Trong văn bản gửi 13 bộ, ngành và 4 hiệp hội lấy ý kiến dự thảo báo cáo Chính phủ về tiền lương tối thiểu vùng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục đề nghị chưa nên tăng lương tối thiểu vùng năm 2021. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng dẫu thế thì cũng “đừng quên” cải cách tiền lương.
Vì sao lại hoãn tăng lương tối thiểu vùng, có thể hiểu là do khó khăn từ dịch Covid-19. Con số doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể tăng gần 14% so với năm 2019. Tỉ lệ thất nghiệp cũng lên 2,48%, là mức cao nhất trong 10 năm qua. Thu nhập của người lao động bình quân giảm 75.000 đồng/tháng so với năm 2019.
Trước đó, Bộ LĐTBXH cũng có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án chưa tăng lương tối thiểu vùng năm 2021; tiếp tục duy trì mức lương tối thiểu của năm 2020 cho tới hết năm 2021. Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng đề xuất chưa ban hành mới về mức lương tối thiểu theo giờ để đồng bộ với phạm vi, đối tượng áp dụng mức lương tối thiểu theo tháng.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam, dịch Covid-19 khiến nhiều DN thuộc Hiệp hội bị ảnh hưởng từ 50%-70% việc làm, phải chuyển sang làm các hình thức khác để duy trì sản xuất và việc làm cho công nhân. Các DN lỗ, phải bỏ tiền ra vài tỉ đến vài chục tỉ đồng trả lương dừng, chờ việc cho người lao động. Do đó thật khó để nâng lương.
Tương tự, theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐTBXH) thì chưa nên tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2021, bởi mục tiêu trước mắt hiện nay là bảo vệ việc làm cho người lao động. Nếu tăng lương, DN giảm lao động thì còn khó khăn hơn. Do đó, theo bà Hương, việc tăng lương tối thiểu vùng phải tính toán hài hòa quyền lợi của cả DN và người lao động, cứu người lao động nhưng cũng phải cứu cả DN.
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cũng cho rằng, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của DN, việc làm của NLĐ; vì vậy, cần “nén” nhu cầu lại làm sao để DN duy trì được hoạt động.
Trước đó, lương của cán bộ công chức (CBCC) cũng đã tạm thời gác lại chưa tăng để dành tiền cho các mục tiêu khác. Tuy nhiên, cần lưu ý, ngày 21/5/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 27-NQ/TW quy định về cải cách chính sách tiền lương. Cụ thể, nhằm khắc phục những hạn chế, thiếu sót nêu trên, từ năm 2021, chính sách tiền lương có những thay đổi bằng cách bãi bỏ mức lương cơ sở, hệ số lương hiện nay và thay thế bằng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể. Sẽ xây dựng bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo thay thế bảng lương hiện nay, đảm bảo tiền lương mới không thấp hơn mức lương hiện hưởng.
Thực tế thì việc ban hành bảng lương mới sẽ góp phần cải cách tiền lương trong khu vực hành chính sự nghiệp. Bởi từ lâu mức lương ở khu vực này đã không bắt kịp xu hướng phát triển kinh tế - xã hội, bị xem là không tạo ra được động lực để CBCC đổi mới, sáng tạo.
Để thực hiện mục tiêu cải cách tiền lương thì ngoài vấn đề quan trọng là nguồn tiền lương này ở đâu thì điều cũng quan trọng không kém chính là thiết kế lại cách tính lương dựa trên vị trí việc làm, thay vì cách tính lương như hiện nay (hệ số lương nhân với lương cơ sở). Đó là sự cào bằng, thủ tiêu mọi động lực, cố gắng của người làm công ăn lương.
Việc ban hành các bảng lương dựa trên vị trí việc làm giúp cho việc tính lương không cào bằng, đảm bảo khuyến khích sự sáng tạo trong khối lao động hưởng lương ngân sách; xóa bỏ kiểu tính lương dựa trên thâm niên với tình trạng “sống lâu lên lão làng”. Đó là sự công bằng. Vì thế dù cho hoãn tăng lương tối thiểu thì việc cải cách chế độ tiền lương vẫn cần sớm triển khai.