Những tháng đầu năm 2021, tuy chưa có thống kê cụ thể, song theo nhận định của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lao động trẻ em có xu hướng gia tăng.
Nhân Ngày Thế giới phòng chống lao động trẻ em vừa qua, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã công bố “Báo cáo về lao động trẻ em”.
Tại Việt Nam, theo đánh giá của ILO, nền kinh tế thị trường đã đem đến những hình thức và khuôn mẫu mới, có yếu tố gây tổn thương tới trẻ em. Một số em nhỏ phải chịu nguy cơ bị bóc lột lao động và lạm dụng tình dục. Trẻ em và thanh, thiếu niên làm việc ở khu vực kinh tế phi chính thức, trong môi trường lao động không được quản lý và điều chỉnh. Trong hoàn cảnh này, trẻ em không được giáo dục đầy đủ, phát triển một cách lành mạnh...
Trước đó, kết quả điều tra quốc gia về lao động trẻ em ở Việt Nam do ILO tại Việt Nam, Bộ LĐTBXH và Tổng cục Thống kê công bố vào cuối năm 2020 cho thấy, cả nước có khoảng 5,3% trẻ em và người chưa thành niên, độ tuổi từ 5 đến 17 tuổi là lao động trẻ em. Lao động trẻ em tập trung chủ yếu ở nông thôn, thường làm những công việc thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ. Trong số đó, hơn 50% lao động trẻ em phải làm việc trong những điều kiện nặng nhọc, độc hại. Thời gian làm việc của lao động trẻ em làm công việc nặng nhọc khá dài, với 40,6% số trẻ ở nhóm này phải làm việc nhiều hơn 40 giờ/tuần.
Mặc dù theo Điều 146 Bộ luật Lao động 2019, thời giờ làm việc (các công việc theo danh mục được quy định) của người chưa đủ 15 tuổi không được quá 4 giờ trong 1 ngày và 20 giờ trong 1 tuần; không được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm. Thời giờ làm việc của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được quá 8 giờ trong 1 ngày và 40 giờ trong 1 tuần. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong một số nghề, công việc theo danh mục do Bộ trưởng Bộ LĐTBXH ban hành. Thế nhưng, thực tế những quy định trên chưa thực sự đi vào đời sống.
Ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho rằng, ở ta có sự lẫn lộn giữa lao động sớm, lao động trẻ em, lao động giúp việc gia đình, lao động kiếm sống vì kinh tế. Có những loại hình trá hình và trẻ em vẫn bị bóc lột như ở các gameshow, ở các loại hình nghệ thuật thì các em bé vẫn còn bị bóc lột để đạt được những giải này giải kia, đạt được mục đích kiếm tiền…
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, việc bắt trẻ em lao động sớm không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, sức khỏe của trẻ mà còn khiến trẻ bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý. Chính vì vậy đã đến lúc mỗi gia đình, bậc phụ huynh cần phải nhìn nhận đúng hơn về vấn đề này. Cùng với đó, ở các địa phương cần thể hiện rõ trách nhiệm, vai trò của mình, trong đó cùng với tuyên truyền cần phải tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng ngừa lao động trẻ em khi phát hiện sai phạm phải cương quyết xử lý. Có như vậy vấn đề lao động trẻ em mới được giải quyết triệt để.
Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của chương trình là nhằm phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp trẻ em lao động trái quy định của pháp luật (lao động trẻ em) và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em; phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống 4,9%; 100% trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em và trẻ em bị mua bán vì mục đích bóc lột sức lao động khi có thông báo được hỗ trợ, can thiệp kịp thời, được quản lý, theo dõi; Trên 90% trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em được tiếp cận giáo dục phổ thông và đào tạo nghề phù hợp.
Để đạt được các mục tiêu trên, chương trình đưa ra các nhiệm vụ cụ thể như: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em…