Ngày 9/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, TS Đào Minh Sô, Trưởng Bộ môn chọn tạo giống cây trồng, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam thông tin: Đã lai tạo thành công giống lúa mới lấy tên Mắt rồng (SR20), vừa giữ được nhiều ưu điểm của giống lúa màu cổ truyền vừa có giá trị phổ biến cao.
Mắt rồng-SR20 và dòng lúa ST ngon nhất thế giới
TS Đào Minh Sô cho biết, có khá nhiều giống lúa màu cổ truyền còn được lưu giữ tại các cơ quan nghiên cứu, nhưng hầu hết nguồn gene lúa cổ truyền có giá trị canh tác thấp (thời gian sinh trưởng dài, năng suất thấp) nên rất ít được sử dụng trực tiếp cho sản xuất. Trong đó có những giống lúa chất lượng cao nhưng theo thời gian đã vắng bóng.
Ngay từ năm 2010, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam đã chọn tạo được một số dòng lúa màu cải tiến bằng phương pháp đột biến từ các giống lúa cổ truyền. Đó chính là cơ sở để lai tạo ra các giống lúa màu đạt giá trị canh tác và tiêu dùng.
Mắt rồng -SR20 là “con lai” được chọn từ tổ hợp gồm vật liệu “bố” là một dòng lúa đỏ đột biến được phát triển từ nguồn gene cổ truyền trong nước và vật liệu làm “mẹ” là một dòng lúa đen du nhập ở nước ngoài. Cặp lai này nhằm khai thác lợi thế di truyền từ các tính trạng tốt của “bố” và “mẹ”.
Công tác chọn lọc được tiến hành liên tục trong giai đoạn 2015-2019, xác định được một số dòng thuần lúa màu triển vọng, trong đó dòng lúa Mắt rồng-SR20 thể hiện rõ nhất về giá trị canh tác và sử dụng. Dòng lúa này thừa hưởng khá đầy đủ những ưu điểm của giống lúa bố mẹ: Thời gian sinh trưởng ngắn, kiểu hình đẹp, chứa sắc tố đỏ và tím, bông chùm, năng suất cao, có ưu thế vượt trội về chất lượng so với giống mẹ (tím đen, gạo nát, cơm ướt và quá dẻo) và giống bố (đỏ, cơm khô).
Tới nay, Mắt rồng-SR20 đã được khảo nghiệm và thử nghiệm diện rộng ở nhiều điểm tại Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, đã thể hiện được tính ổn định các ưu điểm: Ngắn ngày (92-96 ngày), năng suất khá (5-7 tấn/ha), chống chịu sâu bệnh tốt; đặc biệt cơm rất ngon, dẻo vừa và xốp, thích hợp đa số người dùng.
Theo TS Đào Minh Sô, Mắt rồng-SR20 có hàm lượng vi chất dinh dưỡng cao hơn nhiều lần so với gạo trắng. Dòng gạo này thuộc loại đặc sản nhưng có thể được sử dụng hàng ngày như mọi loại gạo trắng thông thường.
TS Đào Minh Sô đã có thâm niên gần 30 năm trong lĩnh vực nghiên cứu lúa. Ông là tác giả và đồng tác giả của hàng chục giống lúa mới, trong đó có những giống lúa nổi tiếng, đóng góp to lớn cho sản xuất như Jasmine-85, VND95-20, LC408 (lúa cạn); là tác giả của hàng chục quy trình canh tác lúa trên các nhóm giống, các tiêu chuẩn kỹ thuật và điều kiện canh tác khác nhau và đã được ghi nhận bằng các giải thưởng danh giá (giải thưởng Nhà nước về KHCN, giải thưởng thành tựu của Viện Năng lượng nguyên tử Quốc tế - IAEA).
Theo giới chuyên gia nông nghiệp, Mắt rồng-SR20 có thể được coi là “hậu duệ” của giống lúa Huyết rồng danh tiếng, hạt gạo màu đỏ như “máu rồng”. Lúa Huyết rồng từng tồn tại ở vùng sâu Đồng bằng sông Cửu Long, thời gian sinh trưởng khá dài (5 - 6 tháng), chỉ trồng được duy nhất 1 vụ trong năm. Cây cao 1,6 - 1,8 m nên rất dễ đỗ ngã và cho năng suất thấp. Chính vì không đáp ứng được yêu cầu mùa vụ và sản lượng nên giống lúa đặc biệt này đã mai một.
Trước Mắt rồng-SR20, Việt Nam đã có dòng lúa thương phẩm ST (Sóc Trăng) hàng đầu thế giới. Tác giả chính của nó là Kĩ sư Hồ Quang Cua. Ông sinh ra ở xã nghèo thuần nông Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Tuổi thơ của ông gắn liền với ruộng đồng, làng quê. Năm 1978, ông tốt nghiệp Khoa Nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ.
Trước khi nghỉ hưu (năm 2013), ông là Phó Giám đốc Sở NNPTNTtỉnh Sóc Trăng. Ông nổi tiếng là “người mê lúa”, dòng ST (gồm ST24 và ST25) được ông chính thức nghiên cứu trong vòng 12 năm. Vào năm 2019, tại cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới (World’s Best Rice do The Rice Trader) tại Manila (Philippines), ST25 đã xuất sắc vượt qua gạo Thái Lan, giành giải Nhất.
Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gạo
Sản lượng cao, nhiều dòng lúa cũng như các loại nông sản chất lượng cao, vấn đề quan trọng hiện nay chính là “đầu ra”. Vì thế, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản là nhiệm vụ không chỉ trước mắt mà còn là lâu dài, khi mà sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong tổng hàng hóa xuất khẩu.
Tuy nhiên, thời gian qua, việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản như gạo, thủy sản, trái cây gặp không ít khó khăn. Trong quý 1 vừa qua, xuất khẩu nông sản của Việt Nam, trong đó có gạo, tuy được giá nhưng lượng hàng xuất khẩu lại giảm so với cùng kỳ năm 2020. Về việc này, theo ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công thương), tuy lượng có giảm nhưng kim ngạch lại tăng cao và mang lại lợi ích cho người nông dân trồng lúa.
Cùng với đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đang ngày càng chú trọng đến nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc và hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường xuất khẩu như EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ. Đây là một trong các yếu tố giúp nâng cao sức cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam.
Ông Toản cũng cho biết, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam đã và đang dần dần chuyển dịch sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao, như gạo thơm chiếm 27,15% trong tỷ trọng tổng lượng gạo xuất khẩu; gạo japonica chiếm 3,39%; gạo nếp chiếm 9,26%…
Ông Toản cũng cho rằng, bên cạnh sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước thì các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản và tuân thủ chặt chẽ các quy định về truy xuất nguồn gốc, đồng thời xây dựng và bảo vệ được thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu bền vững, duy trì và đa dạng hóa được thị trường.
Đặc biệt cần chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng và chuẩn bị các biện pháp đối phó với các vụ kiện về phòng vệ thương mại thông qua việc theo dõi tình hình thị trường, giá cả, các điều kiện trong giao thương, nâng cao năng lực.
Do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, năm 2020 kim ngạch xuất khẩu rau quả chỉ đạt 3,3 tỷ USD, giảm 12,7% so với cùng kỳ. Quý 1 năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đạt 944 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2020. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 24,4%. Hai tháng đầu năm 2021, xuất khẩu rau quả sang Hoa Kỳ đạt 23,4 triệu USD, tăng 3,7%, chiếm 4,2% tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành.
Đến nay, đã có 6 loại trái cây tươi của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Hoa Kỳ gồm thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, xoài. Tuy nhiên, lượng xuất không nhiều, chiếm thị phần nhỏ do các chi phí như vận chuyển, bảo quản, kiểm dịch, xử lý chiếu xạ…