Một tên lửa dự kiến lao xuống Mặt Trăng hôm 4/3 sắp tới được cho là sẽ tạo ra một miệng núi lửa mới có kích thước lên tới 20 mét.
Trước đó, Phát ngôn viên của NASA cho biết, một tên lửa SpaceX đã trôi nổi trong không gian vũ trụ trong suốt 7 năm sẽ va chạm với Mặt Trăng vào hôm 4/3 sắp tới, và đây sẽ là lần đầu tiên một mảnh rác vũ trụ vô tình đâm vào bề mặt Mặt Trăng. Nó dự kiến sẽ va vào Mặt Trăng vào khoảng 7h26' sáng theo giờ quốc tế với tốc độ khoảng 5.500 dặm một giờ (8.851 km/h).
Các nhà thiên văn học cho biết, vật thể được gọi là WE0913A sẽ va chạm vào Mặt Trăng vào ngày 4/3 tới đây. Nhà nghiên cứu độc lập Bill Gray - người phát triển phần mềm Project Pluto dùng để theo dõi các tiểu hành tinh và sao chổi - ban đầu cho rằng đó là phần trên của tên lửa đẩy Falcon 9 từ SpaceX, được dùng để phóng lên Đài quan sát khí hậu không gian sâu của Mỹ (DSCOVR) vào năm 2015.
Tuy nhiên, sau khi nhận được thông tin mới từ Kỹ sư Jon Giorgini tại Phòng thí nghiệm Lực đẩy Phản lực của NASA, giờ đây ông Gray đã tin rằng vật thể đang trong hành trình va chạm với Mặt trăng là một phần của tên lửa đẩy một sứ mệnh lên Mặt Trăng do cơ quan vũ trụ của Trung Quốc thực hiện vào cuối năm 2014.
Gray cho biết: “Tôi đã có bằng chứng khá tốt để xác định danh tính, nhưng không có gì để kết luận cả. Trong thực tế, đây không phải là điều bất thường bởi việc xác định các mảnh vụn vũ trụ bay cao thường đòi hỏi nhiều công việc như truy lùng và đôi khi chúng tôi không bao giờ thể tìm ra danh tính của các rác thải vũ trụ đó”.
Về phần mình, NASA cho biết, các phân tích cho thấy, vật thể dự kiến sẽ va chạm một phần của Mặt Trăng vào ngày 4/3 có khả năng là tên lửa đẩy phóng tàu vũ trụ Chang'e 5-T1 của Trung Quốc được phóng vào năm 2014. Kết quả này dựa trên các phân tích quỹ đạo của vật thể trong khung thời gian 2016 - 2017.
Các chuyên gia dự đoán rằng sự va chạm của khối rác vũ trụ này với Mặt Trăng dự kiến sẽ tạo ra một miệng núi lửa mới có kích thước lên tới 20 mét. Bên cạnh đó, họ vẫn chưa đưa ra dự đoán chắc chắn điều gì đã xảy ra với tầng trên của tên lửa SpaceX được phóng vào năm 2015 vẫn đang lơ lửng trên không gian và là một phần của “rác thải khí quyển”.
Theo tờ The Guardian, các chuyên gia tin rằng tên lửa đã gây một đống lộn xộn trong không gian kể từ ngày được phóng, nhưng các quan chức Trung Quốc không tin rằng khối rác là của họ mà khẳng định rằng phần tên lửa đó đã trở lại bầu khí quyển của Trái Đất và bốc cháy hoàn toàn.
Nghiên cứu miệng hố va chạm hình thành từ một vật thể có khối lượng và tốc độ đã biết (tên lửa sẽ di chuyển với vận tốc 9.000 km/h), cũng như vật chất bị đẩy ra từ va chạm, có thể giúp thúc đẩy công nghệ nghiên cứu khoa học về mặt trăng.
Các tàu vũ trụ từng cố tình đâm vào Mặt trăng cho mục đích khoa học như trong sứ mệnh Apollo nhằm kiểm tra địa chấn, nhưng tên lửa SpaceX đâm vào Mặt trăng là vụ va chạm không chủ đích đầu tiên được phát hiện.