Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) góp một phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế tư nhân của đất nước. Chiếm khoảng 97% trong tổng số các doanh nghiệp và ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước với tỷ trọng đóng góp GDP lớn nhất và ổn định ở mức 47-49% trong cơ cấu tổng GDP cả nước.
Trao đổi với ĐĐK, ông Tô Hoài Nam- Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng: Cần mạnh dạn bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, giảm chi phí và tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của DN. Xóa bỏ các rào cản đối với việc gia nhập thị trường, và những hạn chế mang tính độc quyền, tiếp tục tự do hóa thị trường.
Ông Tô Hoài Nam.
PV:Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về thực trạng kinh tế tư nhân hiện nay, đặc biệt là DNNVV?
Ông Tô Hoài Nam: Những năm qua, dù trong hoàn cảnh nào khu vực kinh tế tư nhân vẫn luôn tăng trưởng và phát triển cả về số lượng và chất lượng. Riêng về chất lượng, tôi muốn nhấn mạnh đến trình độ công nghệ, sức cạnh tranh của một số DN tham gia vào xuất khẩu khoảng trên 30.000 DN và nói đến quy mô của một vài “tập đoàn” kinh tế tư nhân.
Đặc biệt, kể từ khi có Nghị quyết số 14-NQ/TW, Luật Doanh nghiệp và một số chính sách khác thì ngoài việc phát triển về số lượng và chất lượng còn phát triển trên nhiều lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh.
Khu vực này chủ yếu là DNNVV, chiếm khoảng 97% trong tổng số các DN, và ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước với tỷ trọng đóng góp GDP lớn nhất và ổn định ở mức 47-49% trong cơ cấu tổng GDP cả nước; chiếm gần 40% trong cơ cấu tổng nguồn vốn của các thành phần kinh tế quốc dân; giải quyết được lượng lớn lao động và luôn tăng dần qua các năm.
[15 năm: Bức tranh kinh tế tư nhân]
Một trong những ưu điểm đáng ghi nhận nhất ở khu vực này đó là tính năng động, sáng tạo và có cả sự dũng cảm nữa- ý tôi muốn nói đến việc chấp nhận xông pha làm kinh tế trong bối cảnh môi trường kinh doanh của cả nước đang ở trong giai đoạn hoàn thiện thể chế. Đây là một môi trường mà trong một số hoàn cảnh cụ thể, có thể nói là tính rủi ro cao.
Tuy nhiên, khu vực này cũng bộc lộ nhiều hạn chế cơ bản cần được khắc phục như: Quy mô vốn thấp có khoảng 90% có mức vốn dưới 1 tỷ đồng; thiết bị, công nghệ lạc hậu dẫn đến năng suất thấp, chất lượng sản phẩm thấp, sức cạnh tranh yếu, trình độ quản lý và tay nghề người lao động nhìn chung còn yếu kém.
Thiếu mặt bằng sản xuất kinh doanh trầm trọng; nhận thức về thị trường, về pháp luật thấp, thiếu thông tin; khả năng tiếp cận vốn tín dụng cực thấp từ khó khăn dai dẳng đó dẫn đến kết quả kinh doanh thấp, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu thấp, tính cạnh tranh thấp, khả năng hội nhập kinh tế quốc tế yếu theo đó tính bền vững cũng thấp.
Vậy hạn chế căn bản từ thể chế kinh tế với khu vực kinh tế tư nhân là gì, thưa ông?
- Theo tôi, có 3 hạn chế sâu xa, đang tồn tại là: Còn thiếu những quy định pháp luật vể đảm bảo các quyền sở hữu tài sản của DN đặc biệt là một số quyền sở hữu bất động sản và tài sản trí tuệ điều đó cũng làm giảm đi một phần niềm tin của người dân và DN vào nhà nước để họ yên tâm tập trung hết vốn, tài sản vào phát triển đầu tư kinh doanh, qua đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế nói chung.
Còn nhiều rào cản trong việc tham gia thị trường. Trật tự và kỷ luật thị trường chưa tốt, mặc dù đã có cố gắng để cải thiện. Hay như công tác quản lý nhà nước đối với còn nhiều lúng túng, bất cập, hiệu quả thấp. Công tác theo dõi, kiểm tra, điều chỉnh, hỗ trợ, uốn nắn những lệch lạc, xử lý sai phạm chưa tốt.
Hiện số hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình chiếm một tỷ lệ khá lớn, nhiều ý kiến cho rằng cần hỗ trợ để kinh tế hộ gia đình đi lên thành DNNVV. Nhưng muốn vậy cần có chính sách như thế nào?
- Đúng là hiện nay số lượng các hộ kinh doanh cá thể là rất lớn khoảng trên 5 triệu hộ, trong đó có khoảng 3,4 triệu đã được cấp mã số thuế. Khu vực này này hiện nay giải quyết khoảng gần 10 triệu lao động, đây là khu vực có nhiều tiềm năng và đóng góp cho nền kinh tế. Tuy nhiên nếu so sánh về tăng trưởng lao động của khu vực này thì thấy thấp hơn khu vực DN khoảng 10%.
Hiện nay, khu vực này đang được áp dụng hình thức thuế khoán, thủ tục đơn giản, việc thực thi pháp luật về bảo hiểm cho người lao động cũng tương đối yếu. Vì thế nên việc chính sách khuyến khích chuyển đổi chuyển đổi sang thành DNNVV là rất cần thiết và đúng đắn.
Tuy nhiên, để đảm bảo sự chuyển đổi được thành công, thì trước tiên về mặt chính sách phải đảm bảo được yêu cầu về tính nhất quán lâu dài và xuyên suốt.
Hiện nay, có một số chính sách hiện hành đang thực thi dường như chỉ tập trung hỗ trợ thúc đẩy việc đăng ký kinh doanh, tạo điều kiện cho DN khởi nghiệp chứ phần giúp cho DN tăng trưởng thực sự vẫn còn hơi mờ. Rất thiếu vắng các chính sách sách hợp lý cụ thể giúp cho các DN vượt qua trở ngại về quy mô gây ra. Điều đó sẽ không tạo nên được động lực để họ chuyển đổi.
Theo tôi ta nên suy nghĩ về việc có thể hỗ trợ để các loại DN này được tham gia mua sắm, cung ứng hàng hóa dịch vụ khu vực công, khuyến khích để liên kết được với nhau, tham gia chuỗi để họ có thị trường bền vững hơn.
Tất nhiên ta vẫn cần có những chính sách hỗ trợ cơ bản như: Hỗ trợ miễn phí thủ tục chuyển đổi sang DN; hỗ trợ thuế thu nhập DN, môn bài trong một thời gian có thể là 3 hoặc 5 năm; áp dụng chế độ kế toán đơn giản, thuận lợi và miễn phí sử dụng phần mềm kế toán, và các chương trình đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ việc tiếp cận mặt bằng sản xuất; thông tin thị trường; tiếp cận tín dụng; hỗ trợ nâng cao nhận thức hiểu biết phát luật.
Những vấn đề này hiện nay đã được đề cập trong dự thảo mới nhất của Luật hỗ trợ DNNVV lấy ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội trong tháng 4 vừa qua.
Đại hội Đảng XII đã xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng cho sự phát triển. Muốn là động lực quan trọng cho sự phát triển thì cần cơ chế chính sách đủ mạnh. Theo ông, chúng ta cần đi theo hướng giải pháp nào?
- Theo tôi, trước hết phải tiếp tục hoàn thiện nền tảng kinh tế thị trường đầy đủ. Rà soát, bổ sung và điều chỉnh nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về hoạt động kinh doanh của DN, nâng cao chất lượng ban hành chính sách, pháp luật.
Cần mạnh dạn bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, giảm chi phí và tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của DN. Xóa bỏ các rào cản đối với việc gia nhập thị trường, và những hạn chế mang tính độc quyền, tiếp tục tự do hóa thị trường; bảo đảm quyền tài sản, nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật.
Tăng cường tính minh bạch và nhất quán và xuyên suốt của chính sách, pháp luật. Thực hiện mạnh mẽ và triệt để cải cách thủ tục hành chính, phân định rõ nhiệm vụ hành chính công các cơ quan nhà nước thực hiện, dịch vụ công dần chuyển giao cho các hiệp hội thực hiện. Hỗ trợ phát triển các mối liên kết kinh doanh nhằm tăng năng lực cạnh tranh và sáng tạo của DN.
Trân trọng cảm ơn ông!