Khoản 5 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, mức hưởng lương hưu thấp nhất khi tham gia bảo BHXH bắt buộc bằng mức lương cơ sở.
Bỏ quy định về mức lương hưu thấp nhất
Hiện nay, mức lương cơ sở đang là 1,8 triệu đồng, do đó mức lương hưu thấp nhất là 1,8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2024, theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới. Như vậy, theo lộ trình thực hiện, từ ngày 1/7 tới đây sẽ không còn mức lương cơ sở để làm căn cứ điều chỉnh tiền lương đóng BHXH để tính lương hưu và tính hưởng một số chế độ BHXH.
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) hiện hành quy định người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ 15 năm tham gia BHXH và không nhận BHXH một lần sẽ được nhận trợ cấp hưu trí xã hội.
Thời gian hưởng, mức hưởng tùy thuộc vào tổng thời gian đóng, căn cứ đóng BHXH của người lao động, dự kiến thấp nhất khoảng 500.000 đồng/tháng. Do đó, dự kiến lương hưu thấp nhất tới đây có thể là mức khoảng 500.000 đồng/tháng.
Trước thông tin bỏ quy định về mức lương hưu thấp nhất, nhiều ý kiến lo ngại nhiều người sẽ có mức hưởng rất thấp, không đảm bảo cuộc sống. Quy định về mức lương hưu thấp nhất trong các Luật BHXH năm 2006, 2014 đã giúp cho nhiều nhóm lao động khi nghỉ hưu được hưởng chính sách an sinh xã hội tốt hơn. Vì nếu thấp hơn sẽ được Quỹ BHXH hoặc ngân sách nhà nước điều chỉnh tăng thêm, bảo đảm ít nhất bằng mức lương cơ sở. Tuy nhiên theo Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương, mức lương cơ sở sẽ bị bãi bỏ từ ngày 1/7/2024. Nếu coi mức lương hưu thấp nhất là tầng thấp nhất hưu trí xã hội với dự kiến là 500.000 đồng/người/tháng sẽ kéo lùi tiến bộ an sinh xã hội. Thực tế với mức 500.000 đồng/người/tháng chỉ tương đương với 33,3% mức chuẩn nghèo thu nhập khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng và 25% so với mức chuẩn nghèo thu nhập thành thị là 2 triệu đồng.
Cần có chính sách hỗ trợ
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Phạm Minh Huân, nếu không còn mức lương hưu tối thiểu, nhiều người về hưu sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, ông Huân cho rằng chính sách BHXH hiện nay theo nguyên tắc đóng - hưởng, đóng thấp hưởng thấp, đóng cao hưởng cao. Vì thế, trong trường hợp người nhận có mức hưởng quá thấp thì cần có chính sách an sinh khác hỗ trợ thêm để đảm bảo mức sống tối thiểu.
Theo ông Huân, thực tế nếu giữ mức lương hưu tối thiểu như hiện nay thì Nhà nước vẫn phải bù ngân sách hỗ trợ thêm, về lâu dài cũng không đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng, do đó cần xem xét, tính toán lại. Trường hợp bỏ đi lương hưu tối thiểu thì vẫn cần có một mức sàn an sinh. Mức này sẽ căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội và từng thời kỳ để xem xét điều chỉnh cụ thể bao nhiêu.
“Đây là sàn an sinh chứ không phải sàn lương hưu, nhằm hỗ trợ cho người có lương hưu thấp. Mức này cần xem xét dựa trên nhiều yếu tố, mức sống dân cư từng thời kỳ, tình hình kinh tế - xã hội. Từ đó, các cơ quan liên quan sẽ nghiên cứu để tính toán cho phù hợp” - ông Huân góp ý.
PGS.TS Bùi Thị An cũng cho rằng, lâu nay chúng ta có quan niệm đi làm sau tuổi nghỉ hưu cho vui, cho khỏe nhưng thực tế đại đa số đi làm vì lương hưu không đủ sống. Do đó, nếu giờ bỏ đi sàn lương hưu tối thiểu thì cuộc sống người già khi về hưu sẽ rất khó khăn. Chưa kể hiện nay số người rời bỏ hệ thống BHXH, xin hưởng BHXH 1 lần có xu hướng gia tăng.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến cuối năm 2023, chỉ có khoảng 2,7 triệu người cao tuổi hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng, chiếm 20,7% tổng số người cao tuổi. Hiện Việt Nam cũng được đánh giá là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Dự báo đến năm 2035, tỷ lệ người cao tuổi của Việt Nam sẽ vào khoảng 20% dân số.
Từ thực tế trên, bà An cho rằng, trong bối cảnh vấn đề già hóa dân số đang diễn ra rất nhanh, câu chuyện này cần được nhìn nhận thấu đáo, với chính sách bao trùm, để khi người lao động về hưu có lương hưu tối thiểu đủ sống.
Để mở rộng diện thụ hưởng an sinh xã hội, hiện dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang quy định giảm năm đóng bảo hiểm từ 20 năm xuống 15 năm, nhưng nhiều ý kiến lo ngại mức hưởng lương hưu sẽ rất thấp.
“Việc giảm năm đóng là chính sách khuyến khích người lao động tham gia BHXH. Tuy nhiên, khi đến tuổi nghỉ hưu nhưng mức hưởng lương hưu không đủ sống, cần có sự hỗ trợ thêm của nhà nước, bằng một chính sách về lương hưu tối thiểu đối với những người có mức hưởng thấp” - theo TS Phạm Thị Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Đại diện Bộ LĐTBXH cho rằng, mức lương hưu thấp nhất thời gian vừa qua chỉ đúng cho một giai đoạn nhất định. Tới đây, khi thực hiện mở rộng bao phủ BHXH, bỏ mức lương hưu thấp nhất, không có nghĩa là không còn người tham gia bảo hiểm thấp hơn mức lương. Theo Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung, mức lương hưu thấp nhất hiện nay lấy ở mức lương cơ sở. Nhưng nếu buộc phải lấy mức lương cơ sở này thì những người có nhu cầu không thể tham gia bảo hiểm được, vì không đủ điều kiện tham gia bằng mức lương tối thiểu. Theo Bộ trưởng, khảo sát khu vực nông thôn, phương án này được người dân cho là phù hợp.