Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị và 5 năm thí điểm Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, nhiều hiến kế cho rằng, đã đến lúc cần luật hóa các vấn đề của chính quyền đô thị để khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện tại. Việc này sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng về cơ chế, chính sách cho sự phát triển của đô thị đặc biệt như TP HCM.
Đề xuất về Luật chính quyền đô thị (loại đặc biệt) cho TPHCM xuất phát từ những “điểm nghẽn” lớn sau 5 năm thí điểm Nghị quyết 54. Đó là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị yếu kém vì đô thị hóa gấp gáp, kèm theo cơ chế, chính sách chưa đủ sức hấp dẫn, thậm chí tụt lại so với địa phương cùng khu vực là tỉnh Bình Dương, hiện đã nâng cấp đô thị được 3 thành phố và 2 thị xã. Đô thị “đầu tàu” về kinh tế cũng đang không có các cơ chế tốt trong thu hút đầu tư nước ngoài, với các điểm trừ về hồ sơ hành chính, đãi ngộ doanh nghiệp, chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài…
Nhiều chuyên gia cũng chỉ ra, dù tỷ lệ nộp ngân sách về Trung ương của TPHCM vẫn cao nhất cả nước nhưng tỷ lệ điều tiết ngân sách giữ lại thấp nhất cả nước. Chính lý do này khiến cho TPHCM đang mất dần vị trí hấp dẫn của thập niên trước, không đảm bảo được trạng thái phát triển ổn định và bền vững. Thậm chí, trong tương lai gần rất có thể các trung tâm mới nổi của vùng như Bình Dương, Đồng Nai có thể bám đuổi quyết liệt phía sau. Mới đây khi tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị và 5 năm thí điểm Nghị quyết 54 của Quốc hội, có chuyên gia đã thẳng thắn cho rằng, dù mang danh nghĩa “cơ chế đặc thù” nhưng việc chậm vận dụng và thiếu kinh nghiệm thực tế dẫn tới các cơ chế, chính sách mới của TPHCM hầu như không khác gì so với các địa phương khác. Nhất là, vai trò điều hành đô thị, quản lý, chỉ đạo đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 54 còn khiêm tốn và chưa thật sự mang tính đột phá. Nói cách khác, việc vận dụng “cơ chế đặc thù” của TPHCM vẫn chỉ được vận dụng các quy định dưới luật. Các nội dung liên quan đến luật, đến các thẩm quyền của Trung ương thì hiện nay TPHCM vẫn phải xin ý kiến bộ, ngành, sau đó trình lên Chính phủ, và chờ xem xét, chỉ đạo, quyết định.
Để giải quyết các thách thức trên, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM đã đề xuất Trung ương nghiên cứu để ban hành một Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù phát triển TPHCM. Từ đó, TPHCM mới phân cấp, phân quyền rõ ràng hơn, đảm bảo được vị thế cũng như vai trò “đầu tàu” của mình với mức đóng góp ngân sách ổn định hơn. Dù vậy, để giải quyết ổn định, lâu dài, căn cơ các vấn đề của mình, TPHCM cần tiếp tục kiến nghị Chính phủ xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật chính quyền đô thị loại đặc biệt. Luật này có thể áp dụng trước cho các đô thị đặc biệt, chẳng hạn Hà Nội và TPHCM, sau đó tổng kết kinh nghiệm và nhân rộng. Trước đây, TPHCM từng đề xuất mô hình chính quyền đô thị cùng với thời điểm Luật Thủ đô. Cốt lõi của mô hình cho phép chính quyền đô thị TPHCM chủ động phân cấp, phân quyền quản lý, điều hành, chủ động, tự chủ về thẩm quyền và trách nhiệm trong giải quyết các vấn đề quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố. Dù vậy, do chưa đáp ứng được các tiêu chí cần thiết nên cho đến nay mô hình mới được nhiều chuyên gia đặt lại vấn đề. Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng, trước hết tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM cần ổn định, lâu dài, với nguồn ngân sách giữ lại đảm bảo cho tái sản xuất và đảm bảo nhu cầu thu, chi hàng năm đối với một đô thị đặc biệt.
Hơn bao giờ hết, TPHCM cần sẵn sàng chuẩn bị thêm các nguồn lực trước thời điểm một Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù phát triển TPHCM được Trung ương thông qua. Mặt khác, thành phố cần tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy truyền thống năng động sáng tạo để tự tháo gỡ những vấn đề khó khăn, bất cập, tiếp tục khẳng định vị thế cũng như vị trí của mình.