổ đại Gautama Buddha từng nói: “Không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc bởi hạnh phúc chính là một con đường”.
Có một câu chuyện ngụ ngôn khá thú vị về chú chó con cả ngày đuổi theo cái đuôi của mình đến mệt nhoài mà vẫn không sao tóm được.
Cuối cùng mẹ chú bảo chú rằng: Chỉ cần con ngẩng cao đầu, lòng vui vẻ hân hoan bước về phía trước, thì cái đuôi luôn ở bên con, đi theo ngay sau lưng con. Hạnh phúc trong cuộc đời cũng giống như cái đuôi ấy vậy.
Cái ý gắn hạnh phúc với hành trình sau này tôi còn đọc thấy trong thơ Cao Xuân Sơn: Hạnh phúc là tìm kiếm để hy sinh/ Những báu vật trong mắt nhìn lấp lánh/Tay đã trong tay mà lòng không yên tĩnh/Được yêu nhau là để được bắt đầu/Cuộc kiếm tìm chẳng một phút ngừng đâu/Hạnh phúc! (Hạnh phúc)
Để có được hạnh phúc, người ta có khi sẵn sàng trả giá, dù một cách hữu ý hay vô tình. Sẽ không dễ có một người thứ hai hiểu cho hết cảm giác của kẻ trong cuộc, thậm chí còn thấy kẻ trong cuộc là điên rồ, dại khờ, ngốc nghếch, muội mê.
Có một câu chuyện ngụ ngôn rất sâu sắc và lạ lùng về con dũi và cái dùi: “Có một con dũi đang đi trên đường. Bỗng nó gặp một cái dùi bằng sắt. Đối với nó, cái dùi là thứ lạ lùng, thú vị, hấp dẫn chưa từng thấy bao giờ.
Con dũi tiến lại gần và thử liếm vào cái dùi. Dùi rất sắc nên máu từ lưỡi chảy ra, nhưng con dũi lại cảm thấy ngọt. Con dũi cứ liếm mãi, liếm mãi, liếm mãi. Lưỡi đứt, con dũi chết”.
Vậy con dũi có hạnh phúc không, câu trả lời nằm trong tim mỗi chúng ta. Ở đây, hình như có sự tương đồng với một câu nói trong dân gian: Chỉ kẻ tự đái vào chân mới biết rằng chân mình đang ấm.
Người ta có thể nói về hạnh phúc của cá nhân và cũng có thể nói về hạnh phúc của cả một dân tộc. Ấy là khi cả dân tộc cùng thực sự chung một mục đích, một con đường, quyết tâm đạt được điều mong muốn cuối cùng. Bản Tuyên ngôn độc lập của chủ tịch Hồ Chí Minh vì thế đã nhắc tới khái niệm “hạnh phúc” ngay từ những câu đầu tiên và càng thú vị hơn nữa khi từ “hạnh phúc” này lại nằm trong câu trích từ Bản Tuyên ngôn độc lập của người Mỹ năm 1776: “”.
Như vậy, hạnh phúc của Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được.
Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc toàn thể dân tộc Việt Nam trong giờ phút thiêng liêng ấy là được làm công dân của một nước tự do, độc lập.
Cũng như chiến thắng lịch sử 30 tháng 4 năm 1975 mang đến hạnh phúc cho cả dân tộc về một ngày thống nhất non sông, liền một dải trọn vẹn hai miền.
3. Thế nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận một điều khắc nghiệt hơn là hạnh phúc không thể công bằng cho tất cả mọi người.
Một xã hội phát triển là một xã hội hướng đến việc giảm dần những bất công, bớt đi những phân hóa sâu sắc chứ mãi mãi không thể nào triệt tiêu hoàn toàn sự bất công, bởi bất công – bất bình đằng đôi khi cũng là một động lực để phát triển.
Nhà thơ Phi Tuyết Ba trong bài thơ nổi tiếng Phép chia không có lỗi từng khẳng định về việc không thể có một hạnh phúc chia đều: Nơi con hòa bình nơi khác chiến tranh/Phía trước văn minh đằng sau tăm tối/ Người sang kẻ hèn người no kẻ đói/ Trên thế giới này hạnh phúc chẳng chia đều.
Và cũng chính Nam Cao đã nói về điều này một cách cô đọng hơn: “Hạnh phúc như một cái chăn hẹp. Người này co thì người kia bị hở”.
Thế nhưng, cảm giác viên mãn về vật chất hay tinh thần cũng sẽ chẳng là gì nếu như thế gian này không còn tình yêu.
Suy cho cùng, chính tình yêu mới là điều quan trọng nhất để con người mang lại những cảm giác và hạnh phúc cho nhau.
Chúng ta đã từng nói rất nhiều đến tình yêu thiên nhiên, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu gia đình bạn hữu, nhưng được tụng ca muôn đời vẫn sẽ là tình yêu của lứa đôi, tình yêu ấy mới đầy đủ khả năng để tiếp tục khai sinh thế giới, để những đứa trẻ được ra đời và thắp lên bao ước mơ: Hạnh phúc đâu chỉ có cơm ngon và áo đẹp. Mùa xuân đâu chỉ có hoa thơm và nắng hồng.
Cuộc đời còn có cả những nụ hôn (Mùa xuân bên cửa sổ - Nhạc: Xuân Hồng, thơ: Song Hảo).