Mai một nét văn hóa cồng chiêng

Điền Bắc 14/11/2017 06:00

Từ bao đời nay, cồng chiêng đã gắn bó mật thiết với cuộc sống của đồng bào dân tộc Thái miền Tây xứ Nghệ. Cồng chiêng là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người... để diễn tả niềm vui cũng như nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động, sinh hoạt hàng ngày của đồng bào dân tộc Thái nơi đây. Thế nhưng, những giá trị văn hóa đó đã và đang bị mai một...


Cồng chiêng đang trở thành “hàng hiếm” với người Thái ở Nghệ An.

Quỳ Châu là một trong những huyện miền núi nghèo của tỉnh Nghệ An với phần đông là đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Khi đến xã Châu Phong, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng khi những thế hệ trẻ tại một số thôn bản nơi đây đã trở nên “tân tiến”. Nhiều người thậm chí còn không biết đến cồng chiêng là giá trị văn hóa đã gắn liền với dân tộc từ bao đời nay. Hầu hết các thế hệ trẻ tại các thôn bản nghèo của địa phương này đều không còn “mặn mà” với cồng chiêng. Nói đến vấn đề này, ông Vi Đình Tiến- trưởng bản Bua chia sẻ trong sự nuối tiếc: “Đã gần 10 năm trở lại đây, các thế hệ trẻ không biết đến văn hóa cồng chiêng nữa, trong làng tôi giờ đây các nhà dân đều đã bán hết cồng chiêng đi để mua loa đài về nghe nhạc. Là một trưởng bản, tôi cũng xót xa lắm, rồi đây các thế hệ con cháu sẽ không ai biết đến cồng chiêng nữa”.

Cũng theo chia sẻ của ông Tiến, hiện nay trong bản Bua chỉ còn lại một nhà duy nhất giữ lại được một bộ cồng chiêng. Đó là gia đình anh Vi Văn Huyền. Thấy chúng tôi ngỏ ý muốn xem bộ cồng chiêng này, anh Huyền vui vẻ nhận lời. Lò mò ở góc bếp, anh Huyền lôi ra bộ cồng chiêng cũ kĩ, bám đầy tro bụi do đã lâu ngày không còn được sử dụng. Anh Huyền nói: “Cả làng còn mỗi bộ cồng chiêng nhà tôi, đây là kỷ niệm bố tôi để lại. Nhiều lần khó khăn quá tôi định bán đi để đóng tiền học cho con nhưng rồi gạt đi vì đó là tài sản quý nhất còn lại mà ông bà, bố tôi để lại”. Cũng theo lời anh Huyền thì trong làng mỗi lần có người mất đều phải đến nhà anh mượn bộ cồng chiêng còn sót lại để làm lễ tiễn đưa người quá cố về nơi an nghỉ. Giờ, bộ cồng chiêng của gia đình anh Huyền coi như thành... của hiếm, của độc.

Các vị cao niên trong bản Bua cho biết: Cồng chiêng là bản sắc văn hóa của đồng bào người Thái, nó gắn liền với cuộc sống của người dân nơi đây từ bao đời nay. Trước, cồng chiêng là tiếng nói tri ân của người dân cảm tạ thần linh vào mỗi mùa mừng lúa mới, là tiếng lòng đưa tiễn những người đã mất... Thế nhưng, giờ đây tiếng cồng chiêng trở nên xa lạ với thế hệ trẻ nơi miền núi nghèo này và cũng rất nhanh chóng bị thay thế bởi những dòng nhạc lai căng, lạ lẫm... Tại bản Tóng 2, xã Châu Phong, chúng tôi tìm đến nhà ông Lương Văn Thắng, đây là hộ gia đình duy nhất còn giữ lại bộ cồng chiêng của bản này. Ông Thắng cho hay: “Thú thật mấy năm nay cồng chiêng nhà tôi cũng không dùng đến, trẻ con trong làng giờ này chỉ có nghe nhạc trẻ thôi. Còn chúng tôi già cả rồi, chỉ mong đến Tết cổ truyền để được lôi cồng chiêng ra đánh cho đỡ nhớ thời xa xưa”.

Bản Piếng Điếm là bản còn giữ được nhiều cồng chiêng nhất, tuy nhiên cũng chỉ có khoảng 5-6 bộ. Theo anh Vi Văn Linh- trưởng bản Piếng Điếm cho biết: “Trước đây ở bản chúng tôi, cồng chiêng nhiều lắm. Hầu hết nhà nào cũng có ít nhất 1 bộ nhưng do nhiều lý do nên hầu hết đã bán đi từ nhiều năm trước. Hiện tại còn lại các gia đình ông Lang Thái Loan, Lang Đình Hồng, Vi Văn Dự, Trần Văn Vỹ, Vi Thái Linh đang giữ được mỗi nhà 1 bộ. Trong các ngày lễ, ngày Tết hiếm hoi lắm mới nghe được tiếng cồng chiêng của bản làng. Chúng tôi thấy cũng buồn vì một nét đẹp văn hóa đang bị mai một”.

Được biết, trước việc văn hóa cồng chiêng ngày càng bị mai một nên một số người lớn tuổi tại xã Diên Lãm, huyện Quỳ Châu đã ra quy ước là hạn chế bán cồng chiêng cũ. Theo đó, tất cả các hộ gia đình còn giữ được cồng chiêng phải bảo quản và đưa ra đánh trong các ngày lễ, tết. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Việt Đức- trưởng phòng Văn hóa huyện Quỳ Châu cho biết: “Văn hóa cồng chiêng vẫn đang được các bản làng sinh hoạt bình thường. Tại các ngày lễ, ngày Tết thì hầu hết các bản làng vẫn còn đánh cồng chiêng, tất nhiên là không được phổ biến như thời trước nữa. Hiện tại, huyện không có dự án nào để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa này nhưng Phòng văn hóa cũng như các xã vẫn luôn chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, trong đó có nét đẹp văn hóa cồng chiêng cho đồng bào dân tộc Thái trên địa bàn huyện Quỳ Châu”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mai một nét văn hóa cồng chiêng