Mạnh tay chống trốn thuế, chuyển giá

Hồ Hương (thực hiện) 24/04/2016 12:15

Để đương đầu với cuộc chiến trốn thuế, chuyển giá, phía cơ quan Thuế báo cáo lên Bộ Tài chính về việc mua thông tin từ cơ quan nước ngoài trong chống gian lận thương mại. Đồng thời, ngành thuế cũng đang tự xây dựng cơ sở dữ liệu của riêng mình trên cơ sở thanh tra, kiểm tra… 

Xung quanh vấn đề này, báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn - Tổng cục thuế.

PV: Thưa ông, có một số khu vực đưa ra quy định thuế TNDN bằng 0%. Và nhiều nhà đầu tư đã lập ra công ty tại đây để đầu tư đi nhiều nước khác nhưng sau đó chuyển tiền trở lại các khu vực thuế 0% này để tránh bị đóng thuế. Đây có được xem là hình thức gian lận thuế?

Ông Nguyễn Văn Phụng: Hiện nay, DN trốn thuế dưới nhiều hình thức như: Trốn doanh thu (bỏ ngoài sổ sách kết quả bán hàng; Kê khai khống chi phí, lợi dụng chứng từ/hoá đơn để khấu trừ khống, hoàn thuế khống). Hành vi này phải bị trừng trị mạnh tay. Còn lách thuế, né thuế là lợi dụng các kẽ hở của luật pháp để tận dụng các lợi thế nhằm giảm nhẹ nghĩa vụ thuế “một cách hợp pháp”.

Các hình thức né thuế cụ thể gồm: Lợi dụng các ưu đãi thể chế (ví dụ đầu tư vào Singapore thay vì vào Nhật Bản để hưởng các ưu đãi, cam kết đầu tư); Lợi dụng các nơi “thiên đường thuế” để tạo lập cơ sở kinh doanh rồi đầu tư vào nơi khác (rất nhiều); tận dụng các cam kết Chính phủ; cơ chế chuyển giá (các công ty đa quốc gia hay làm); tận dụng các ưu đãi thuế; tận dụng các quy định không rõ ràng trong luật pháp…

Khi các nhà đầu tư chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư, một trong những lựa chọn mà họ cân nhắc đó chính là các ưu đãi về thuế. Các nhà đầu tư tận dụng điều này, rồi sau đó chuyển tiền trở lại các khu vực thiên đường thuế (địa chỉ duy định thuế TNDN 0%).

Như vậy, các nhà đầu tư được hưởng ưu đãi của nước họ, trong khi đó chúng ta lại cho họ thêm ưu đãi tại Việt Nam nên chúng ta đã để mất nguồn thu. Bởi vậy, cần xem xét xuất xứ nhà đầu tư. Cơ quan chức năng cần nâng cao năng lực cho cán bộ công chức trong ngành để giám sát được các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong điều kiện các thủ tục thuế đang ngày càng được đơn giản hóa.

Theo ông, phải làm gì để hạn chế được sự tận dụng ưu đãi này?

- Muốn hạn chế tình trạng này cần phải tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết là rà soát lại thể chế, tổng kết thực tiễn xem các chính sách vừa qua cái nào phù hợp, cái nào không phù hợp thì cắt bỏ. Chỉ có luật pháp thay đổi thì mới có căn cứ quản lý rõ ràng.

Cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan chức năng có liên quan. Không thể phó mặc cho cơ quan thuế được mà phải có sự giám sát giữa các cơ quan. Người tiêu dùng cần phải có thái độ với những doanh nghiệp trốn thuế. Chúng ta sẵn sàng từ chối không mua hàng của những doanh nghiệp đã trốn thuế.

Quyền của người tiêu dùng rất lớn, chúng ta cần phải tuyên truyền, giống như không mua hàng của những DN gây ô nhiễm môi trường. Mọi người dân hiểu rằng trốn thuế và tránh thuế là cần phải lên án. Chúng ta có quyền từ chối mua sản phẩm của DN trốn thuế.

Người tiêu dùng cần thể hiện quyền uy, vậy cơ quan thuế có vai trò như thế nào?

- Chúng ta cũng cần tăng cường tiếp cận nhiều nguồn thông tin, cần phát triển bộ phận quản lý rủi ro và tăng cường giao lưu thêm thông tin trong và ngoài nước, chia sẻ thông tin với cơ quan thuế, nắm bắt thông tin với cơ quan thuế mà ta đã ký hiệp định tránh đánh thuế 2 lần.

Phía cơ quan thuế cũng phải nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công chức, đủ năng lực trình độ, giám sát vấn đề này, nhất là trong điều kiện đơn giản hóa thủ tục vẫn cần rà soát Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần. Hiệp định nào chưa phù hợp thì đàm phán lại và Hiệp định nào có rồi thì tận dụng cơ chế tối đa, khai thác triệt để lợi thế trên cơ sở những quy định hiện có.

Hai doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bán lẻ là Metro và BigC… Sau thời gian có vấn đề chuyển nhượng kinh doanh tại Việt Nam. Đây có phải là trường hợp hưởng ưu đãi và rời bỏ thị trường?

- Bản thân 2 doanh nghiệp nói trên đang có lỗ. Lỗ thì được chuyển lỗ về các năm sau. Doanh nghiệp thực thể đang lỗ mà chủ đầu tư vẫn bán được với khoản tiền lãi rất to. Vậy chúng ta có thu thuế không? Đương nhiên chúng tôi cần phải có nhiều biện pháp thu thuế. Đó là thu thuế với chủ đầu tư Metro. Ông chủ này bán cơ sở Metro có thu nhập thì phải đóng thuế.

Những DN pháp nhân hoạt động tại Việt Nam. Có thể hôm nay người ta lỗ nhưng tương lai có thể có lãi. Thay vì việc tôi lập ra một DN mới hoàn toàn với việc tôi mua lại trong điều kiện đang có lỗ nhưng có thương hiệu. Chuyển nhượng vốn trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, quyền kinh doanh. Ví dụ, các DN thương mại vừa nêu là quyền kinh doanh. Chúng ta phải khôn ngoan, chúng ta phải có trí tuệ thì chúng ta mới không thể bỏ sót nguồn tiền.

Để đối phó với trốn thuế, chuyển giá phía cơ quan thuế từng đề cập đến phương pháp mua thông tin từ cơ quan nước ngoài trong chống gian lận, thương mại?

- Cơ chế mua thông tin từ các cơ quan thuế nước ngoài phục vụ việc chống chuyển giá ngành thuế đã báo cáo lên Bộ Tài chính, xem xét các nguồn thông tin đáng tin cậy để mua. Mua liên quan đến kinh phí, kinh phí phải bố trí trong dự toán. Cơ chế nào để chúng ta có thể mua được. Rồi lựa chọn nguồn thông tin đáng tin cậy, cán bộ nào đủ trình độ thẩm định nguồn thông tin ấy.

Cơ chế mua tin là quy định hoàn toàn mới trong lĩnh vực thuế. Chúng ta đang trong quá trình làm thí điểm, vừa làm vừa học. Hiện tại, ngành thuế cũng đang tự xây dựng cơ sở dữ liệu của riêng mình dựa trên cơ sở thanh tra, kiểm tra.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mạnh tay chống trốn thuế, chuyển giá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO