Việc mạnh tay xử phạt xe biển số xanh, kể cả xe chở lãnh đạo quận; dỡ bỏ một phần trụ sở một số cơ quan, ban ngành xây lấn chiếm ra vỉa hè; quyết liệt dẹp hàng rong, quán ăn trên vỉa hè, lòng lề đường là những hành động quyết liệt mà UBND Q.1, TP HCM đang triển khai. Việc lập lại trật tự kỷ cương đô thị bước đầu tạo lập được nguyên trạng vỉa hè thông thoáng tại một số tuyến đường trung tâm thành phố.
Một xe biển số xanh đậu trước trụ sở UBND TP HCM bị xử phạt do lấn chiếm lòng lề đường.
TP HCM từ lâu đã muốn dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, thế nhưng xử phạt còn hình thức, không quyết liệt khiến kết quả không đạt yêu cầu, thậm chí như “bắt cóc bỏ dĩa”, đâu lại vào đó. UBND Q.1 là quận tiên phong mạnh tay với vấn nạn này, trong đó bắt đầu “nêu gương” từ các xe biển số xanh, vốn thuộc sở hữu của các cơ quan nhà nước đóng trên địa bàn.
Kế đến là đập bỏ nhiều tường bao, trụ sở của các cơ quan cấp Bộ tại TP HCM xây lấn chiếm ra phần vỉa hè dành cho người đi bộ. Việc làm được dư luận đánh giá là quyết liệt, làm gương để chính quyền Q.1 tiếp tục xử lý bài toán lớn hơn là hàng chục ngàn hàng quán lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè suốt nhiều năm qua nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để dẹp bỏ được.
Mấy ngày nay, dư luận còn chưa hết ca ngợi khi đích thân Phó Chủ tịch UBND Q.1 Đoàn Ngọc Hải tiếp tục dẫn đầu đoàn liên ngành xử lý của quận lập biên bản một loạt xe biển số xanh đậu lấn chiếm lòng đường, vỉa hè phía trước trụ sở UBND TP HCM, Viện Kiểm sát Nhân dân TP HCM, TAND TP, không du di một trường hợp nào để làm gương.
Điển hình là xe biển số xanh chở một Phó Chủ tịch UBND Q.9 cũng bị lập biên bản, cùng 5 chiếc xe biển số xanh khác của cán bộ các cơ quan ban ngành khác nhau. Quận 1 cũng quyết liệt đập bỏ tường bao phía trước của trụ sở cơ quan làm việc phía Nam của Bộ Công thương tại TP HCM; đập cả trụ sở khu phố 6, phường Bến Thành, vì lấn chiếm vỉa hè.
Việc làm nêu trên của lãnh đạo quận 1 nằm trong chiến dịch dọn dẹp lòng lề đường, trả vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ. Điều mà cả bộ máy chính trị quận này mong muốn khi vỉa hè được thông thoáng sẽ biến Q.1, nói cách khác sẽ biến trung tâm TP HCM trở thành mô hình một “Singapore thu nhỏ”.
Cần phải nói thêm là trong quá khứ, Sài Gòn - TP HCM đã từng được ví như “Hòn ngọc Viễn Đông”, thậm chí vào thời điểm 40 - 50 năm trước Sài Gòn vẫn được sánh với Singapore hay “Phố Đông” của Thượng Hải bởi hạ tầng đô thị, lẫn các giá trị về văn minh đô thị. Thế nhưng đó là câu chuyện của một bộ máy hành chính chỉ quản lý dân số ít.
Đến nay, quy mô dân số của TP HCM đã hơn 10 triệu người, chưa kể đến số lượng lớn lao động nhập cư biến động thường xuyên và chưa thể thống kê vào. Quy mô dân số gấp nhiều chục lần đã khiến bộ máy quản lý “phình to” và không thể kiểm soát được sự phát triển ồ ạt về hạ tầng, thiếu tầm nhìn quy hoạch cho 40 - 50 năm. Nạn lấn chiếm lòng, lề đường là một hệ lụy tất yếu của quá trình ấy, và để lại hậu quả cho đến nay mà cả bộ máy chính quyền TP HCM phải đau đầu giải quyết.
Thế nhưng, tại sao lại là từ Q.1? Câu hỏi này được nhiều nhà nghiên cứu đô thị lý giải, bởi đây chính là bộ mặt trung tâm của TP HCM, cần phải đi trước, làm trước, gần như là một “liều thuốc thử” để UBND TP HCM quyết liệt mở rộng phạm vi, trước hết là các quận trung tâm.
Nhưng, một lý do mà ai cũng có thể nhìn thấy được là kể từ khi ông Đinh La Thăng từ Bộ Giao thông - Vận Tải về đứng đầu Đảng bộ TP HCM, những vấn đề như kẹt xe đô thị, hạ tầng giao thông, mà gần nhất là nạn lấn chiếm lòng lề đường đã được quan tâm nhiều hơn, đi đến những hiệu quả về thực chất.
Việc ủng hộ cho một chủ trương mạnh mẽ của chính quyền cấp quận là cần thiết để thiết lập một trật tự, mỹ quan đô thị thông thoáng cho thành phố; hoàn toàn không phải là vấn đề “miếng cơm” của người nghèo bị thu hẹp, mà đang giúp cho mặt bằng văn hóa chung của người dân thành phố được nâng cao khi Q.1 thu hút được “dòng vốn” du lịch nhờ một hình ảnh đô thị đẹp đẽ trong mắt du khách trong và ngoài nước.