Xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1995, mạng xã hội (MXH) trở thành thành tựu về Công nghệ thông tin cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. MXH mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, trong đó có nghề báo. Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Thanh Xuân, nguyên giảng viên khoa Phát thanh - Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) thì trong thời đại số cũng đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến bản lĩnh nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội của người làm báo.
Ảnh minh họa.
Như lạc giữa “chợ trời”…
Giờ đây việc xuất bản thông tin trên MXH là vô cùng dễ dàng: người đưa thông tin nặc danh; mọi chuyện đều có thể đưa lên MXH miễn là chuyện đó có người chứng kiến, ghi lại bằng chiếc điện thoại thông minh hoặc viết bài. Có những câu chuyện được thêu dệt nhờ công nghệ Photoshop; việc bôi nhọ thậm chí được tổ chức bài bản như “Tập đoàn thánh bóc” trên Facebook chuyên đăng tải các bài viết, hình ảnh có nội dung xuyên tạc, bôi nhọ và đe dọa một số người nổi tiếng... Vì vậy, có thể ví MXH như cái “chợ trời” thông tin: sai có - đúng có, thiện chí có - ác ý có...
Điều đáng nói ở đây là hiện nay có nhiều người làm báo thường xuyên theo dõi trên MXH và đưa bất cứ thông tin gì lên trang báo miễn là có nhiều người vào theo dõi, bình luận. Thay vì lăn lộn ngoài thực tế, gắn bó với cơ sở, với cuộc sống sôi động ngoài xã hội thì một bộ phận nhà báo trở nên lười biếng, chỉ quanh quẩn với máy tính, các diễn đàn MXH, cho ra đời những bài báo với tên gọi “Cư dân mạng bất bình...”, “Cộng đồng mạng dậy sóng...”.
Họ viết lại một cách vô thức những gì họ thấy trên mạng mà không kiểm chứng; “chế biến”, “xào xáo” những thông tin trên mạng thành những bài viết giật gân, câu khách, hoặc thậm chí là copy gần như nguyên văn. Cung cách làm báo “lướt web” hoàn toàn xa lạ với cách thức làm báo tôn trọng sự thật của một nền báo chí trung thực, chân chính.
Thế nên việc nổi tiếng trên mạng bây giờ quá dễ dàng: một gương mặt điển trai, xinh gái... cũng được báo chí đưa lên và truy tìm tung tích; “thảm họa” như Bà Tưng, Lệ Rơi... cũng được các báo “chăm sóc” kỹ lưỡng. Họ nổi tiếng không bởi tài năng hay đóng góp gì đáng kể cho xã hội, mà đơn giản bởi cái tên của họ đang tạo được sức nóng do có nhiều người tò mò đọc, các báo “câu” được “view”. Suốt thời gian dài vừa qua, cặp đôi Khánh Thi - Phan Hiển, Hồ Ngọc Hà - Cường Đô-la... thường được các phóng viên theo sát trên MXH, bất kể một dòng trạng thái nào được đưa ra là phóng viên chớp lấy rồi suy đoán hay chắp vá những lời bình luận của người theo dõi thành bài viết.
Thêm nữa, phần lớn thông tin trên MXH mang tính chủ quan của người viết, vì thế đã có không ít tin rác, ít giá trị sử dụng, vô thưởng vô phạt được đưa lên các trang báo hàng ngày, hàng giờ, gây ra không ít phiền toái cho người theo dõi nó.
Không khó để bắt gặp trên các trang báo những tít kiểu “Cô giáo Yoga “gây sốt” dân mạng vì quá xinh đẹp”, “Bị chụp lén, nữ tiếp viên hàng không “gây sốt” MXH vì quá xinh”, “Cư dân mạng “phát cuồng” trước tỉ lệ khuôn mặt của 5 sao nữ”; “Bức ảnh bà mẹ cho 3 con bú gây sốt cộng đồng mạng”... Những câu chuyện không mang lại giá trị cho cuộc sống, trong đó sự nhập nhằng thông tin trong nước - nước ngoài này cũng làm mất thời gian của người đọc.
Có thể thấy, thông tin đưa lên MXH có sự lan tỏa rất lớn do được chia sẻ với nhiều người, nhưng nếu những thông tin đó được nhà báo “tiếp tay” đưa lên báo chính thống thì nó có sức mạnh vô cùng to lớn: có thể biến một người vô danh trở nên nổi tiếng. Sự phán xét của cư dân mạng khiến không ít trường hợp bị ảnh hưởng tới công việc, hạnh phúc gia đình. Ở đó, MXH có thể là nơi khởi phát những thông tin tiêu cực, thất thiệt, gây hoang mang trong dư luận hoặc ít thì cũng ảnh hưởng tới cá nhân hay một nhóm người.
Cần cả tâm và tầm
Bất cứ nghề nào cũng có những quy định về nguyên tắc ứng xử riêng, đó là đạo đức nghề nghiệp. Đối với nghề báo, một nghề đặc thù, luôn đặt nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, định hướng tư tưởng lên trên lợi nhuận thì những quy tắc đạo đức có tầm quan trọng đặc biệt. Nếu một sản phẩm bất kỳ có lỗi thì chỉ cần loại bỏ sản phẩm đó, còn một tác phẩm báo chí dù đưa thông tin sai sự thật ở một vài chi tiết có thể gây nên những hậu quả khôn lường. Bởi, nghề báo không chỉ tác động và liên quan tới cộng đồng, đến đông đảo công chúng mà còn “tác động vào hệ thống giá trị tinh thần, tư tưởng, những quan niệm giá trị đạo đức và nhân phẩm, giá trị của con người trong mối quan hệ với dư luận xã hội”
Ngoài đạo đức nghề nghiệp, người làm báo còn ràng buộc bởi trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Trách nhiệm xã hội vừa là yêu cầu khách quan, vừa là bổn phận, nghĩa vụ của nhà báo. Bởi vì, báo chí ra đời bắt nguồn từ nhu cầu xã hội, nhằm mục đích phục vụ sự phát triển, sự tiến bộ của cộng đồng. Ý thức trách nhiệm với xã hội chính là nguồn động lực để giúp nhà báo vượt qua những trở ngại, khó khăn, vất vả, thậm chí là hiểm nguy để đem đến cho cộng đồng những bài báo có ý nghĩa, có giá trị.
Để nâng cao trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp, nhà báo cần có sự nhạy cảm nghề nghiệp, có bản lĩnh trong việc chọn lọc, xử lý thông tin để đảm bảo thông tin xấu- tốt có liều lượng nhất định chứ không sa đà vào những thông tin phản cảm, phản đạo đức. Người làm báo không nên quá tập trung vào những tin tức xấu, phản ánh tệ nạn xã hội mà xem nhẹ việc phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, khi phản ánh tiêu cực thì cũng với mục đích xây dựng, cố gắng tìm ra giải pháp để khắc phục. Nếu khi đưa tin, nhà báo chỉ quan tâm đến việc lôi kéo độc giả mà không quan tâm đến tác động xã hội, nhất là các tác động tiêu cực, thì sẽ rất nguy hiểm cho cộng đồng.
Cùng với đó, khi bơi giữa biển thông tin trên Internet, công chúng phải có một ngọn “hải đăng” để hướng tới - đó chính là báo chí chính thống. Muốn làm tròn trách nhiệm xã hội đối với bạn đọc, người làm báo phải có được lòng tin từ công chúng. Và lòng tin đó chỉ có được khi nhà báo hành nghề với một cái tâm trong sáng.
MXH chính là “lửa thử vàng” đối với bản lĩnh người làm báo.