Xã hội

Mai một làng nghề làm muối Tường Vân

NGHĨA VĂN 04/07/2024 07:37

Từng khẳng định được tên tuổi, vị thế trên thị trường nhưng do quá vất vả và lợi nhuận không cao nên đến nay, nghề làm muối ở làng Tường Vân (xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) đã mai một.

anh1baitren.jpg
Khoảng đất trước mặt ông Nguyễn Văn Lung trước đây là cánh đồng muối của người dân làng Tường Vân. Ảnh: Nghĩa Văn.

Tường Vân là một ngôi làng vùng ven biển thuộc xã Triệu An (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Hơn 20 năm về trước, tại đây là nơi nức tiếng xa gần với nghề làm muối.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Hải (47 tuổi, trú tại làng Tường Vân) cho biết, ông cũng từng có nhiều năm tham gia làm muối. Theo đó, để làm ra được những hạt muối vuông vắn, tinh khiết, người dân phải “phơi” mình dưới nắng nóng nhiều giờ đồng hồ.

“Trước kia, ở đây thường làm muối từ tháng Giêng đến khoảng tháng 7, tháng 8 âm lịch hàng năm. Mỗi ruộng muối đều có ô phơi muối, chạt/đát (hệ thống lọc để tăng độ tinh khiết, độ mặn của nước trước khi đem đi phơi thành muối), giếng đựng nước mặn, chỉ đợi nắng lên là làm thôi” - ông Hải nhớ lại.

Ông Hải kể tiếp, ô phơi muối thường rộng khoảng vài mét vuông, có các đường gờ phân cách, mỗi tấm ruộng đều có nhiều ô liên tiếp như bàn cờ. Thời điểm ông Hải tham gia làm muối, các ô phơi này đã được xây bằng bê tông xi măng thay cho việc xây bằng vôi như trước đó.

“Nước được đổ vào ô phơi sâu khoảng 2,5 - 3cm, phơi từ sáng đến chiều thì nước bốc hơi còn muối cô đọng lại. Nếu đổ lượng nước sâu quá thì nước bốc hơi không kịp, không ra muối; ngược lại, đổ nước ít quá thì muối kết tinh sẽ mỏng, dễ vỡ vụn và bán không được giá. Trong quá trình phơi này phải thường xuyên kiểm tra để chêm thêm nước cho toàn bộ ô khô đều” - ông Hải miêu tả lại và cho biết thêm, trước khi đưa vào phơi, nước được lọc qua chạt/đát để tăng độ mặn, độ tinh khiết.

Trước kia, hệ thống chát/đát lọc đều bằng đất được nện chặt và chát bùn, sau này được xây bằng gạch, vôi vữa hoặc xi măng. Hệ thống lọc nước này là một đoạn mương rộng khoảng 1m và sâu khoảng 0,5m, có hình thang, dưới đáy được sắp xếp tuần tự (từ dưới lên) các lớp, gồm: sỏi, cát và đất làm muối.

anh2baitren.jpg
Ông Nguyễn Xuân Hải “chỉ điểm” dấu vết còn lại của nghề làm muối ở làng Tường Vân. Ảnh: Nghĩa Văn.

Trong đó, sỏi và cát có nhiệm vụ làm cho nước trong hơn để chất lượng muối thêm tinh khiết, hạn chế tạp chất lẫn vào, đất làm muối sẽ làm tăng độ mặn của nước giúp nâng cao sản lượng muối tạo thành.

“Đất làm muối được cào xới, phơi trong nhiều ngày. Cứ khi nào đất khô rồi thì lại tưới nước mặn vào rồi phơi tiếp. Khi đất “no muối”, lấy tay bóp thấy tơi xốp và nghe tiếng giòn giòn” - ông Nguyễn Văn Lung (68 tuổi, cùng trú tại làng Tường Vân) chia sẻ và cho biết thêm, thời điểm còn làm muối, đa phần người dân ở làng Tường Vân không có máy móc để đo độ mặn của nước, đất làm muối mà dùng chính kinh nghiệm đã tích lũy được để phân biệt.

Cũng theo ông Lung, việc làm muối vô cùng vất vả vì phải thực hiện nhiều công đoạn và “phơi” mình dưới nắng nóng nhiều giờ đồng hồ. Bởi vậy, đến khoảng đầu năm 2000, người dân làng Tường Vân bắt đầu rời bỏ nghề này và chuyển qua đào hồ, nuôi thả tôm. Đến khoảng năm 2002, không còn ai tại làng Tường Vân theo nghề làm muối nữa.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND xã Triệu An cho hay, trước đây tại địa phương có khoảng 8ha đất sản xuất muối và tất cả đều thuộc địa phận làng Tường Vân.

Chủ tịch UBND xã Triệu An xác nhận, do làm muối vất vả, hiệu quả kinh tế không cao nên khoảng đầu năm 2000 người dân bắt đầu bỏ nghề này để chuyển qua chăn nuôi tôm và đến nay không còn ai trên địa bàn làm nghề này nữa. Toàn bộ diện tích đồng muối trước đó đã và đang được chuyển sang nuôi thủy sản.

Ông Trần Thiện Nhân - Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Triệu Phong cho hay, có thể việc làm muối tại làng Tường Vân sẽ không được khôi phục trở lại nữa. Bởi lẽ, đây là nghề vất vả, cực nhọc và hiệu quả kinh tế không bằng một số ngành nghề khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mai một làng nghề làm muối Tường Vân