Xã hội

Người lao động làng nghề chưa mặn mà với bảo hiểm xã hội tự nguyện

Khanh Lê 23/05/2024 08:49

Đây là vấn đề được các đại biểu đề cập tại buổi tọa đàm “Để làng nghề tiếp cận an sinh xã hội" chiều ngày 22/5.

Buổi tọa đàm được tổ chức tại xã Phú Cầu, Hoài Đức, Hà Nội, một xã nổi tiếng có nghề hương Quảng Phú Cầu hay còn gọi là làng hương xà cầu là làng nghề truyền thống đã có trên 100 năm nay.

Tọa đàm do Báo Kinh tế và Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, Dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) hợp tác tổ chức. Tại hội thảo nhiều ý kiến cho biết, lý do người lao động làng nghề chưa mặn mà tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chủ yếu là do chính sách này chưa đủ sức hấp dẫn, các thủ tục chưa thật sự thuận tiện, thu hút người lao động tự do; nhiều thông tin về chính sách bảo hiểm xã hội chưa đến được với công nhân làng nghề; cơ chế, chính sách, chế độ dành cho bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa đồng bộ so với bảo hiểm xã hội bắt buộc; thu nhập của người lao động làng nghề chưa ổn định để họ yên tâm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện… Đặc biệt, nhận thức của người lao động làng nghề về tầm quan trọng của việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn còn giới hạn. Chính vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của ngành hiểm xã hội Việt Nam rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân làng nghề tham gia BHXH tự nguyện. Đặc biệt phía cơ sở cần coi việc phát triển BHXH, BHYT là một chỉ tiêu trong phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

1(6).jpg
Quang cảnh buổi tọa đàm.

Tại tọa đàm, các chuyên gia đã cùng trao đổi để đưa ra các giải pháp, đề xuất các chính sách để góp phần nâng cao chính sách an sinh, nâng cao tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện của người lao động tại làng nghề. Các đại biểu đặc biệt lưu ý nội dung khuyến khích lao động làng nghề tham gia BHXH tự nguyện, coi đây là một trong những chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa quan trọng giúp người lao động tự do, người có thu nhập thấp có cuộc sống ổn định khi không còn khả năng lao động.

3(5).jpg
Người lao động đang làm tăm hương, chân hương tại xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội.

Ông Tạ Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) cho rằng, để thu hút lao động làng nghề tiếp cận an sinh xã hội, rất hy vọng trong lần bàn thảo của kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ giữ được các điều khoản nhằm tạo điều kiện cho mục tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân, bám sát 5 chính sách, bao gồm: Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt; Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; Mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội (lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); Bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội; Đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người lao động làng nghề chưa mặn mà với bảo hiểm xã hội tự nguyện