Răng ê buốt ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động ăn uống hàng ngày. Vì vậy, cần chăm sóc răng miệng thật kỹ và biết một số cách để giảm đau, buốt răng.
Răng nhạy cảm là hiện tượng quá cảm ngà hoặc triệu chứng ê buốt chân răng, thường gặp ở người trẻ và trung niên. Theo nghiên cứu nha khoa quốc tế tại Đại học Bristol (Anh), cứ ba người thì có một người bị ê buốt răng. Tại Việt Nam, theo báo cáo sức khỏe của công ty nghiên cứu thị trường Ipsos vào tháng 8/2014, 50% người Việt phải từ bỏ sở thích ăn các món nóng, lạnh hoặc chua vì ê buốt răng.
Những bà nội trợ hay các siêu đầu bếp thường phải nêm nếm thức ăn hàng ngày. Vì vậy, ê buốt răng gây khó chịu và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống cũng như công việc.
Mặc dù có ảnh hưởng nhưng nhiều người chủ quan cho rằng ê buốt răng có thể tự khỏi mà không cần chữa trị. Tuy nhiên, cần thăm khám nha sĩ và có các biện pháp phòng ngừa, điều trị để thể thưởng thức các món ăn một cách ngon miệng.
Để giảm hiện tượng ê buốt răng, việc đầu tiên bạn nên suy nghĩ về việc sử dụng kem đánh răng chuyên dụng dành cho răng nhạy cảm. Bên cạnh đó, không đánh răng ngay sau khi thưởng thức các món ăn hoặc đồ uống có nhiều acid như nước có ga, rượu, nước trái cây… để tránh bào mòn men răng. Chải răng nhẹ nhàng bằng bàn chải lông mềm; chải răng quá mạnh khiến men răng hư tổn nhanh chóng.
Súc miệng nước muối là một trong những phương pháp hiệu quả nhất chữa răng ê buốt, đồng thời loại bỏ các vi khuẩn gây hại cho răng miệng một cách hiệu quả. Ngoài ra, bạn có thể ngậm một số loại dầu, gel từ thiên nhiên để hỗ trợ việc giảm ê buốt răng.
Tinh chất dầu đinh hương có tính kháng nấm và kháng khuẩn tự nhiên, chữa răng bị ê buốt và có tác dụng đối với các vấn đề răng miệng khác. Súc miệng bằng baking soda pha với nước cũng giúp cân bằng độ pH và làm giảm sự nhạy cảm cho răng. Dầu mè cũng làm giảm triệu chứng răng ê buốt, đồng thời giúp tiêu diệt các vi khuẩn và làm giảm đau răng. Bạn có thể dùng gel lô hội bôi vào phần răng ê buốt để đối phó với triệu chứng khó chịu này.
Bên cạnh đó, bạn có thể dùng tỏi hay hành chà sát lên răng. Tỏi có chứa florua, allicin giúp lớp ngà răng được phục hồi và bảo vệ chống lại những kích thích từ bên ngoài như đồ lạnh, cay… Hành tây có tính chất kháng viêm, giảm ê buốt đáng kể. Chỉ cần chà xát 1 miếng hành tây hay tỏi thái lát lên răng bị ê buốt, triệu chứng sẽ giảm đi đáng kể. Chà xát hành, tỏi sống vào răng trong ba phút, làm ba lần một ngày để đạt được hiệu quả nhanh chóng.
Bạn cũng cần kiểm tra nha khoa định kỳ để sớm phát hiện răng nhạy cảm. Nếu cảm thấy răng ê buốt khi ăn thực phẩm lạnh, chua hay nóng, bạn nên thăm khám bác sĩ nha khoa ngay để được chẩn đoán. Tránh thói quen nghiến răng và yêu cầu bác sĩ nha khoa cung cấp công cụ bảo vệ răng chuyên dụng về đêm.