Những năm trở lại đây, trên các mạng xã hội đã xuất hiện nhiều nhóm mà các thành viên là các ông bố, bà mẹ đang nuôi con nhỏ, hay còn gọi là các hội “bỉm sữa”. Mục đích của các nhóm này là chia sẻ những kinh nghiệm nuôi, dạy con. Tuy nhiên, ngoài những thông tin có ích thì cũng có không ít bà mẹ lại tuyên truyền một số cách nuôi con… không giống ai, gây sai lệch về nhận thức của người khác, dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc.
Ăn gì lên Facebook, uống thuốc gì cũng lên Facebook
Đó là những vấn đề mà bất cứ ông bố, bà mẹ nào dù đã có hay chưa sinh con đều quan tâm và thông tin về chúng xuất hiện ở khắp các mặt báo, đặc biệt là mạng xã hội bởi tiện ích của nó đem lại. Chỉ cần lên thanh tìm kiếm của Google hay Facebook gõ: “Hội những bà mẹ thông thái” hay “Điều những bà mẹ bỉm sữa cần…” ta có thể thấy hiện ra hàng trăm kết quả. Đó là những group (nhóm), trang (page) phục vụ mục đích tìm hiểu, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm nuôi dạy trẻ từ tuổi đi học đến trẻ sơ sinh hay sắp sinh.
Chị L.T.T. (quận Hà Đông, Hà Nội), bà mẹ hai con này là thành viên quen thuộc của khá nhiều hội, nhóm “bỉm sữa” trên mạng xã hội Facebook. Chị cho biết, kể từ khi tham gia vào các nhóm này, chị gần như không phải đến bệnh viện hay gọi điện để hỏi ý kiến các bác sĩ về vấn đề sức khỏe của các con. Ví dụ, nếu bé chẳng may bị cảm, chị chỉ cần đăng bài hỏi, chỉ sau vài phút đã có cả chục lời khuyên của các thành viên trong nhóm trả lời câu hỏi của chị như: “Cho bé uống thuốc gì? Mức độ cảm ra sao? Có nên uống kháng sinh? Cảm như thế thì ăn gì cho hợp lý?”. Thậm chí, cách đây hơn 1 năm, khi trào lưu “tẩy chay” vacxin xuất hiện, chị đã dành ra mấy ngày trời chỉ để tham khảo ý kiến của các bà mẹ “bỉm sữa” có tiếng là nhiều kinh nghiệm chăm sóc trẻ cũng như có bề dày kiến thức y khoa trên…Facebook. Và cuối cùng chị đã lựa chọn là không cho cháu thứ hai tiêm vacxin. Chị cho biết, kể từ khi không dùng bất cứ loại vacxin nào, cháu vẫn khoẻ mạnh và không hề có bệnh tật, còn cô chị 5 tuổi của bé, tiêm vacxin theo chỉ định thì rất hay ốm đau. Thậm chí, chị còn khẳng định, vacxin chỉ cần thiết khi tiêm ở vùng dịch, và các loại bệnh cần tiêm vắc xin cho trẻ thực ra chỉ đề phòng bệnh và nếu cơ thể không hợp thì rất có thể sẽ sinh bệnh khác. Điều này đã được kiểm chứng bởi hàng trăm bà mẹ có kinh nghiệm nôi con tốt mà chị đã trao đổi, chủ yếu là…qua mạng xã hội.
Ngoài ra, bà mẹ này còn cho biết, khi nuôi con, gia đình chị hoàn toàn nói không với thuốc tây và con chị vẫn khoẻ mạnh, phát triển tốt. Theo ghi nhận của phóng viên, trong một nhóm củ yếu là các bà mẹ “bỉm sữa”, rất nhiều người đồng tình với ý kiến này, nhiều gia đình khác cũng cho rằng, vacxin tiêm cho trẻ là không tốt, thuốc tây là huỷ hoại cơ thể trẻ và nếu cần lắm gia đình sẽ đưa con em ra nước ngoài để điều trị bởi nền y trong nước theo các chị đánh giá là còn lạc hậu, nhiều phác đồ điều trị là thừa thãi, không cần thiết. Bên cạnh đó, các bà mẹ này còn đưa ra những bí quyết để có thể nuôi con khoẻ mạnh mà không cần thuốc tây hay đi bệnh viện mỗi khi ốm đau. Hoặc đơn giản là những sinh hoạt rất đỗi bình thường như cho trẻ ngủ riêng hay ngủ chung cùng bố mẹ, khi trẻ khóc có nên dỗ hay không hoặc chia sẻ cho nhau những bài thuốc mà chưa có sự kiểm nghiệm của y học hiện đại như giúp trẻ hay ăn, ngủ ngon, hạn chế tiểu dầm…
Trên thực tế, các diễn đàn hay hội nhóm trên mạng xã hội đều có chung mục đích đúng đắn đó là muốn đưa các gia đình có con nhỏ kết nối với nhau để trao đổi kinh nghiệm chăm sóc con cái. Điều này là tốt, nhưng nếu người tham gia không có cái nhìn tỉnh táo, chọn lọc thông tin sẽ rất dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc mà nạn nhân chính là con em của họ.
Sức khỏe con cái là ở bàn tay cha mẹ
Tình trạng các diễn đàn, các nhóm trên mạng xã hội xuất hiện các bà mẹ có phương pháp nuôi con một cách cực đoan đã tồn tại nhiều năm nay. Điều đáng ngạc nhiên là các bà mẹ này lại có một lượng người ủng hộ và sức ảnh hưởng của họ không hề nhỏ. Lấy ví dụ, cách đây không lâu, một nhóm các ông bố, bà mẹ ủng hộ việc nuôi con bằng sữa mẹ nổi tiếng đã đưa ra rất nhiều bài viết, clip và các phương tiện khác để tuyên truyền rằng, chỉ nuôi con bằng sữa mẹ mới có lợi cho sức khỏe của bé, còn dùng sữa bột hay bất cứ loại sữa động vật nào khác đều gây hại. Thậm chí, nhóm này còn tổ chức các buổi diễn thuyết quy mô để đưa ra lý lẽ thuyết phục mọi người tin rằng, nuôi con bằng sữa khác ngoài sữa mẹ gây ra nhiều nguy cơ cho sự phát triển của trẻ. Chị N.T.H.T. (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng, loài bò hay dê có hoocmon tăng trưởng nhanh hơn người, nếu cho trẻ uống sữa bò, dê hoocmon tăng trưởng của trẻ cũng sẽ… giống như hai loài này. Như vậy rất dễ xảy ra tình trạng trẻ dậy thì sớm, dẫn đến nhiều tác hại khác cho sức khoẻ.
Một điều đáng báo động đó là những lập luận có phần ngây ngô, phản khoa học này lại dành được rất nhiều sự ủng hộ của nhiều phụ huynh. Những lý lẽ này được chia sẻ nhanh chóng trên mạng xã hội. Chị B.N.A. (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, sau khi xem video và các thông tin trên trên mạng xã hội chị đã hoàn toàn đồng tình và không cho con chị uống sữa bò, dù là sữa bột, sữa tươi hay các chế phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua nữa vì sợ những tác hại mà sữa động vật gây ra theo như các “bài diễn thuyết chị nghe được trên Facebook”. Thậm chí, nhiều phụ huynh khác còn cho biết, họ đã chuyển sang cho con dùng các loại thực phẩm khác như sữa bắp, sữa gạo, bột thực vật… thay thế cho sữa bò, sữa dê, sữa công thức.
Có không ít nhóm các bà mẹ “bỉm sữa” như thế vẫn đang tồn tại trên các diễn đàn, mạng xã hội, và ngày càng phát triển mạnh, thu hút sự tham gia của nhiều thành viên hơn. Có lẽ, đó cũng là một dạng của sự “khủng hoảng niềm tin” của các bậc phụ huynh đối với những tiêu cực trong các lĩnh vực đời sống hàng ngày, dẫn đến việc tìm một con đường hoàn toàn riêng để chăm sóc con cái. Và đó là mạng xã hội. Và cũng không thể phủ nhận, nếu chắt lọc, không ít phương pháp trong số đó cũng thực sự rất tốt cho trẻ, như việc tăng cường chăm con bằng phương pháp truyền thống giúp trẻ tăng miễn dịch, tránh bệnh tật, hay cách giáo dục cho con tương tác, mở rộng tư duy. Điển hình là chị L.N.D. (quận Hà Đông), chị cũng là một thành viên khá tích cực của một số nhóm “bỉm sữa” trên Facebook. Chị D. chia sẻ rằng trên các hội, nhóm đó hàng ngày có rất nhiều các thông tin hữu ích về việc chăm sóc trẻ được các bậc phụ huynh bàn luận. Tuy nhiên, cũng có không ít các thông tin bị đưa ra mổ xẻ, bàn luận theo hướng khá cực đoan, thậm chí không ít xảy ra nhiều vụ tranh cãi lớn, làm ảnh hưởng đến tâm lý của các ông bố, bà mẹ khác. Chỉ cần số đông đồng tình thì gần như thông tin cực đoan đó nghiễm nhiên trở thành “chân lý”, thành trào lưu của một bộ phận không nhỏ giới “bỉm sữa” như: tẩy chay vacxin, chỉ dùng sữa mẹ, bài trừ thuốc tây… thời gian vừa qua.
Dù hoạt động của các nhóm như thế đã tồn tại khá lâu trên các mạng xã hội, diễn đàn, tuy nhiên, ngoài sự phản ứng của những phụ huynh không đồng thuận với các thông tin phản khoa học thì chưa có sự lên tiếng, chấn chỉnh một cách chính thức nào của các đơn vị quản lý về y tế. Những hoạt động tuyên truyền kiến thức cực đoan đó không chỉ gây hại cho trẻ nhỏ, mà về lâu dài, nó còn gây ảnh hưởng xấu, làm “rối” kiến thức nuôi dạy con, gây hoang mang cho cộng đồng. Tuy động cơ của các bà mẹ là luôn muốn mang đến những gì tốt nhất cho con mình, và đó là điều hết sức chính đáng, nhưng động cơ này lại được thực hiện bởi sự thiếu hiểu biết, đặc biệt là việc "tiền hô hậu ủng" trên mạng xã hội. Điều này khiến cho nhiều bà mẹ không còn thời gian để suy xét, phân biệt đúng-sai. Trong xu hướng chấp nhận dễ dàng và bị ép theo số đông, khả năng kiểm chứng của họ sẽ yếu đi và rất dễ mắc sai lầm khi chăm sóc con em mình. Theo các chuyên gia, các bà mẹ không nên chỉ kiểm chứng thông tin ở trong hội nhóm mình tham gia mà nên kiểm chứng ở nhiều nguồn thông tin khác. Dù là mẹ “bỉm sữa” nhưng cũng cần tìm hiểu các thông tin chính thống, nuôi dạy con như thế nào, chăm sóc sức khỏe ra sao bởi mạng xã hội là một môi trường rộng lớn với hàng triệu người, những người muốn tạo cơ hội để trục lợi kinh doanh, bán hàng sẽ đưa ra các thủ thuật khác nhau đặc biệt là tạo dư luận để lôi kéo. Và các ông bố, bà mẹ cần phải thực sự tỉnh táo.
Sức khỏe của con cái là ở bàn tay cha mẹ - sẽ chẳng một lời khuyên trên mạng xã hội nào xót xa hộ sức khỏe của con ngoài cha mẹ!