Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh là nội dung có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển kinh tế-xã hội đặc biệt trong giai đoạn đất nước hội nhập sâu. Ý thức được điều này, liên tục các năm từ 2014-2017 Chính phủ đã ban hành, sửa đổi Nghị quyết 19 với các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để Việt Nam trở thành miền đất hứa cho doanh nghiệp.
Ảnh minh họa.
Đã có hàng nghìn thủ tục hành chính(TTHC) được cắt bỏ sau khi thực hiện các Nghị quyết 19, điều này giúp Việt Nam tăng 3 bậc trong bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh năm 2016(số liệu của Ngân hàng Thế giới khảo sát nghiên cứu). Theo Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam đứng thứ 56 trên bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu giai đoạn 2015 – 2016, tăng 12 bậc trong giai đoạn 2014-2015. Đáng chú ý, chỉ số cạnh tranh của cơ sở hạ tầng giao thông Việt Nam tăng tới 9 bậc, từ vị trí thứ 76 trong giai đoạn 2014 – 2015 lên vị trí 67 giai đoạn 2015-2016.
Dù đạt được những kết quả bước đầu như vậy nhưng vẫn còn nhiều bộ, ngành địa phương chưa tích cực triển khai và thực hiện nghiêm theo tinh thần của Nghị quyết 19. Do đó, môi trường đầu tư, kinh doanh của nước ta tuy có được cải thiện, nhưng vẫn còn thấp cả về thứ hạng và điểm số so với yêu cầu đặt ra. Vẫn còn tình trạng DN phải chịu những loại chi phí không kiểm soát được như chi phí bôi trơn chiếm tới 0,72-1% lợi nhuận… Đặc biệt so với các quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á, khoảng cách giữa các chỉ số về năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn còn khá xa.
Để xảy ra tình trạng này theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung vẫn còn sự thờ ơ của không ít bộ, ngành, địa phương. “Tôi hy vọng vấn đề này sẽ được khắc phục, với cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc xóa bỏ những rào cản, sự thờ ơ, trì trệ sẽ dần mất đi và thay vào đó là sự tích cực, chủ động, phục vụ tốt cho DN” – ông Cũng nói.
Đánh giá về Nghị quyết 19 vừa được ban hành, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng: “Đã không còn những nhiệm vụ mang tính chất chung chung, khẩu hiệu mà đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành”. Chẳng hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 8 nhiệm vụ, Bộ Công thương có 10 nhiệm vụ, Bộ Tài chính có 6 nhiệm vụ…Những nhiệm vụ như thế gắn với cải cách những văn bản pháp luật cụ thể được thực tế kiểm nghiệm cho thấy đã gây nên những khó khăn, phiền hà, phí tổn, rủi ro cho DN. Do đó, Nghị quyết đã đưa ra nhiều giải pháp căn cơ để thanh toán những “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển.
Chẳng hạn, để thực đạt được những mục tiêu trong Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả cải thiện các chỉ số theo phân công và tập trung chỉ đạo thực hiện xây dựng Chương trình, Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19-2017/NQ-CP, trong đó xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và tiến độ thực hiện đối với từng nhiệm vụ gắn với từng chỉ số được phân công.
Vấn đề cải thiện thứ hạng và điểm số của các chỉ số “Khởi sự kinh doanh” cũng được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, giám sát đảm bảo thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật. Đặc biệt, phải cải thiện điểm số của các chỉ số Khởi sự kinh doanh, Bảo vệ nhà đầu tư, theo dõi, đánh giá về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh cũng như kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi quy định chứng nhận quản lý chất lượng không phù hợp. Đây là điều không chỉ DN mới thành lập mà tất cả các DN đều mong muốn.
Nghị quyết cũng nêu rõ, “Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế… rà soát, bãi bỏ hoặc kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi các quy định chứng nhận hợp quy, quản lý chất lượng không phù hợp với Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá và Luật An toàn thực phẩm theo hướng bãi bỏ các TTHC không cần thiết, giảm thiểu thời gian xử lý về TTHC đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu, tăng cường hậu kiểm”. Thông thoáng thủ tục, tăng hậu kiểm là vấn đề nhiều DN trông đợi để tránh tình trạng cả đoàn dài xe chở hàng hóa chờ thông quan vì “thủ tục yêu cầu thế” cũng như cán bộ có biểu hiện “hành DN là chính”.
Điều mới hơn cả là Nghị quyết đã đề cập đến vấn đề nâng cao công tác phản biện chính sách để thực thi chính sách hiệu quả hơn. “Văn phòng Chính phủ nâng cao hiệu quả hoạt động của diễn đàn tiếp nhận các ý kiến phản biện chính sách của DN và người dân tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tăng cường tổ chức Đoàn kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết”. Tăng phản biện, giám sát của người dân và DN đây là điều kiện quan trọng để Nghị quyết dễ dàng vào cuộc sống.
“Với việc quy trách nhiệm rõ ràng, chúng tôi kỳ vọng một sự thay đổi có tính chất bước ngoặt trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh” - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nhận định. Ông Vũ Tiến Lộc cũng đề nghị Chính phủ cần xây dựng lộ trình cải cách thể chế và tăng cường kỷ luật thực thi cho cả nhiệm kỳ 5 năm với những mục tiêu, khung thời gian và quy trách nhiệm cụ thể cho từng thủ trưởng các bộ, ban ngành và địa phương. Việc tăng cường giám sát sẽ tạo áp lực giúp bảo đảm kỷ luật thực thi trong các cơ quan Chính phủ và các cấp chính quyền, khép lại khoảng cách giữa lời nói và việc làm, giữa nghị quyết và cuộc sống.
Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa việc thực hiện nghị quyết, nhiều ý kiến cho rằng, cần xử lý nghiêm người đứng đầu gây phiền hà cho người dân và DN. Đặc biệt cần thiết lập một hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý kiến nghị và kết quả giải quyết TTHC cũng sẽ được thiết lập để người dân và DN đánh giá, phản ảnh về chính sách, TTHC và việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết TTHC.
Cuối cùng, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nhiệm vụ dài hạn cần được tiến hành không ngừng nghỉ. Những quyết tâm ở cấp Trung ương phải được lan tỏa tới tất cả các cấp địa phương tránh cho được tình trạng “trên bảo dưới không nghe”… làm ảnh hưởng đến hình ảnh môi trường đầu tư của Việt Nam.