Còn rất nhiều người dân Malaysia vẫn đang quay cuồng sau mớ hỗn độn để lại từ trận lũ lụt lịch sử đã tàn phá nặng nề quốc gia này vào tháng 12/2021.
Những thiệt hại ‘không thể đong đếm’
Khi Muhamed Khairi Ismail cố gắng khởi động lại một trong những chiếc máy khâu của ông sau khi bị ngập trong nước lũ 5 ngày, nó đã bốc cháy. Tiệm may nhỏ của ông ở Taman Sri Muda, thành phố Shah Alam, đã bị tàn phá nặng nề bởi trận lũ lụt xảy ra hồi tháng 12/2021. Bốn chiếc máy khác cũng bị trục trặc và ông hy vọng rằng hai chiếc còn lại có thể được trục vớt khỏi dòng nước lũ.
Lúc này, điều duy nhất mà gia đình ông cùng những người thợ có thể làm là tháo rời từng bộ phận và dùng máy sấy thật khô. Người thợ may 51 tuổi nói bên ngoài cửa hàng nơi ông đã gắn bó hơn 10 năm trong khi đang tra dầu máy móc: “Nếu không thể sửa được, tôi sẽ buộc phải vứt bỏ chúng”.
Trong trận lũ lụt nghiêm trọng tàn phá nhiều khu vực của bán đảo Malaysia vào tháng 12/2021 do hậu quả của gió mùa, nhiều doanh nghiệp nhỏ như của Muhamed Khairi đã phải chịu những thiệt hại lớn chưa từng có.
Muhamed Khairi ước tính khoản lỗ từ việc kinh doanh rơi vào mức khoảng 15.000 RM (tương đương 3.570 USD), đây là một số tiền không hề nhỏ đối với ông. Nhưng bất chấp những thiệt hại về mặt tài sản, ông Muhamed Khairi vẫn cảm thấy rất biết ơn khi bản thân và gia đình vẫn còn sống.
Ở Taman Sri Muda, nằm cách thủ đô Kuala Lumpur khoảng 25 km, cho tới thời điểm ngày 7/1, hầu hết các cửa hàng vẫn trong tình trạng đóng cửa, một số cửa hàng thì đã bắt đầu dọn dẹp và sửa sang để mở cửa trở lại.
Các siêu thị, cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc, phòng khám, nha khoa, thẩm mỹ viện, tiệm bánh và cửa hàng viễn thông đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, và cũng chỉ một số ít đã bắt đầu hoạt động trở lại sau khi xử lý hàng hóa hư hỏng và thay thế hàng mới để bán.
Một số ước tính rằng thiệt hại do trận lũ lụt “trăm năm có một” này có thể lên tới hàng tỷ ringgit. Bộ trưởng Bộ Kinh tế của Thủ tướng Malaysia Mustapa Mohamed hy vọng rằng họ sẽ có được một con số cụ thể về các khoản lỗ trong tuần này.
‘Thảm họa kép’: Đại dịch Covid-19 và trận lũ lụt lịch sử
Liên đoàn Người sử dụng lao động Malaysia (MEF) cho biết hầu hết các doanh nghiệp vẫn đang cố gắng phục hồi sau thời gian dài bị đóng cửa do đại dịch Covid-19 và trận lũ lụt càng tạo thêm cho họ nhiều khó khăn hơn.
Chủ tịch MEF Syed Hussain Syed Husman cho biết: “Trận lũ lụt ở Thung lũng Klang được coi là nghiêm trọng hơn và sẽ có tác động nặng nề hơn đến nền kinh tế”.
Tiến sĩ Syed Hussain nói rằng thiệt hại mà các doanh nghiệp phải gánh chịu bao gồm thiệt hại đối với các cửa hàng và mặt hàng buôn bán, kho hàng và hàng hóa được lưu trữ, cũng như nhà xưởng, thiết bị và máy móc.
Ông nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng theo kế hoạch năm 2022 của Malaysia sẽ bị ảnh hưởng và không thể mong đợi một sự phục hồi nhanh chóng.
“Việc bắt đầu xây dựng lại sẽ mất nhiều thời gian. Điều này sẽ không dễ dàng vì các lệnh kiểm soát di chuyển (MCO) và đóng cửa đã khiến nhiều công ty ngừng kinh doanh. Những người sống sót sau lệnh đóng cửa do đại dịch sẽ không thể sống sót nếu bị ảnh hưởng bởi những trận lũ lụt như thế này”, Tiến sĩ Hussain lo ngại.
Nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ đang gặp khó khăn do máy móc của họ không thể hoạt động. Và hầu hết những doanh nghiệp như vậy được đặt trụ sở tại Hulu Langat, Shah Alam và Klang – những vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận lũ lụt.
“Họ không thể kinh doanh nhưng vẫn phải trả các khoản chi phí phát sinh như tiền vay, tiền lương và hóa đơn điện nước. Họ không có bất kỳ dòng tiền nào và rất cần sự giúp đỡ từ chính phủ”, theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Malaysia nói, ước tính rằng ít nhất 10.000 doanh nghiệp như vậy có thể đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
“Phải mất hơn 20 năm để gây dựng doanh nghiệp, nhưng chỉ trong vài giờ mọi thứ đã biến mất. Sẽ mất rất nhiều thời gian để phục hồi”, Tommy Ng, chủ một cửa hàng tạp hóa và thuốc Trung Quốc ở Taman Sri Muda tuyệt vọng.
Trận lũ lụt ‘xô đẩy’ nhiều doanh nghiệp
Chủ tịch Liên đoàn các nhà sản xuất Malaysia (FMM) Soh Thian Lai cho biết trận lũ lụt đã tác động rất nặng nề do hầu hết các ngành công nghiệp đều tập trung ở các khu vực như Shah Alam và Klang ở bang Selangor cũng như ở Pahang và Perak.
Dựa trên một cuộc khảo sát nhanh thực hiện từ ngày 22 đến ngày 24/12, có tổng cộng 100 doanh nghiệp trả lời rằng họ bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận lũ lụt, với thiệt hại ước tính lên tới 195 triệu RM (tương đương 47 triệu USD).
“Lũ lụt đã dẫn đến thiệt hại đáng kể về tài sản, các sản phẩm khác cũng như gián đoạn hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng. Ngoài ra, vô số những thiệt hại đáng kể về năng suất do nhiều công nhân không thể đi làm vì nhiều tuyến đường cao tốc chính phải đóng cửa do ngập lụt”.
Ông Soh nhấn mạnh: “Chúng tôi dự đoán những thiệt hại đó sẽ còn nhiều hơn do các doanh nghiệp vẫn đang đánh giá chính xác thiệt hại về tài sản, cũng như thiệt hại do gián đoạn hoạt động đối với hoạt động bán hàng trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh yêu cầu làm sạch, khử trùng và làm khô từng khu vực bị ngập lụt, các doanh nghiệp sẽ phải sửa chữa hoặc thay thế máy móc và những thiết bị hư hỏng không thể trục vớt được.
Ảnh hưởng đến GDP và nền kinh tế
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm I Ahmad Hamzah cho biết ngành nông sản quốc gia đã bị thiệt hại khoảng 67,72 67triệu RM (thương đương 17 triệu USD), do hơn 5.000 người chăn nuôi và nông dân bị ảnh hưởng bởi trận lũ lụt gần đây.
Chủ tịch Hiệp hội Nông dân Lương thực Malaysia (Hội Thanh niên) Francis Hong Sun Ho đã kêu gọi chính phủ hỗ trợ các thành viên bị ảnh hưởng, đặc biệt là những người ở khu vực Pahang, Selangor và Johor.
“Hiện chúng tôi không thể ước tính con số thiệt hại, nhưng chắc chắn một số khu vực đã bị ảnh hưởng nặng nề. Chúng tôi hy vọng chính phủ có thể giúp bồi thường cho họ dù chỉ là một ít”, ông nói.
Giáo sư kinh tế Yeah Kim Leng thuộc Đại học Sunway cho biết, sẽ có một sự thúc đẩy ngắn hạn đối với hoạt động mua sắm kinh tế và chi tiêu cho việc thay thế và sửa chữa các hạng mục bị hư hỏng, nhưng điều này sẽ dẫn đến chi phí tiết kiệm hoặc vay mượn nhiều hơn.
Cũng theo Phó Giáo sư Saidatulakmal Mohd thuộc Trường Khoa học Xã hội Đại học Sains Malaysia, sự sụt giảm năng suất sẽ tiếp tục gia tăng vì nhiều người sẽ không thể đi làm khi các doanh nghiệp vẫn còn đóng cửa”.
“Sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng giá trị lớn sẽ gây tổn thất cho GDP và thị trường lao động. Điều này cũng giống với tác động từ đại dịch Covid-19”, Mohd nhấn mạnh.