Phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, ông Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh, cần phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án Giải pháp chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai, không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Cán bộ sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm là một thực tế. Tâm lý “làm ít, sai ít; không làm, không sai” đang tạo ra những điểm nghẽn cho hoạt động bình thường của bộ máy. Chính vì vậy, Bộ Nội vụ đã xây dựng dự thảo những quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cùng với việc quy định bảo vệ cán bộ “dám làm” thì cũng rất cần cơ chế để nhận diện bộ phận cán bộ lười biếng, không dám chịu trách nhiệm bằng cách quy định rõ công việc của từng vị trí cụ thể trong bộ máy.
Quy định rõ nhiệm vụ của họ đến đâu là để giám sát, kiểm tra, để “lượng hóa”, để trước hết họ “phải nghĩ, phải làm”, còn ở mức cao hơn là dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì công việc chung. Nói ví dụ, giải ngân vốn đầu tư công chậm là do ai nếu nhiệm vụ này được giao rõ người. Trong “mô tả vị trí công việc” cần làm rõ điều này để không thể “chuyền quả bóng trách nhiệm” sang chỗ này chỗ khác, cấp này cấp khác. Khi đã rõ việc thì đương nhiên cán bộ đó phải chứng minh họ đã nỗ lực, không thể còn “mũ ni che tai” được nữa.
Một ví dụ khác, nếu như doanh nghiệp khiếu nại nhu cầu chính đáng của họ không được đáp ứng thì buộc một cán bộ cụ thể nào đó phải giải trình. Sai phải chịu tách nhiệm. Rõ từng vị trí công việc sẽ buộc mỗi người phải “động não”, “động tay động chân” chứ không rơi vào cảnh “nước chảy bèo trôi”. Khi một cán bộ không làm được việc (quá đáng hơn là không chịu làm) thì đã sẵn chế tài trong “mô tả vị trí công việc”, xử lý sẽ không còn quá khó.
Một biểu hiện nữa cũng rất cần phải lưu ý. Đó là sợ sai nên chuyện gì cũng hỏi cấp trên. Có người nhận xét, ngày một nhiều hơn số cán bộ ít chịu phát biểu trong cuộc họp nhưng lại thích tranh luận trong bàn tiệc. Lúc làm việc thì nói chuyện tiệc tùng, trên bàn tiệc thì lại đem chuyện cơ quan ra nói... như đúng rồi. Nhưng lại không làm gì cả dẫu tháng nào cũng đều đặn nhận lương.
Thực ra, cũng không quá khó để nhận diện nhóm cán bộ công chức lười biếng, sợ sai, đùn đẩy công việc, không dám làm. “Biểu hiện lâm sàng” của nhóm này là đổ lỗi cho người khác, dựng chuyện, tìm mọi cách né tránh công việc được giao.
Câu chuyện rất thời sự tại TPHCM là mới đây, khi bắt tay vào triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15 về cơ chế đặc thù, lãnh đạo thành phố đã đặt vấn đề “then chốt của then chốt” là công tác cán bộ. Theo đó, thành phố sẽ có chỉ thị để “chữa trị” cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, sợ sai. Tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM mới đây, về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố, ông Pham Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM đã nêu ra những vấn đề còn hạn chế và thừa nhận với Thủ tướng tình trạng lo ngại trong thực hiện công vụ của một bộ phận cán bộ công chức, viên chức là có thật. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cũng đồng tình với nhận định của Chủ tịch UBND TPHCM. Theo ông Thăng, đây là vấn đề tồn tại rất lớn và đề nghị TPHCM khẩn trương có chỉ thị để tháo gỡ. Còn theo ông Lê Quốc Hùng - Thứ trưởng Bộ Công an, thực tế đó không chỉ ở TPHCM mà còn ở nhiều địa phương khác. Đó là tình trạng co cụm, cầu an, thận trọng quá mức trong điều hành, xử lý công việc chung. Nhiều việc thuộc thẩm quyền giải quyết nhưng quá thận trọng, không dám quyết nên phải lấy ý kiến rất nhiều cơ quan chức năng.
Nói như ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội thì vấn đề quan trọng hàng đầu là phải giải phóng được tư tưởng cho cán bộ lãnh đạo và những người thực thi; khắc phục bằng được được tư tưởng thụ động, không dám làm. Ông Dung cho rằng, muốn thế thì phải có cơ chế, quy định rõ ràng.
Trở lại vấn đề, cùng với cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ,dám làm, dám đột phá vì công việc chung thì trước hết cần phân công rõ công việc để không thể đùn đẩy, né tránh, mà “phải nghĩ, phải làm” nếu như không muốn buộc phải rời đi.