“Mặt trận phải tập trung phản biện những vấn đề mang tầm vĩ mô, tập trung những ý kiến của nhân dân gửi đến cơ quan cao nhất để những ý kiến phản ánh đó được xem xét và lắng nghe”, ông Đường đề nghị.
Giáo sư Trần Ngọc Đường.
Đề cập đến việc kiểm soát quyền lực của Nhà nước, Giáo sư Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật cho rằng trong thời gian gần đây, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí ngày càng được đẩy mạnh, việc kiểm soát quyền lực của Nhà nước ngày càng được coi trọng, đặc biệt việc kiểm soát quyền lực nhà nước từ nhân dân hay nói cách khác chính là từ Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội và cá nhân tiêu biểu - đây chính là những chủ thể góp phần kiểm soát quyền lực được phát huy và đưa hoạt động giám sát, phản biện có sự thay đổi về chất.
Tuy nhiên ông Đường cho rằng giám sát, phản biện xã hội chỉ là một phương thức để kiểm soát quyền lực của Nhà nước, báo cáo phản ánh kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Quốc hội cũng góp phần phản ánh việc kiểm soát quyền lực.
Trong dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ 9, ông Đường cho rằng phải đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện xã hội, coi đây là công cụ chính để kiểm soát quyền lực Nhà nước, tránh hiện tượng kiểm soát theo nghĩa hẹp như hiện nay.
Chia sẻ với các đại biểu tại hội nghị, bà Hà Thị Liên, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, trong nhiều Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết nào cũng nêu về vai trò của MTTQ và các đoàn thể, từ đây khẳng định được vai trò của Mặt trận trong thực hiện Nghị quyết của Đảng.
Vì thế, trong thời gian tới, bà Hà Thị Liên cho rằng, Mặt trận và 46 tổ chức thành viên cần sự kết tụ tốt hơn, mỗi thành viên cần năng nổ, lăn lộn trên địa bàn để tùy theo công việc, chức năng của mình góp phần đưa công tác Mặt trận đi đến thành công, tạo nên sức mạnh Mặt trận trong hệ thống chính trị.