Mới đây, lại thêm một bị cáo tự tử tại TAND tỉnh Bình Phước, nhưng bất thành vì được cấp cứu kịp thời. Việc bị cáo Mạc Văn Hào sau nhiều lần kéo người đến tạo áp lực với TAND tỉnh Bình Phước không có kết quả đã mang thuốc sâu đến uống tự tử tại trụ sở tòa án là điều không thể chấp nhận được. Một người thực sự bị oan nhưng chọn giải pháp tiêu cực là tự tử để chứng minh vốn đã không được khuyến khích, nói gì đến việc bị tuyên đúng người, đúng tội lại định lấy cái chết ra đe dọa người thực thi pháp luật.
Sáng qua (25/8), Chánh án TAND tỉnh Bình Phước Phạm Thị Bích Thủy đã chính thức thông tin về sự việc đáng tiếc trên. Cụ thể, ngày 12/8, TAND tỉnh Bình Phước đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án cố ý gây thương tích và tuyên phạt bị cáo Mạc Văn Hào 30 tháng tù với tội danh trên. Trước đó, TAND huyện Phú Riềng xét xử sơ thẩm cũng đã tuyên phạt bị cáo này 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Tuy nhiên, bị hại không chấp nhận bản án sơ thẩm nên đã kháng cáo lên cấp phúc thẩm.
Trong quá trình xét xử, TAND tỉnh Bình Phước nhận định hành vi của bị cáo Mạc Văn Hào có tính chất manh động, côn đồ. Việc cấp sơ thẩm cho bị cáo Mạc Văn Hào hưởng án treo là chưa tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi phạm tội. Chính vì thế HĐXX cấp phúc thẩm đã chuyển hình phạt 30 tháng tù treo sang tù giam. Mạc Văn Hào cho rằng điều này không công bằng, nên đã ít nhất hai lần kéo thêm nhiều người tới trụ sở tòa án gây rối, la lối tạo áp lực và có những lời lẽ xúc phạm thẩm phán chủ tọa phiên tòa.
Lần đầu tiên Mạc Văn Hào và nhiều người khác đến gây rối tại trụ sở TAND tỉnh Bình Phước vào sáng 14/8. Tới chiều 24/8, Hào tiếp tục cùng gần 10 người đến trụ sở TAND tỉnh Bình Phước gây áp lực, xúc phạm cán bộ tòa án. Mặc dù được cán bộ tòa giải thích nếu không đồng ý với bản án phúc thẩm thì có quyền làm đơn kiến nghị lên TAND Cấp cao tại TP HCM đề nghị xem xét kháng nghị giám đốc thẩm, nhưng Hào không chịu. Sau đó, bị cáo Mạc Văn Hào đã lấy ra chai thuốc trừ sâu rồi uống.
Chỉ vì muốn “ôm eo” một nữ ca sĩ ở quán không được, Mạc Văn Hào đã đánh cô gái rồi về nhà lấy hung khí đâm người khác trọng thương. Căn cứ vào hồ sơ vụ án, việc TAND tỉnh Bình Phước xét xử phúc thẩm tuyên phạt bị cáo Mạc Văn Hào 30 tháng tù là hoàn toàn đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan. Với một kẻ có thái độ côn đồ, manh động như bị cáo Mạc Văn Hào thì cần thiết phải cách ly khỏi đời sống xã hội để răn đe, phòng ngừa. Việc tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt Mạc Văn Hào án treo là quá nhẹ.
Ở đây bài viết không hề có ý định tranh luận về tình tiết cụ thể của vụ án, mà chỉ muốn đưa ra mổ xẻ hành vi tự tử để gây áp lực với tòa của bị cáo Mạc Văn Hào. Như đã phân tích ở trên, việc TAND tỉnh Bình Phước tuyên phạt Mạc Văn Hào 30 tháng tù là không hề nặng, nên bị cáo này không có lý do gì để lấy cái chết “cảnh tỉnh tòa án”. Nếu thực sự cảm thấy “ấm ức” vì đang từ án treo bị chuyển sang án tù giam, bị cáo Mạc Văn Hào hoàn toàn có thể làm đơn gửi TAND Cấp cao tại TP HCM xin kháng nghị giám đốc thẩm.
Song, thay vì làm việc đúng đắn theo quy định của pháp luật, bị cáo Mạc Văn Hào lại kéo người đến chửi bới, đe dọa, tạo áp lực với tòa án, rồi uống thuốc sâu tự tử. Pháp luật không phải là trò đùa để Mạc Văn Hào hay bất cứ ai nghĩ rằng gây áp lực sẽ được giảm án hoặc vô tội. Những người thực thi pháp luật cũng không phải là con tin để Mạc Văn Hào hay bất cứ bị cáo nào có thể lôi ra dọa nạt, khống chế nhằm đạt được mục đích của cá nhân mình. Khi đã vi phạm pháp luật thì không ai có thể che đỡ cho họ được.
Vì thế, nếu nghĩ rằng việc lấy cái chết ra để đe dọa, tạo áp lực với cán bộ tòa án, nhằm mặc cả với pháp luật là hoàn toàn sai lầm. Giả sử, khi Mạc Văn Hào uống thuốc sâu tự tử mà không ai phát hiện kịp thời để đưa đi cấp cứu thì hậu quả sẽ là bị cáo phải thiệt mạng. Trong trường hợp này, cùng lắm thì lãnh đạo TAND tỉnh Bình Phước cũng chỉ xem xét việc bị cáo tự tử trong trụ sở mà thôi. Sẽ không có ai vì cái chết của Mạc Văn Hào mà lật lại vụ án cho bị cáo này, bởi việc xét xử vụ án này là hoàn toàn đúng pháp luật.
Nhớ lại cách đây chưa lâu, cũng đã có trường hợp một bị cáo nhảy lầu tự tử tại trụ sở TAND tỉnh Bình Phước. Song, vụ án cố ý gây thương tích của Mạc Văn Hào khác xa với vụ án TNGT của bị cáo Lương Hữu Phước. Chưa kể đến thái độ ứng xử của hai bị cáo khác nhau một trời một vực, một người hiền lành chân chất, còn người kia côn đồ manh động. Chỉ riêng việc vụ án của Mạc Văn Hào đã “rõ như ban ngày”, còn vụ án của bị cáo Phước còn nhiều “điểm mờ” mà các cơ quan tố tụng chưa làm rõ, dễ dẫn đến oan sai.
Vì thế sau khi bị cáo Lương Hữu Phước tự tử thì dư luận xã hội “dậy sóng”, các cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra, làm rõ có hay không việc TAND tỉnh Bình Phước gây oan sai khiến bị cáo uất ức tự tử. Còn việc bị cáo Mạc Văn Hào tự tử chỉ càng khiến dư luận xã hội thêm bức xúc về hành vi coi thường pháp luật, chứ không hề giúp ích gì cho anh ta trong mục đích gây áp lực cho tòa nhằm giảm án hoặc hưởng án treo. Bởi, đơn giản luật pháp không phải trò đùa!