Tại địa chỉ số 177, đường Trần Não, phường Bình An, quận 2, TP HCM có một ngôi chùa mang tên Diệu Giác. Điều đáng chú ý nhất cho nhiều người là khuôn viên nhà chùa không hoàn toàn tĩnh lặng như nhiều ngôi chùa khác mà thường xuyên vang lên tiếng trẻ con kêu khóc, chơi đùa. Đó là các em nhỏ mồ côi, cơ nhỡ được nuôi dưỡng tại Mái ấm tình thương chùa Diệu Giác mà ni sư Như Trí (tên thật của bà là Văn Thị Thu Thủy) vừa là trụ trì vừa là người “mẹ cả” quản lý chung.
Mái ấm tình thương chùa Diệu Giác.
Ngôi chùa có 3 tầng, kết cấu thành hình chữ U nối liền nhau vừa là nhà chùa vừa là nơi ở của trẻ nhỏ nhiều lứa tuổi. Sau nhiều lần được sửa sang, tu bổ, nên nay nó trông có vẻ khang trang hơn: 15 phòng, riêng mái ấm được phân chia rõ ràng từng khu dành cho các em nữ bên tay trái, các em nam bên tay phải, gian giữa là phòng ăn, phòng sinh hoạt chung, phòng học, phòng y tế, phòng tiếp khách và phòng dành cho các “mẹ” tức những người tình nguyện đến chăm sóc các em nhỏ đang sống ở đây.
Hiện tại mái ấm đang nuôi giữ 106 em ở độ tuổi từ sơ sinh đến 20 tuổi. Phần lớn các em trong độ tuổi học tiểu học, một số em đang học cấp 3, một số khác học nghề tại các trường cao đẳng trên địa bàn thành phố. Ngoài những em sơ sinh và những bé bị bệnh cần sự chăm sóc đặc biệt, số còn lại trong mái ấm đều được dạy dỗ để biết cách sống tự lập, tự giác, lớn có trách nhiệm chăm sóc, giúp đỡ các em còn bé hơn.
Ni sư Như Trí cho biết: “Những ngày trước, không biết vì sao nhiều người mẹ lại chọn cửa chùa này để bỏ lại đứa con do họ rứt ruột sinh ra. Năm 1989, chúng tôi phát hiện, quá cảm thương những phận đời bạc phước ấy, nên quyết định mang về nhận nuôi, cho học Phật pháp như một cách ươm mầm thiện. Dần dần, nơi đây được nhiều người người dân biết đến, nên họ thường gọi điện đến cho chúng tôi, nói về những hoàn cảnh trẻ nhỏ đang lang thang ngoài đường hay những em bé mới sinh ra bị mẹ chúng bỏ lạinuôi dưỡng. Tất cả đều được đưa về ngôi nhà chung chùa Diệu Giác này”.
Với hơn 100 đứa trẻ khá đa dạng về độ tuổi, tâm sinh lý khác nhau, để có thể nuôi dạy chúng một cách đàng hoàng dĩ nhiên không dễ dàng chút nào. Cũng may mắn làm sao, nơi đây có nhiều người “mẹ” sẵn sàng hy sinh bản thân để tự nguyện về sống cùng với các em. Mái ấm hiện có 20 người “mẹ” như vậy, chuyên lo việc cơm nước, lau dọn, dạy bảo và chăm sóc các em nhỏ.
Theo lời ni sư Như Trí, hàng tháng, tổng chi phí sinh hoạt cho các em, từ tiền ăn uống, chi phí sách vở học tập, chi phí cá nhân đã lên đến gần 200 triệu đồng, chưa kể các phí đột xuất phát sinh khác. Tuy vậy nói chung, bất cứ lúc nào nhà chùa cũng luôn luôn cố gắng tạo mọi điều kiện để các em sống ở đây có một cuộc sống tương đối, phần nào bù đắp tình thương các em vốn bị thiếu hụt. Để có thể đủ lực trang trải số tiền nêu trên, nhà chùa Diệu Giác đã cho mở quán cơm chay cạnh đó cũng gần chục năm nay. Ngoài ra là dựa vào một số nguồn từ các nhà hảo tâm ở khắp nơi, không chỉ trong nước mà kiều bào ở nước ngoài cũng thành tâm quyên góp tiền, chung tay cùng nhà chùa giúp đỡ những mảnh đời cơ nhỡ. Người có tiền giúp tiền, người có gạo ủng hộ gạo, các bạn học sinh - sinh viên ủng hộ sách vở, đồ dùng học tập, các cô bác tiểu thương ủng hộ rau, quả, mắm muối hàng ngày nên cuộc sống của các em nhỏ cũng đỡ phần khó khăn, thiếu thốn.
Nhìn những đứa trẻ thông minh, lanh lợi, chơi đùa vô ưu trong sân nhà chùa sẽ rất ít người nghĩ rằng đó là trẻ nhỏ mồ côi hay bị gia đình bỏ rơi: Ở các em toát lên sự chỉn chu, tươm tất, chứng tỏ các em được chăm sóc, giáo dục chu đáo.
Với các em nhỏ này, Mái ấm tình thương chùa Diệu Giác thực sự là ngôi nhà chung khai mở trí tuệ để các em bé tuy sinh ra không may mắn nhưng đã được giáo dục, chắp cánh ước mơ để tự tin vững bước vào đời.