Trái cây ở ĐBSCL đang vào chính vụ. Thế nhưng, từ sau khi đại dịch bùng phát, nhất là khi triển khai thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhiều địa phương trong vùng lúng túng khi xử lý tiêu thụ, khiến lượng nông sản ùn ứ rất lớn trong dân…
Nông sản ùn ứ ngày một nhiều
Ghi nhận tại Nông trường Sông Hậu thuộc huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, hiện đang có gần 3.360 ha cây ăn trái phần lớn đang vào vụ thu hoạch rộ, nhiều nhất vẫn là nhãn. Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Nông trường Sông Hậu Nguyễn Thanh Phú cho biết: Hiện nay khoảng 200 ha nhãn của nông trường đang vào mùa thu hoạch với sản lượng khoảng 1.600 tấn nhưng khó tiêu thụ vì thương lái không thể vào vườn thu gom.
Do ảnh hưởng dịch bệnh và việc giản cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên thương lái không vào thu mua được, giá theo đó cũng rớt thảm, nông dân thiệt hại khoảng 80% đến 90%. Ông Phú xót của khi mỗi ngày nông trường có từ trên dưới 5 tấn chuối xuất khẩu không thể tiêu thụ được đành bỏ ngoài vườn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Tháp hiện tỉnh còn tồn 909 tấn nhãn, 277 tấn cam và khoai lang 1.220 tấn. Mặc dù tỉnh đã chỉ đạo hướng dẫn “luồng xanh”, đồng thời hướng dẫn địa phương hỗ trợ thu hoạch nhưng lại gặp khó trong việc thiếu phương tiện vận chuyển và lực lượng tham gia vận chuyển, thu hoạch, sơ chế, đóng gói. Nhất là những khu vực bị phong toả.
Khu vực trồng nhiều trái cây nhất là các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, nhà vườn ở đây cũng đang điêu đứng vì giá nông sản liên tục giảm, trong khi thương lái không tiếp cận được để vận chuyển. Hiện các nhà vườn trồng nhãn xuồng cơm vàng ở xã đảo Tam Hiệp, huyện Bình Đại và cồn Phú Đa, huyện Chợ Lách (Bến Tre) nhãn đang vào vụ thu hoạch rộ nhưng giá bán rớt thê thảm.
Trước đó giá nhãn xuồng cơm vàng trung bình giá từ 30 đến 35 ngàn đồng/1kg, nhưng hiện nay giảm còn 5 đến 6 ngàn thu mua tại vườn, nếu nhà vườn nào vận chuyển được đưa ra vựa có giá khoảng 10 ngàn đồng.
Xã Tam Hiệp có khoảng 208 ha nhãn đang vào vụ thu hoạch, sản lượng ước đạt 7 đến 8 tấn/ha. Trước tình trạng giá giảm sâu, trong khi thương lái không đến thu gom được, chính quyền địa phương cũng đang gấp rút tìm giải pháp giải cứu nhãn cho người dân nơi đây.
Ông Nguyễn Văn Tiếp, nông dân ấp Phú Hiệp, xã Vĩnh Bình nói, năm nay vụ nhãn được mùa, trái chín đều và rất sai, chỉ còn vài ngày nữa là thu hoạch nhưng thương lái không thấy đến mua, lâu lâu có người đến trả giá thấp quá, nếu bán thì bà con thua lỗ nặng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Đại Võ Văn Quân cho biết, trước mắt, huyện và xã vận động cán bộ công chức, lực lượng vũ trang, các đoàn thể địa phương tiêu thụ nhằm góp phần giải cứu cho bà con nông dân nhưng cũng không được bao nhiêu. Hiện địa phương đang phối hợp với Sở Công thương kết nối với các nơi khác tìm đầu mối hỗ trợ, giải cứu khoảng 100 tấn nhãn đang chín rộ của bà con.
Tìm mọi cách giải cứu nông sản
Hiện các địa phương ở ĐBSCL đang chủ động thực hiện nhiều giải pháp, nhiều kênh phân phối, các sàn thương mại điện tử và doanh nghiệp xuất khẩu để giải quyết lượng nông sản đang ùn ứ trong dân.
Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Cần Thơ, cho biết: Sở đã phối hợp với Sở Công thương lên phương án tiêu thụ hàng hóa trong nội ô thành phố, tìm cách vận chuyển và đưa vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích để tiêu thụ.
Ngoài kêu gọi người dân ủng hộ nông sản của tỉnh nhà và tìm cách đưa hàng vào hệ thống siêu thị, tỉnh An Giang thống nhất với các đơn vị thu mua nông sản cũng như tổ chức quảng bá, chương trình kết nối cung cầu các mặt hàng nông sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Tập trung xúc tiến thương mại cho tiêu thụ, chào bán các sản phẩm nông sản này trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Sendo, Shopee, Voso, Postmart...
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: Đối với các nông sản khác như rau màu, cây ăn trái (xoài ở huyện Chợ Mới) và vùng chuyên canh nếp ở huyện Phú Tân, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương phải chủ động có kế hoạch, phương án tiêu thụ, liên kết DN, mời gọi thương lái vào địa bàn thu mua, bảo đảm thu hoạch và tiêu thụ cho nông dân trên địa bàn.
Điều người dân lo lắng lúc này là vấn đề vệ sinh khử trùng các sản phẩm làm sao đến tay người dân không bị lây nhiễm Covid-19. Về việc này ông Trần Anh Thư khẳng định: Sở Y tế có kế hoạch hỗ trợ hóa chất khử trùng, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị y tế cho các địa phương có sản phẩm nông sản đang kỳ thu hoạch và chuẩn bị thu hoạch, bảo đảm các điều kiện phục vụ tiêu thụ nông sản được thuận lợi.
Đồng thời cử cán bộ làm nhiệm vụ hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định phòng dịch Covid-19 tại các vùng sản xuất nông sản tập trung, các doanh nghiệp, thương nhân thu mua, tiêu thụ và phương tiện vận chuyển nông sản, đảm bảo an toàn đến tay người tiêu dùng…”.