Đình Nhật Tảo, đình Thượng Cát, đình Hoàng, chùa Vẽ, các đền thờ danh nhân… đều nằm trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Không chỉ vậy, địa phương còn giữ được nhiều làng nghề thủ công truyền thống như nghề làm giò chả xã Thượng Cát, làng nghề sản xuất mứt Xuân Đỉnh, cùng các phong tục tập quán, tri thức dân gian phong phú.
Đây là những tài nguyên và nguồn lực văn hóa vô cùng quý báu, trở thành động lực, góp phần tạo đột phá cho phát triển kinh tế du lịch của địa phương.
Theo TS Bùi Văn Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Hà Nội học, nằm ở phía Tây kinh đô Thăng Long, tiếp giáp với sông Hồng, từ chiều sâu lịch sử văn hóa, Từ Liêm đã có sự giao thoa, ảnh hưởng mạnh mẽ nhiều giá trị văn hóa của người Thăng Long. Những làng cổ hình thành ven sông đã tiếp giao các đặc trưng văn hóa của xứ Đoài mà Sơn Tây - Ba Vì là vùng lõi, vừa thu nhận những giá trị văn hóa tiêu biểu, truyền thống văn hiến của đất kinh kỳ.
“Bắc Từ Liêm cũng là nơi hình thành nhiều làng nghề thủ công tiêu biểu, phản ánh nét tài hoa, khéo léo của con người. Với nét đẹp văn hóa kết tinh ven dòng chảy của sông Hồng, hội tụ nhiều giá trị văn hiến của kinh đô Thăng Long, đây là vùng đất có nhiều điều kiện thuận lợi để bảo tồn, lưu giữ, phát huy và kết nối chuỗi giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch” - ông Tuấn chia sẻ.
Từng có một thời, chỉ cần bước đến cổng làng Xuân Đỉnh, người ta đã ngửi thấy hương thơm thoang thoảng cay nồng của mứt gừng, ngọt thanh của mứt sen, mứt bí hay vị chua dịu của mứt quất… Còn bây giờ làng Xuân Đỉnh đang tấp nập vào mùa bánh trung thu. Cuộc sống thay đổi, phố phường đổi thay, nhưng cái nghề truyền thống của làng bao đời nay vẫn được gìn giữ, trao truyền.
Theo nguồn thư tịch được lưu giữ ở làng Chèm (phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm) thì làng có nghề làm giò chả từ thế kỷ X. Các bậc cao niên trong làng kể lại, vào thời vua Tự Đức (1829 - 1883), cụ Phát, một nghệ nhân của làng được vời vào kinh đô để làm giò, chả dâng vua. Nhờ tay nghề giỏi cùng món ăn đặc biệt, cụ đã được vua ban hàm Cửu phẩm. Và cũng kể từ đó, nghề làm giò chả được các thế hệ ở làng Chèm giữ gìn suốt hơn 10 thế kỷ qua. Nhiều hộ gia đình trong làng tâm niệm rằng, gìn giữ được tinh hoa của nghề tức là giữ được hồn cốt của làng, giữ được cái nghề cho con cháu…
Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng hiện nay, việc khai thác các tài nguyên du lịch văn hóa nói chung và giá trị di sản văn hóa nói riêng cho phát triển du lịch trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm hiện còn gặp nhiều khó khăn cả về cơ chế tổ chức và triển khai, phát triển sản phẩm cũng như thị trường. Thêm vào đó, sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp địa phương trong các hoạt động du lịch, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và khai thác di sản văn hóa cho phát triển du lịch cũng hạn chế.
Về vấn đề này, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam Phạm Lan Oanh cho rằng, di sản văn hóa trên địa bàn quận, đặc biệt là các di tích và lễ hội không chỉ là phần quan trọng của di sản quốc gia, mà còn là nguồn tài nguyên quý giá để phát triển kinh tế du lịch. Bắc Từ Liêm đang trong giai đoạn đô thị hóa và gia tăng dân số nhanh. Điều này đặt ra thách thức đối với bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, vì vậy cần phải xây dựng và thực hiện các kế hoạch bảo tồn toàn diện, cùng việc huy động nguồn lực, nâng cao nhận thức cộng đồng.
Có ý kiến cho rằng, Bắc Từ Liêm có nét tương đồng với làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) nên hoàn toàn có thể đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng. Du khách đến đây có thể tham quan các di sản văn hóa như đình Chèm, đình Đông Ngạc, chùa Chèm; thưởng thức ẩm thực đặc sản giò Chèm, nem Vẽ; trải nghiệm trồng và chăm sóc hoa ở Tây Tựu; hóa thân thành học trò/sĩ tử thời xưa ở làng Đông Ngạc, đạp xe quanh làng cổ…
Còn theo TS Lê Thị Thu Hương - Trưởng khoa Văn hóa du lịch (Trường Đại học Thủ đô), cần xác định những giá trị cốt lõi để hình thành không gian lịch sử văn hóa của quận; đồng thời khai thác tốt tuyến sông Hồng chảy qua địa phận của quận, kết nối với các địa phương bên cạnh để hình thành tour du lịch đường sông đặc sắc.