LƯƠNG NHÀ GIÁO: Câu chuyện chưa hồi kết

Lã Thế Tuấn 05/11/2017 06:00

Những ngày này, câu chuyện về lương hưu của lao động nữ khi về hưu sau thời điểm 1/1/2018 đang thu hút sự quan tâm của xã hội. Cùng đó, lương của giáo viên khi về hưu - nhất là lương của giáo viên mầm non, tiểu học quá thấp cũng gây nên nỗi băn khoăn lớn. Chuyện cô giáo dạy mầm non Trương Thị Lan (Hà Tĩnh) đã bật khóc khi nhận sổ hưu với 1,3 triệu đồng/tháng sau 37 năm cống khiến - cũng khiến không ít người bật khóc. Cú sốc vẫn còn đó nhưng rồi cũng cần phải lắng lại để nhìn nhìn nhận vì sao nê


Giáo viên mầm non, đối tượng chịu thiệt thòi nhất khi về hưu theo cách tính của Bảo hiểm xã hội nếu được áp dụng từ 1/1/2018

Đề xuất lùi thời gian thực hiện chế độ lương hưu mới
Trước hết, hãy nói đến mức trả lương hưu của Bảo hiểm xã hội, nếu được áp dụng từ 1/1/2018.
Có thể nói ngay rằng, cách tính mới đó sẽ làm rất nhiều người thiệt thòi, do không đủ số năm đóng bảo hiểm, sẽ bị trừ mức cao gấp đôi so với trước đó. Chính vì thế, suốt từ đầu năm tới nay, có rất nhiều người đã “chạy” để được về hưu sớm, dù chưa đủ tuổi, không loại trừ cả những người được coi là có chức có quyền. Bản chất của “phong trào chạy hưu” chính là để tránh bị áp mức tính lương hưu bắt đầu từ năm 2018.

Trước thực tế đó, nhiều ý kiến phản ứng với cách tính lương hưu mới đã được nêu lên. Mới đây nhất, ngày 3/11, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi cách tính lương hưu với lao động nữ; có nghĩa là không đồng thuận với cách tính mới của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), kể từ 1/1/2018. Theo đó, lao động nam phải mất 35 năm, lao động nữ phải mất 30 năm đóng bảo hiểm (thay vì 30 năm với nam và 25 năm với nữ như luật hiện nay) mới được hưởng lưu hưu mức tối đa bằng 75% lương. Văn bản của Tổng Liên đoàn LĐVN nêu rõ: “Quy định trên của luật BHXH 2014 về mức lương hưu hàng tháng của lao động nữ đã tạo ra tình trạng sốc do thay đổi chính sách và chưa đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới, gây phản ứng tiêu cực và tâm lý bất an cho người lao động, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới cũng như chính sách an sinh xã hội của đất nước”, từ đó đề xuất cách tính lương hưu đối với lao động nữ từ 1/1/2018 vẫn thực hiện như cũ.

Trước đó 1 ngày, trao đổi bên hành lang kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết đã trình Chính phủ phương án lùi áp lương hưu mới từ 2018 sang 2022 do có quá nhiều lao động nữ bị thiệt thòi, khoảng từ 5-10% lương hưu.

Lương hưu cô giáo mầm non thấp cỡ nào?
Khoảng tháng 5/2015, khi sắp kết thúc năm học, một cô giáo dạy mầm non ở thôn Yên Minh, xã Trường Sơn, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa đã làm dư luận choáng váng khi nói với truyền thông rằng lương hưu của cô không mua nổi một hộp sữa. Theo đó, cô bắt đầu công tác trong bậc học mầm non của xã từ tháng 9/1973, từng làm hiệu trưởng, bí thư chi bộ Trường mầm non xã nhiều năm liền. Tới tháng 1/1995, cô cùng các giáo viên mầm non địa phương được hưởng phụ cấp mức 290.000 đồng/tháng, được hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện. Từ đó đến hết năm 2011, cô cùng đồng nghiệp chỉ được hưởng mức phụ cấp của huyện, tỉnh, được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội. Từ ngày 1/1/2012, cô mới được vào công chức nhà nước (theo quyết định của chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về chuyển đổi 525 trường học mầm non bán công sang công lập), được đóng BHXH bắt buộc.

Đến tháng 11/2013, cô đủ 55 tuổi, nghỉ hưu nhưng còn thiếu 14 tháng đóng BHXH mới đủ 20 năm để được hưởng lương hưu theo quy định. Như vậy, cô phải tự đóng BHXH tự nguyện 14 tháng (từ tháng 11/2013 đến hết năm 2014).

Nhưng, kinh hoàng nhất là vào thời điểm tháng 1/2015, cô có quyết định nhận lương hưu của BHXH tỉnh Thanh Hóa với mức lương 437.236 đồng/tháng.

Lỗi không phải do cô giáo nọ, cô có trốn đóng BHXH đâu. Lỗi ở chính sự thay đổi của chính sách, mà trước tiên là ở chỗ quyền lợi của người công tác trong bậc học mầm non không được bảo đảm, khi thì dân lập, bán công, khi thì công lập, khiến cho số năm đóng bảo hiểm bắt buộc của họ không đủ, cũng có nghĩa là tổng số tiền đóng bảo hiểm không nhiều dẫn đến lương hưu quá thấp.
Câu hỏi đặt ra là: Vì sao lương hưu giáo viên mầm non lại thấp?

Trở lại với trường hợp cô giáo mầm non Trương Thị Lan (Trường Mầm non Lê Duẩn, xã Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) sau 37 năm công tác, khi về hưu chỉ được hưởng mức lương 1,3 triệu đồng/tháng. Cô Lan khóc. Nhiều người khóc theo. Nhưng đáng tiếc đó không phải là trường hợp cá biệt mà là phổ biến đối với cô giáo mầm non.
Theo quy định, trước năm 1999, giáo viên ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập không thuộc diện tham gia BHXH. Từ năm 1999 trở lại đây, mới có chính sách quy định giáo viên mầm non ngoài công lập có ký hợp đồng lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Nhưng do “độ trễ” của chính sách, vài năm sau đó giáo viên mầm non ngoài công lập mới chính thức đóng BHXH.
Cho tới ngày 22/3/2004, Bộ Giáo dục và Đào tạo và BHXH Việt Nam có Công văn số 2150/GDĐT-BHXH về thực hiện BHXH, Bảo hiểm y tế đối với người lao động thuộc các cơ sở giáo dục mầm non. Sau đó, chính sách tiếp tục thay đổi, bản thân người đóng BHXH (ở đây là cô giáo mầm non) cũng không thể tự biết mình sẽ được nhận bao nhiêu tiền hàng tháng khi về hưu; nhiều người còn không biết mình có được “ăn” lương hưu hay không.

Nguyên nhân khiến mức lương hưu của giáo viên mầm non thấp, được những người nắm chế độ của BHXH cho rằng, đầu tiên là do tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của giáo viên mầm non thấp, vì thế lương hưu được tính trên nền tiền lương sẽ thấp. Tiếp đó là do thời gian đóng BHXH ngắn, dẫn đến tỷ lệ hưởng lương hưu thấp.

Khi “người nắm chính sách” đã nói như vậy thì... trời cãi. Nơi chi trả lương hưu làm đúng luật, người nhận lương hưu không có lỗi gì. Nhưng người chi trả thì áy náy, còn người nhận thì đau khổ. Vậy thì lỗi ở đâu? Nói như ông Đặng Quốc Hiền- trưởng phòng Giáo dục huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh (nơi bùng ra câu chuyện của cô giáo Lan) thì tình trạng lương hưu của giáo viên mầm non thấp, không đủ sống là rất nhiều. Phòng đã có những kiến nghị, đề xuất nhưng chưa có thay đổi. “Mong rằng Nhà nước sẽ có những sự điều chỉnh chính sách hợp lý để đội ngũ giáo viên mầm non có được mức lương hưu tương xứng, tạo động lực để họ phấn đấu, cống hiến”- ông Hiền nói.

Lương nhà giáo: Thấp hay cao?
Trong một báo cáo thực hiện chính sách tiền lương của Bộ GDĐT gửi Bộ Nội vụ và Bộ LĐTBXH hôm 25/10 vừa qua, thì lương nhà giáo thấp nhất là 3,2 triệu đồng/tháng. Đối với những cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập do Nhà nước đảm bảo 100% chi thường xuyên, mức lương của giáo viên dao động từ 3-10 triệu đồng/tháng.

Cụ thể, với mức lương cơ sở 1,3 triệu đồng/tháng, giáo viên mầm non và tiểu học có hệ số lương khởi điểm là 1,86 (trình độ trung cấp), mức phụ cấp ưu đãi là 35%, không có phụ cấp thấp niên thì mức lương khởi điểm là 3.264.300 đồng. Giáo viên trung học cơ sở có hệ số lương khởi điểm là 2,1 (trình độ cao đẳng), phụ cấp ưu đãi 30%, mức lương khởi điểm là 3.549.000 đồng. Giáo viên trung học phổ thông có hệ số lương khởi điểm là 2,34 (trình độ đại học), phụ cấp ưu đãi 30%, mức lương khởi điểm là 3.954.600.

Theo cách tính toán đó thì với giáo viên công tác 18 năm, mức lương dao động từ 7.205.600 (giáo viên mầm non/tiểu học) tới 7.829.250 đồng (giáo viên trung học cơ sở) và 8.558.550 đồng (giáo viên trung học phổ thông và giảng viên đại học). Còn với giáo viên đã công tác được 35 năm thì mức lương dao động từ 9.183.720 đồng (giáo viên mầm non/tiểu học) tới 10.171.200 đồng (giáo viên trung học cơ sở) và 10.876.320 đồng (giáo viên trung học phổ thông và giảng viên đại học).

Từ thống kê trên cho thấy, việc thực hiện cơ chế tiền lương như hiện nay, người làm việc càng lâu năm, càng lớn tuổi thì mức lương càng cao. Thiệt thòi sẽ rơi vào người trẻ được đào tạo mới, tâm huyết với công việc do hệ số lương thấp. Vì thế mới có chuyện ai cũng muốn “sống lâu” để lên “lão làng”.

Nói như PGS.TS Hoàng Thị Tuyết (ĐH Mở TPHCM) thì chính bà đã không ít lần bật khóc cùng cựu sinh viên khi nghe họ tâm sự làm nhiều mà lương thấp. Tại Hội thảo về chất lượng giáo dục phổ thông do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức ngày 22/9, bà Tuyết nói: “Nhiều học trò của tôi ra trường theo nghề quay trở lại tâm sự với tôi rằng: Tụi em làm nhiều nhưng hưởng ít bởi lẽ lương giáo viên trả theo thâm niên. Đặc biệt khi năm ngoái có chủ trương giáo viên dạy tiểu học, dù tốt nghiệp cử nhân, hay thạc sĩ thì cũng bắt đầu hưởng lương trung cấp (1,86). Rất nhiều giáo viên tiểu học đã phải nuốt nước mắt làm nghề, hoặc không dám đi học cao hơn”. Nói rồi bà Tuyết kết luận: “Chúng tôi không hiểu sao lại có quy định như vậy”.

Cũng chính vì thế mà ông Trần Trung Ninh (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, “trong lần đổi mới Chương trình phổ thông tổng thể lần này, nếu vấn đề lương và đãi ngộ của giáo viên không được giải quyết thỏa đáng thì dù chương trình và sách giáo khoa có hiện đại và ưu việt cũng sẽ thất bại”.

Nhưng khi lãnh đạo Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GDĐT) lên tiếng thì mọi người mới “té ngửa”: Trước đây giáo viên hưởng lương theo bằng cấp. Do đó, mọi người đổ xô đi học thêm lên cao. Người ở nhà phải làm rất nhiều, lương thì vẫn thấp, người đi học về thì được lương cao hơn. Chính vì vậy từ khi có Luật Viên chức, việc tính toán trả lương theo tiêu chuẩn chức danh, theo thứ hạng trong nghề nghiệp, trong đó trình độ bằng cấp không phải là yếu tố quyết định, mà là sức lao động bỏ ra.

Ở đây một lần nữa lại xuất hiện câu chuyện tương tự như việc nhận lương hưu đã nói ở trên: Ai cũng có lý cả, vậy thì vô lý ở chỗ nào?

Cũng chính từ sự “thiếu rõ ràng” ấy nên lương giáo viên, lương hưu của người làm nghề dạy học ở bậc học thấp vẫn sẽ còn đó như một câu chuyện không hồi kết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    LƯƠNG NHÀ GIÁO: Câu chuyện chưa hồi kết