Để thực hiện chế độ tiền lương mới từ 1/7/2024, theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cần tiếp tục tinh giản biên chế và rà soát lại vị trí việc làm.
Theo ông Dĩnh, chúng ta đã 4 lần cải cách chính sách tiền lương nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Năm 2021 chưa thực hiện được vì vướng dịch Covid-19. Vừa qua để tạm thời bù đắp một phần thu nhập, đảm bảo đời sống cho người dân ngày 1/7/2023 Chính phủ đã thực hiện điều chỉnh tiền lương cơ sở và thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương. Đặc biệt từ 1/1/2020 đến 30/6/2022 theo thống kê của 63 tỉnh, thành, các bộ, ngành cho thấy số công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là gần 40 ngàn người. thậm chí trong đó có nhiều lãnh đạo, giám đốc, phó giám đốc sở xin nghỉ để chuyển sang khu vực tư. Dẫu có nhiều nguyên nhân như: áp lực công việc, môi trường làm việc, nhưng quan trọng cơ bản là thu nhập thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu cuộc sống. Vì thế thực hiện chế độ tiền lương mới là vô cùng cấp thiết, và đây cũng là lần thứ 5 chúng ta cải cách chính sách tiền lương.
Để thực hiện chế độ tiền lương mới, ông Dĩnh cho rằng cần quan tâm tới 3 vấn đề lớn. Thứ nhất, rà soát lại vị trí việc làm. Bởi bên cạnh bảng lương đối với lực lượng vũ trang, thì chỉ còn 2 loại hình bảng lương đó là bảng lương đối với lãnh đạo, cán bộ quản lý; và bảng lương của đối tượng làm chuyên môn nghiệp vụ. Cho nên đòi hỏi phải rà soát lại vị trí việc làm để đảm bảo chuẩn xác.
Thứ hai, khi thực hiện chính sách tiền lương mới sẽ bãi bỏ lương cơ sở, đây là động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội và là bước chuyển mới của chính sách cải cách tiền lương lần này. Khi bỏ lương cơ sở thì lương phải cao hơn bây giờ và đảm bảo mức sống. Vì vậy cần nghiên cứu để “áp” vào cụ thể. Ví dụ lương của đối tượng làm chuyên môn nghiệp vụ được trả theo vị trí việc làm. Vị trí việc làm rất phức tạp vì mỗi bộ, ngành, địa phương có nhiều vị trí việc làm. Giữa Trung ương với địa phương cũng có sự khác nhau.
Thứ ba, phải chuẩn bị nguồn lực để thực hiện chính sách cải cách tiền lương mới. Tăng lương nhưng phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Vì tăng lương mục đích là đầu tư cho con người, là đầu tư cho phát triển. Phải đảm bảo động lực cho người lao động để phấn đấu làm việc năng suất, hiệu quả kinh tế cao khi hiện năng suất lao động của ta đang rất thấp do lương chưa phải động lực và phản ánh đúng giá trị lao động của người lao động nên bây giờ phải cải cách tiền lương. Ví dụ sắp tới lương đã đáp ứng được yêu cầu đời sống hay chưa?
“Trước kia lương thấp, cơ bản là phụ cấp ngành nghề bổ sung. Cho nên phụ cấp là chính, chứ lương không phải chính. Nghị quyết 27 nói rất rõ là lương phải đảm bảo 70% trong cơ cấu, còn lại là phụ cấp. Vì thế bây giờ chính sách cải cách chính sách tiền lương mới thì lương phải phản ánh đúng giá trị lao động” - ông Dĩnh nói.
Xây dựng các cơ chế, chính sách để thực hiện chế độ tiền lương mới
Tại Nghị quyết 164/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương vừa được Chính phủ ban hành, Chính phủ chỉ đạo một số bộ chưa ban hành thông tư hướng dẫn xây dựng vị trí việc làm công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 62 ngày 1/6/2020, Nghị định số 106 ngày 10/9/2020 của Chính phủ phải khẩn trương hoàn thành trước ngày 15/10/2023 để triển khai đồng bộ tại các bộ, cơ quan, địa phương.