2 người thầy ở bản Ché Lầu, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) đã khăn gói xuống thành phố để học tập, sau đó quay trở lại quê hương cống hiến, giúp thế hệ trẻ vùng biên có con chữ, có tri thức.
Đi tìm con chữ
Cùng với Xía Nói, Mùa Xuân…, bản Ché Lầu là một trong những bản người dân tộc Mông xa xôi và khó khăn nhất của huyện miền núi Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Nằm cách trung tâm huyện lỵ gần 80km, bản Ché Lầu từng nằm biệt lập giữa núi rừng, sinh kế dựa vào nông nghiệp, chủ yếu theo hình thức tự cung tự cấp nên cuộc sống của người dân nơi đây vô cùng khó khăn, vất vả. Điểm trường tại bản Ché Lầu cũng là một trong những điểm trường lẻ của Trường tiểu học Na Mèo, huyện Quan Sơn. Tại điểm trường hiện nay có tổng số 35 em học sinh với cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn.
Ở ngôi trường này, có 2 người vừa là con của bản, vừa là thầy giáo dạy chữ cho các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 4. Đó là thầy Hơ Văn Pó (46 tuổi) và thầy Thao Văn Dính (32 tuổi). Tại điểm trường, học sinh từ lớp 1 - 2 là do thầy Dính phụ trách, còn học sinh từ lớp 3 - 4 là do thầy Pó phụ trách và 100% học sinh theo học tại đây đều là người Mông.
Thầy Pó kể: “Tôi sinh ra trong gia đình bố mẹ đều làm nông, nhà lại đông anh em. Ngày trước, việc được cắp sách đến trường là rất khó vì phải lên rẫy phụ bố mẹ đi làm, kiếm cái ăn. Hơn nữa, trong làng cũng không có chỗ học, phải đi rất xa, và phải có thầy cô giáo dưới xuôi mang chữ lên bản thì mới học được”.
Thấu hiểu điều này nên ngay từ ngày nhỏ, Hơ Văn Pó đã quyết tâm sau này sẽ trở thành một thầy giáo, dạy chữ cho các em học sinh.
Sau khi học xong hệ Trung cấp, năm 2022, Hơ Văn Pó trở về quê hương và công tác tại Trường Tiểu học xã Na Mèo. Năm 2003, thầy chính thức được biên chế, sau đó luân chuyển tới nhiều điểm trường lẻ như Cha Khót, Xa Ná, Mùa Xuân… “Ngày trước đường sá khó khăn hơn bây giờ nhiều, lại không có xe máy nữa. Hồi đầu khi đi các điểm lẻ, tôi phải dậy từ rất sớm, cuốc bộ 12km. Cái ngại nhất khi đó là các bản gần như không có gì cả, từ điện, đường, sóng điện thoại… Cũng vì mình là người ở trên này nên hòa nhập nhanh” - thầy Pó nhớ lại.
Đồng hành cùng quê hương
Không giống như những người bạn đồng trang lứa ở bản chọn việc cưới vợ, sinh con ở tuổi đôi mươi rồi xây dựng gia đình, thầy Thao Văn Dính (32 tuổi) chọn việc xuống thành phố đi học. Thầy Dính kể: Năm 2008, sau khi hoàn thành chương trình học phổ thông, thầy quyết tâm phải theo nghiệp sư phạm để thay đổi tri thức của những đứa trẻ vùng đất Ché Lầu.
Trong hành trình mang con chữ về bản, thầy Dính nhớ nhất là thời điểm vừa bắt đầu công tác tại bản Cha Khót. Khi đó, từ bản Ché Lầu, thầy phải đi bộ trên con đường đất dài gần 15km để đến điểm trường lẻ. Tuần nào cũng vậy, đầu tuần đi dạy, rồi cuối tuần lại về nhà. Theo thầy Dính, trước đây, các giáo viên dạy học tại Na Mèo chủ yếu là người Kinh nên nhiều khi gặp khó khăn cho việc dạy, học của cả thầy và trò bởi đa phần các em chưa nghe, nói được tiếng phổ thông...
Hiện tại, cả 2 thầy giáo cắm bản đều là người Mông nên việc "đồng ngôn ngữ" giúp các thầy có thể truyền đạt kiến thức cho học sinh cũng như vận động các em đến lớp được thuận lợi hơn.
Thầy Phạm Bá Thoa - Phó Hiệu trưởng Trường Tiêu học Na Mèo cho biết: Đối với 2 thầy Hơ Văn Pó và Thao Văn Dính thì đều là những giáo viên có thâm niên công tác lâu năm tại các điểm trường lẻ ở đây. Trong quá trình công tác, các thầy rất tận tâm giảng dạy trên lớp cũng như nắm tâm tư, nguyện vọng của các phụ huynh trong bản. “Việc các thầy vừa là người địa phương, vừa là thầy giáo đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc bố trí giáo viên giảng dạy cho các điểm trường. Nhà trường rất mong muốn, sau này, sẽ có nhiều hơn thế hệ trẻ của địa phương đi học chuyên sâu rồi trở về cống hiến cho quê nhà như các thầy”.
Với thầy Pó hay thầy Dính, những người bám bản, bám trường 10 - 20 năm nay thì niềm hạnh phúc nhất với các thầy là hiện tại, các bản khó khăn và xa xôi nhất ở xã Na Mèo đều đã có điện. Đồng thời, những con đường vào bản đã được bê tông hóa nhiều hơn, những công trình công cộng đã được xây dựng, từ đó, đời sống của người dân nơi đây ổn định hơn.