Thời gian gần đây, cùng với TP Hồ Chí Minh, nhiều khu vực lân cận đã xảy ra tình trạng sốt đất ảo. Bất chấp quy định của pháp luật, các cá nhân, công ty rầm rộ quảng cáo ảo miễn sao lấy được tiền đặt cọc của khách hàng.
Thận trọng khi mua bán nhà đất vùng ven.
Rất nhiều dự án quy hoạch đơn giản nhưng đã được thổi lên thành các khu đô thị chỉ để đạt mục đích bán đất.
Cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, những địa phương tiếp giáp như Long An gần đây cũng đã nóng lên cơn sốt đất. Các dự án đất được đánh bóng bởi các mỹ từ như khu đô thị, khu dân cư cao cấp, khu nghỉ dưỡng, khu biệt thự… Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp còn bịa thêm thêm các hạng mục phụ trợ tiện ích không có thực để thu hút khách hàng.
Tiếp thị một đàng bán một nẻo
Chị Nguyễn Thị Vượng, 49 tuổi, một nhà đầu tư ở quận 5 (TP HCM) bức xúc cho biết, cách đây chừng hai tuần, khi tìm hiểu thông tin mua bán đất, chị được một nhân viên môi giới bất động sản giới thiệu một dự án bán đất tại huyện Bình Chánh và quận 7 (TP HCM). Nhân viên đặt lịch hẹn xem đất vào ngày chủ nhật và lúc lên xe đi coi đất, chị mới ngã ngửa khi biết khu đất mà công ty này giới thiệu nằm ở thị trấn Cần Đước (tỉnh Long An), cách vị trí ban đầu tới hơn 50 km.
Do đã ngồi lên xe và được nhân viên tiếp thị trấn an nên chị đành chấp nhận để đi tới vị trí thực của dự án. Do tin tưởng nhân viên tiếp thị, chị quyết định đặt cọc 3 lô, mỗi lô 80 triệu đồng. Tuy nhiên hôm sau, khi công ty cung cấp quy hoạch của dự án do cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp thì được biết, các hạng mục trong đó có đường không như giới thiệu.
Một khách hàng khác cũng cho biết, hiện nay các nhân viên tiếp thị dự án bất động sản hầu hết đều làm việc theo mô hình cộng tác viên. Họ cứ quảng cáo bất chấp đối với các dự án miễn sao khách hàng cảm thấy ưng ý và chuyển tiền cọc là được. Rất nhiều dự án có quy hoạch đơn giản được “thổi phồng” lên thành các khu đô thị chỉ để mục đích bán đất. Thậm chí, ở huyện Đức Hòa (tỉnh Long An), một dự án khu dân cư vượt lũ dành cho người dân vùng đệm ven khu vực Đồng Tháp Mười, cách trung tâm TP HCM chừng gần 100 km cũng được chủ đầu tư hô biến thành khu đô thị, nghỉ dưỡng cao cấp, kêu gọi được hàng trăm tỷ đồng đổ vào đó.
Theo nhiều chuyên gia bất động sản, các dự án nhà ở, biệt thự, khu đô thị ở tỉnh Long An thời gian qua mặc dù thu hút được hàng ngàn tỷ đồng tiền đầu tư của khách hàng ở khu vực TP HCM nhưng hầu hết các dự án này không có giá trị sử dụng. Nghĩa là người mua và người bán chỉ coi đó là tài sản đầu tư, chờ đợi sốt đất để tiếp tục bán lại cho những người đầu tư sau. Ngoài nguyên nhân dự án nằm cách quá xa trung tâm TP HCM và dự án không đáp ứng nhu cầu cư dân xung quanh khu vực đó thì hạ tầng sơ sài, thiếu thốn khiến cho chúng chỉ đơn giản là các dự án được giao dịch trên giấy tờ. Rất khó để có cư dân tìm tới các dự án này sinh sống khi mà nhiều dự án dân cư, chung cư, nhà ở xã hội ngay tại khu vực TP HCM vẫn còn đang bỏ trống.
Xử phạt không xuể!
Trong cuộc họp báo thường kỳ của tỉnh Long An mới đây, trả lời những thắc mắc của cơ quan báo chí về việc nhiều dự án bất động sản của tỉnh có dấu hiệu vi phạm, quảng cáo, giao dịch sai quy định, bà Đặng Thị Thúy Hà, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, đơn vị này đã xử phạt hàng loạt doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn, với nhiều sai phạm khác nhau sau khi tiến hành thanh kiểm tra.
Cụ thể, đó là các dự án của tập đoàn Trần Anh gồm chung cư thương mại Trần Anh (huyện Đức Hòa), khu biệt thự (huyện Bến Lức), khu dân cư Hiển Vinh (huyện Đức Hòa) với tổng số tiền phạt hàng trăm triệu đồng vì xây dựng không có giấy phép. Trước đó, doanh nghiệp này tiến hành xây dựng nhiều căn nhà mẫu, đường sá, hạ tầng nhưng chưa được cấp phép với mục đích quảng cáo, chào bán, thu hút đầu tư kiếm lời.
Dự án Riverside quảng cáo một đằng, quy hoạch một kiểu.
Tương tự, khu đô thị thương mại Reverside Cần Đước (huyện Cần Đước) cũng bị sở Xây dựng Long An phát hiện thi công, xây dựng, lắp đặt các hệ thống hạ tầng như nước, điện… trong khi chưa có giấy phép thi công. Ngoài ra, dự án này chưa đủ điều kiện giao dịch mua bán nhưng chủ đầu tư đã quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện truyền thông, nhận tiền đặt cọc, giao dịch với hàng chục khách hàng. Đặc biệt, dự án này còn bị thay tên đổi họ, khoác lên mình nhiều tên gọi khác nhau khi các nhân viên tiếp thị đi chào mời khách đầu tư.
Đặc biệt, Dự án khu nhà ở công nhân Thiên Phúc-Hoàng Gia (huyện Đức Hòa) do Công ty bất động sản Thiên Phúc làm chủ đầu tư dù chưa được cấp phép đầu tư (giao đất) nhưng đã ngang nhiên mở bán. Thậm chí Dự án còn được quảng cáo là khu nghỉ dưỡng, biệt thự cao cấp dù quy hoạch chỉ là khu nhà ở công nhân. Sau đó, khi xin được giấy phép đầu tư, dù chưa có giấy phép xây dựng, chưa có bản đồ quy hoạch, chưa chuyển đổi đất từ cá nhân sang doanh nghiệp nhưng công ty này vẫn rầm rộ rao bán, cho nhân viên đi tiếp thị, tiếp cận khách hàng bằng nhiều quảng cáo mỹ miều khác! Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khác như Cát Tường Group, Hoàng Gia, Thắng Lợi, Năm Sao… cũng bị sở Xây dựng tỉnh Long An chỉ ra các sai phạm và tiến hành sử phạt theo các quy định.
Sở Xây dựng khuyến cáo người dân nên đặc biệt thận trọng khi giao dịch các dự án bất động sản vùng ven giáp ranh. Cần tìm hiểu rõ thông tin, nhất là nên đến cơ quan chức năng địa phương để tham khảo trước khi đặt tiền đầu tư để tránh bị tiền mất tật mang.