Lý giải hiện tượng mùa đông bất thường

Tuấn Việt 04/02/2017 09:30

Trái quy luật hơn 30 năm trở lại đây, từ đầu mùa đông, TP Hà Nội mới chỉ đón một đợt lạnh tăng cường. Thời tiết cực đoan, khi khí hậu nóng lên với nhiệt độ trung bình cao nhất cùng kỳ trong vòng 10 qua. Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia gọi đây là một mùa đông bất thường.

Mưa đá ở Sa Pa.

Không chỉ TP Hà Nội, khu vực Bắc Bộ nói chung từ đầu mùa đông đến nay hưởng một tiết trời ấm. Theo Trung Tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhiệt độ trung bình nửa đầu tháng 12 lên tới 22,4 độ C, trong khi nhiệt độ cùng kỳ 10 năm trở lại đây là 18,5 độ C.

Cuối tháng 12, tháng 1, và tuần đầu tháng 1, nhiệt độ trung bình được ghi nhận tại các trạm quan trắc đều cao so với cùng kỳ 4 độ C. Đây thực sự là hiện tượng bất thường trong 3 thập kỷ qua, có thể coi là một kỷ lục.

Ông Nguyễn Đăng Quang, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hiện tượng “mùa đông không lạnh”, được thể hiện trên những thông số đo được tại Hà Nội và một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Thậm chí có nhiều ngày trong tháng 12 và tháng 1, nhiệt độ buổi trưa đo được lên 26-27độ C.

Từ đông đến nay, chỉ ghi nhận 1 một đợt không khí lạnh tràn về song nhiệt độ thời điểm cao nhất trong ngày cũng đã 20-21 độ C. Hiện tại sẽ thêm một đợt không khí lạnh nữa. Song dự báo sẽ không lạnh sâu như cùng thời điểm của năm trước.

Trước đó, đầu năm 2016, thời tiết mùa đông được ghi nhận không kéo dài, nhưng lạnh sâu và xảy ra trên diện rộng chưa từng có trong vòng 10 năm.

Các vùng núi phía Bắc băng tuyết đã xuất hiện nhiều lần. Cực đoan hơn, tại vùng cao của tỉnh Nghệ An, đã ghi nhận hiện tượng tuyết rơi, và đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử. “Điều đáng nói là ở đây, sau một mùa đông như năm 2016, đến mùa đông năm nay, lại nóng lên bất thường” - Ông Quang nhấn mạnh.

Thêm một lý giải khoa học khác về một mùa đông không lạnh, theo nhiều nhà khoa học, nguyên nhân là do Việt Nam đã, đang chịu ảnh hưởng của El Nino cực đại.

Hiện tượng El Nino kéo dài được ghi nhận ở mức dài nhất kể từ năm 1997 và cao nhất trong lịch sử. Tiếp đến là giai đoạn giao mùa từ El Nino sang La Nina. Chính vì vậy, sau đợt rét duy nhất từ đầu mùa đông, thời tiết sẽ xuất hiện hiện tượng lạnh 3,4 ngày rồi lại tăng, cụ thể là nắng nóng.

“Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện nhiều sẽ tạo nên sự khác biệt thời tiết giữa các năm nên mọi người dễ dàng nhận thấy. Với không chỉ TP Hà Nội, các tỉnh phía Bắc, sẽ chịu nhiều ảnh hưởng,là mưa lũ, mùa màng, kể cả sức khỏe con người. Các nhà khoa học phải lý giải và ghi nhận hiện tượng của thời tiết cực đoan để đưa ra những cảnh báo cần thiết. Trên thế giới, hiện tượng cực đoan thời tiết cũng xảy ra ở nhiều quốc gia, và sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, khi trái đất dần ấm lên, sự nguy hại cho toàn thế giới”, GS TS Phạm Văn Tân, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết.

Sa Pa xuất hiện đợt mưa đá đầu tiên

Chiều 3/2, gần đỉnh Fansipan (Sa Pa, Lào Cai) xuất hiện mưa đá khoảng 20 phút. Tại khu nhà sàn gỗ gần đỉnh Fansipan, lớp băng dày khoảng 3-5 cm.

Nhiều du khách hò reo khi lần đầu tiên được hứng những hạt mưa đá tại nóc nhà Đông Dương. Theo ông Lưu Minh Hải, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Lào Cai, do ảnh hưởng của hội tụ gió trên cao kết hợp với không khí lạnh tăng cường, Lào Cai có mưa rào từ khoảng 12h trưa. Khu vực cao trên 2.500 m xuất hiện mưa đá với mật độ dày. Đây là đợt mưa đá đầu tiên ở Lào Cai trong năm 2017.

Chiều cùng ngày, hiện tượng mưa đá cũng xuất hiện tại tỉnh Điện Biên.

G.B

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lý giải hiện tượng mùa đông bất thường