Để góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG 1719, Ủy ban MTTQ tỉnh Lào Cai đã chủ động xây dựng kế hoạch giám sát tại một số địa bàn trọng điểm. Thông qua hoạt động giám sát này, MTTQ đã kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Chương trình tại các địa phương
Theo kế hoạch, trong tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719) năm 2023 ở Lào Cai là 1.371 tỷ đồng. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân nguồn vốn.
Nhận định về những điểm nghẽn trong quá trình thực hiện Chương trình, ông Giàng Seo Vần - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lào Cai cho biết, nhiều chính sách hiện nay không còn được áp dụng ổn định, việc xác định đối tượng thụ hưởng dựa vào phân định khu vực theo trình độ phát triển khiến việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc ở địa phương gặp khó khăn trong việc đảm bảo các mục tiêu về giáo dục - đào tạo, y tế, đời sống kinh tế… đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, biên giới.
Đơn cử như nội dung Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị thuộc Tiểu Dự án 2 của Dự án 3 quy định: Các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị có từ 70% tổng số lao động trở lên là đồng bào dân tộc thiểu số. Nội dung này rất khó thực hiện, bởi trên thực tế hầu như không có doanh nghiệp, hợp tác xã đáp ứng được điều kiện này. Nếu tiếp tục quy định tỷ lệ lao động đồng bào dân tộc thiểu số của doanh nghiệp, hợp tác xã được tham gia chuỗi giá trị rất khó để có đơn vị đủ điều kiện này đăng ký chủ liên kết hoặc đăng ký thành viên tham gia liên kết trong khi họ có đủ năng lực kinh nghiệm, tài chính, nhân lực, thị trường đầu ra cho sản phẩm.
Hay như đối với Dự án 1 về “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt”, thực tế hiện nay, rất nhiều địa phương trong tỉnh chưa quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, hoặc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất. Cùng với đó, thực trạng người dân chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc đăng ký quyền sử dụng đất đối với diện tích đất đã quản lý, sử dụng là khá phổ biến, chính vì vậy không có căn cứ để xác định là hộ thiếu đất sản xuất theo quy định.
Để góp phần tháo gỡ những vướng mắc này, ông Giàng Seo Vần cho biết, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Lào Cai đã xây dựng kế hoạch giám sát tổng thể Chương trình MTQG 1719 và tổ chức giám sát trực tiếp tại một số huyện trọng điểm. Cụ thể năm 2022, MTTQ tỉnh đã triển khai giám sát tổng thể chương trình tại huyện Si Ma Cai; năm 2023 giám sát tổng thể tại huyện Bảo Yên và thị xã Sa Pa.
Riêng trong năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Lào Cai xây dựng kế hoạch tổ chức giám sát việc thực hiện giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt tại huyện Bắc Hà; Giám sát việc thực hiện quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết tại huyện Văn Bàn, Bảo Yên. Thông qua hoạt động giám sát, MTTQ sẽ kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình ở các đơn vị, địa phương. Qua giám sát cũng tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân để đảm bảo việc thực hiện Chương trình phù hợp với điều kiện của địa phương, đáp ứng nguyện vọng của người dân.
Thực hiện nhiệm vụ “Mặt trận lắng nghe nhân dân nói”, từ năm 2021 đến nay, MTTQ các cấp tỉnh Lào Cai đã tổ chức hơn 1.500 lượt nắm tình hình nhân dân, tổ chức 40 cuộc đối thoại trực tiếp với nhân dân với sự tham gia của gần 3.500 người dân. Đã có gần 500 ý kiến, kiến nghị, phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân được các cơ quan chức năng giải trình, làm rõ.