Sức khỏe

Mạnh tay xử lý vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng

Đức Trân 05/12/2024 10:33

Lâu nay vấn nạn “thần thánh hóa”, quảng cáo sai sự thật về công dụng thực phẩm chức năng vẫn tiếp tục diễn ra. Thậm chí, thị trường thực phẩm chức năng ngày càng phức tạp hơn khi cơ quan chức năng liên tục phát hiện nhiều vụ buôn bán sản phẩm này có chứa chất cấm.

bai chinh
Bệnh nhân nhập viện do sử dụng thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc. Ảnh: BVĐK Phú Thọ.

Quảng cáo quá đà

Mới đây, Bệnh viện Nội tiết Trung ương tiếp nhận một bệnh nhân đái tháo đường nhập viện trong tình trạng viêm tụy cấp. Cụ thể, bệnh nhân N.C.H. (37 tuổi, tại Hà Nội) nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau nhiều vùng thượng vị, đau lan ra sau lưng. Qua khai thác bệnh sử được biết, bệnh nhân đã mắc đái tháo đường type 2 được 5 năm, rối loạn mỡ máu, tăng men gan. Bệnh nhân đã từng nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương tháng 2/2024. Sau khi tái khám lại vào tháng 5/2024, đến nay bệnh nhân không tái khám ở bất kỳ cơ sở y tế nào mà tự mua thuốc và thực phẩm chức năng để điều trị.

Thực tế cho thấy, với thực trạng người dân như lạc vào “ma trận” của các loại thực phẩm chức năng như hiện nay, những trường hợp phải nhận hậu quả nặng nề do tin tưởng vào những lời quảng cáo sai sự thật về công dụng của thực phẩm chức năng như trên không hề hiếm thấy.

Trong nhiều năm qua, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã liên tục nêu tên các nhãn hàng, doanh nghiệp vi phạm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Trên nhiều trang mạng xã hội, không ít loại thực phẩm chức năng đang được “thần thánh hóa”, coi như sản phẩm vạn năng, trị bách bệnh. Đáng nói, rất nhiều trang web vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng, nhưng lại nhan nhản những lời quảng cáo là “số 1”, “tốt nhất”, “cứu tinh”, “thần dược”, “cam kết không tái phát”, “chữa dứt điểm đau xương khớp”... đánh vào tâm lý người tiêu dùng.

Một số doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng, sản phẩm làm đẹp, giảm cân đã mời diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ, người nổi tiếng quay quảng cáo. Nhiều sản phẩm trong số đó đã bị thổi phồng về công dụng…

Thậm chí, có tình trạng sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm; thiết lập tổng đài tư vấn giả mạo bác sĩ, dược sĩ, chuyên gia y tế để tư vấn không đúng về công dụng, tác dụng của thực phẩm bảo vệ sức khỏe, có dấu hiệu lừa đảo người tiêu dùng.

Thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho thấy, có tới 80% các quảng cáo trong lĩnh vực phòng và hỗ trợ điều trị bệnh gây bức xúc hiện nay trên môi trường Internet, mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử... là “trá hình” thực phẩm chức năng. Năm 2023, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 19.000 sản phẩm vi phạm, sai phạm. Trong quý I/2024, phát hiện gần 200 sản phẩm vi phạm.

Còn nhiều cái khó trong xử phạt

Bộ Y tế cũng cho hay, việc quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe còn gặp nhiều khó khăn do sự phát triển của các hình thức quảng cáo qua mạng; đặc biệt khó khăn khi xử lý vi phạm trên các trang mạng xã hội, các quảng cáo từ máy chủ ở nước ngoài.

TS Trần Việt Nga - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết: “Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, các đơn vị này quảng cáo rộng khắp qua mạng xã hội, các trang thông tin điện tử, thậm chí gọi điện thoại trực tiếp để tiếp cận tới người tiêu dùng, hành vi vi phạm ngày càng tinh vi”.

Nguyên nhân chính là do một số tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận bất chấp pháp luật, sức khỏe và tính mạng của cộng đồng. Cụ thể, nhiều đối tượng lợi dụng nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng cao nên cố tình sản xuất thực phẩm chức năng giả, nhập khẩu thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc về dán nhãn, mác của các dòng sản phẩm của Mỹ, Canada, Nhật..., cố tình quảng cáo sai sự thật bất chấp quy định, đạo đức.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay, thời gian tới sẽ sửa đổi, bổ sung Luật An toàn thực phẩm sửa đổi, sửa đổi Nghị định số 15 ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm theo hướng thống nhất giữa các quy định pháp luật, tháo gỡ những khó khăn bất cập trong quản lý, đáp ứng thực tiễn. Đồng thời, sửa đổi Luật Quảng cáo để khắc phục các vấn đề còn vướng mắc, khó khăn trong công tác quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng.

Cùng đó tăng cường công tác quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng, nhất là quảng cáo qua mạng xã hội; công khai tên cơ sở vi phạm, sản phẩm vi phạm, nội dung vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật và có chế tài xử phạt phù hợp; bổ sung hành vi và tăng mức tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo để đảm bảo tính răn đe; tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng và xử lý vi phạm. Rà soát, hậu kiểm việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội để phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm và công khai các vi phạm theo quy định hiện hành…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mạnh tay xử lý vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng