Mặt trận là phải đến từng hộ, vận động từng người

Vũ Mạnh Ảnh: Hoàng Long 14/07/2016 11:33

Đặt ra yêu cầu đổi mới trong công tác vận động của người Mặt trận, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, công tác vận động hiện nay của Mặt trận là phải đi đến từng hộ dân và vận động từng người.

Sáng 14/7 tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn công tác Mặt trận năm 2016 cho cán bộ Mặt trận 63 tỉnh thành phố.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Trần Thanh Mẫn cùng các vị trong Ban Thường trực chủ trì hội nghị.

Mặt trận là phải đến từng hộ, vận động từng người

Quang cảnh Hội nghị.

Yêu cầu mới trong công tác vận động

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, sau đại hội lần thứ VIII của UBTƯ MTTQ Việt Nam đến nay đã hơn 1 năm rưỡi, UBTƯ MTTQ Việt Nam và MTTQ Việt Nam các tỉnh thành phố đã triển khai các chương trình hành động của MTTQ Việt Nam được xác định tại Đại hội lần thứ 8, trong đó có nhiều nghị quyết chuyên đề như nghị quyết chuyên đề về đổi mới công tác thông tin truyền thông của MTTQ Việt Nam, nghị quyết chuyên đề về đổi mới công tác dân tộc, công tác tôn giáo, đề án về thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh...

Hội nghị tập huấn công tác Mặt trận 2016 để nhìn lại công tác Mặt trận trong 1,5 năm qua với nhiều nội dung mới như thực hiện Nghị quyết đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ 8 và thực hiện nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XII.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, công tác vận động của Mặt trận trong giai đoạn này hết sức khó khăn. Như chương trình triển khai việc giám sát an toàn thực phẩm nhiều địa phương gặp khó. Người dân vì lợi ích của mình mà sẵn sàng vi phạm an toàn thực phẩm, đầu độc người khác.

“Giám sát an toàn thực phẩm không phải là đi nhiều địa phương, không phải là đi giám sát nhiều nơi mà vấn đề là phải thay đổi trong nhận thức, hình thành văn hóa người dân Việt Nam sản xuất thực phẩm an toàn và người tiêu dùng phải an toàn. Nếu không điều chỉnh được tư duy bộ phận không nhỏ của người sản xuất về trách nhiệm của từng cá nhân với xã hội, nếu chừng nào người sản xuất không bị lương tâm cắn rứt để làm cho người dân bị ảnh hưởng tới sức khỏe thì đất nước không thể phát triển được” - Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Mặt trận là phải đến từng hộ, vận động từng người - 1

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị.

Chính vì vậy, theo người đứng đầu Mặt trận, công tác vận động hiện nay của Mặt trận là phải đi đến từng hộ dân và vận động từng người đặt ra công tác vận động có yêu cầu mới.

“Từ đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước muốn đến được với nhân dân, giúp cho dân hiểu, chủ động tích cực hưởng ứng thì qua một khâu rất quan trọng là Mặt trận làm công tác vận động. Nếu không có các tổ chức thành viên của Mặt trận, Mặt trận các cấp, không có những người tiêu biểu của Mặt trận thì không thể triển khai một cách đúng mức, đầy đủ việc vận động nhân dân hiểu cho đúng đường lối, chính sách của Đảng, phát huy sáng tạo để biến đường lối đó thành thực tiễn, mang lại cuộc sống cho mình và góp phần xây dựng bảo vệ Tổ quốc”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân mong muốn thông qua Hội nghị này với việc giới thiệu trao đổi 4 chuyên đề phổ biến, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng trong hệ thống Mặt trận.

Thông tri của Ban Thường trực Hướng dẫn tổ chức thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".

Các quy định về quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giám sát và phản biện xã hội; công tác giám sát, phản biện xã hội năm 2016.

Thực hiện Hướng dẫn xây dựng quy chế tổ chức, hoạt động, tiêu chí đánh giá và xếp loại Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư, hơn 2.200 đại biểu đại diện cho hệ thống Mặt trận 63 tỉnh thành phố cùng trao đổi các chuyên đề, lắng nghe ý kiến các địa phương để tiếp thu những nét mới công trong công tác Mặt trận từ đó triển khai hiệu quả tại địa phương trong thời gian sắp tới.

Mặt trận là phải đến từng hộ, vận động từng người - 2

Phó Chủ tịch Lê Bá Trình phát biểu tại Hội nghị.

Đoàn kết mọi người Việt Nam yêu nước

Tại Hội nghị Phó Chủ tịch Lê Bá Trình đã phổ biến, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối và tổ chức thực hiện những nội dung, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong đó trọng tâm là tập hợp, xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Theo Phó Chủ tịch Lê Bá Trình, nhiệm vụ trọng tâm Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tập trung và 5 nội dung là nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ "đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phát huy tinh thần sáng tạo và tự quản của nhân dân, triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước với mục tiêu "Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nâng cao hiệu quả việc phát huy dân chủ, thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước vững mạnh.

Đặc biệt cần đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân, tăng cường đoàn kết hữu nghị và hợp tác quốc tế. Hoàn thiện cơ chế, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới theo hướng "Tiếp tục tăng cường củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân”.

Mặt trận là phải đến từng hộ, vận động từng người - 3

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội nghị.

Khu dân cư là địa bàn để triển khai Cuộc vận động

“Các địa phương cần phát huy vai trò tự quản, tính sáng tạo của cộng đồng dân cư trong triển khai tổ chức thực hiện Cuộc vận động. Lấy khu dân cư là địa bàn quan trọng để triển khai Cuộc vận động”.

Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khi quán triệt thông tri hướng dẫn tổ chức thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” để các địa phương tổ chức thực hiện thống nhất, hiệu quả Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, mục đích của việc thực hiện Cuộc vận động góp phần nâng cao chất lượng các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới; vận động nhân dân ở các phường, quận, thị trấn, thành phố tham gia thực hiện các nội dung, tiêu chí về xây dựng đô thị văn minh.

“Mặt trận các địa phương cần phát huy vai trò tự quản, tính sáng tạo của cộng đồng dân cư trong triển khai tổ chức thực hiện Cuộc vận động. Lấy khu dân cư là địa bàn quan trọng để triển khai Cuộc vận động”.

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” sẽ tập trung vào 5 nội dung: Đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng.

Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân; xây dựng gia đình văn hóa; phát huy truyền thống đền ơn, đáp nghĩa, tương thân, tương ái.

Đoàn kết tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp.

Đoàn kết chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Đoàn kết phát huy dân chủ, tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh.

Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, trên cơ sở hướng dẫn của của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp căn cứ tình hình cụ thể của địa phương để đề ra nội dung, giải pháp trọng tâm, lộ trình thực hiện và các chỉ tiêu đánh giá trong từng năm, từng giai đoạn để có thể lượng hóa được kết quả thực hiện.

Trong hai năm 2016 - 2017, cần tập trung các vấn đề về giúp nhau giảm nghèo bền vững, điều chỉnh Quy chế quản lý và sử dụng quỹ “Vì người nghèo”, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, bảo đảm an ninh trật tự. Sau khi sơ kết 3 năm thực hiện (cuối năm 2018) sẽ tiến hành đánh giá và đề ra các nội dung trọng tâm tiếp theo.

Mặt trận là phải đến từng hộ, vận động từng người - 4

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha phát biểu tại Hội nghị.

4 giải pháp nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội

Tại Hội nghị Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha đã giới thiệu các quy định về quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong giám sát và phản biện xã hội năm 2016. 4 nhóm giải pháp đã được Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha đặt ra để nâng cao hiệu quả của hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.

Về công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam năm 2016 và các năm tiếp theo Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội, các bộ, ngành và các tổ chức thành viên triển khai các chương trình phối hợp giám sát đã ký kết; hướng dẫn việc thực hiện các chương trình phối hợp giám sát trong hệ thống MTTQ Việt Nam và tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá và rút kinh nghiệm trong việc triển khai các hoạt động.

Đối với các chương trình phối hợp giám sát đã được tiến hành làm điểm trong năm 2015, sẽ hướng dẫn Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố triển khai tổ chức các hoạt động giám sát tại các địa phương năm 2016 và những năm tiếp theo…

Đối với Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào tình hình và điều kiện cụ thể của từng địa phương, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lựa chọn những nội dung giám sát do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì, phối hợp triển khai hoặc chọn một nội dung khác (bảo vệ môi trường, chính sách giải quyết việc làm, giảm nghèo, giáo dục, y tế...) đáp ứng nhu cầu của nhân dân địa phương để xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và khả năng của Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên ở địa phương và có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước liên quan.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ hướng dẫn, chuyển giao quy trình để các địa phương triển khai một số chương trình phối hợp giám sát như: Chương trình phối hợp giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở, Chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội trong các loại hình doanh nghiệp; Chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giai đoạn 2014 - 2020...

Cùng với đó các hoạt động giám sát của Ủy ban MTTQ các cấp theo các quy định hiện hành như thực hiện dân chủ ở cơ sở, thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư của cộng đồng vẫn tiến hành bình thường.

Về định hướng nhiệm vụ, nội dung phản biện xã hội, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha khẳng định, Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục phối hợp với các cơ quan, tổ chức và Ủy ban MTTQ các địa phương tuyên truyền về hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền tới các tầng lớp nhân dân, vận động nhân dân tham gia thực hiện.

Cùng với đó, đổi mới, nâng cao hiệu quả các phương thức tập hợp ý kiến nhân dân, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để phản ánh với Đảng, Nhà nước.

“Trước mắt, trong năm 2016 tập trung phản biện vào các dự án Luật quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân như: Dự án Luật biểu tình, Dự án Luật về hội, Dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)” - Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha thông tin.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục thúc đẩy sớm việc ban hành Nghị quyết liên tịch hướng dẫn chi tiết Luật MTTQ Việt Nam về công tác giám sát và phản biện xã hội, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội đạt hiệu quả hơn.

“Trong quá trình tổ chức các hoạt động giám sát và phản biện xã hội cần phát huy vai trò, huy động trí tuệ của các vị Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên, các vị nhân sĩ, trí thức, các giới, người tiêu biểu, có uy tín trong các dân tộc, tôn giáo, các nhà khoa học, các chuyên gia, những người đã tham gia lãnh đạo, quản lý liên quan đến nội dung cần giám sát và phản biện xã hội. Quan tâm nâng cao chất lượng cán bộ MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp về trình độ chuyên môn, năng lực nhìn nhận, phân tích, đánh giá vấn đề, kỹ năng lắng nghe, tổng hợp… để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ góp ý kiến cũng như nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội trong tình hình mới”, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha khẳng định.

Đặc biệt sau khi kết thúc hoạt động giám sát và phản biện xã hội, cần sớm có văn bản báo cáo về kết quả giám sát gửi văn bản kiến nghị cho cơ quan, tổ chức được giám sát và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; có văn bản thông tin kết quả phản biện đến cơ quan, tổ chức yêu cầu phản biện.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

Mặt trận là phải đến từng hộ, vận động từng người - 5

Mặt trận là phải đến từng hộ, vận động từng người - 6

Mặt trận là phải đến từng hộ, vận động từng người - 7

Mặt trận là phải đến từng hộ, vận động từng người - 8

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mặt trận là phải đến từng hộ, vận động từng người

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO