Bên cạnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương cần tích cực triển khai các gói hỗ trợ cho người dân. Vì rằng, một bộ phận rất lớn người dân nghèo, cận nghèo, người lao động sẽ rơi vào cảnh rất khó khăn do không có thu nhập hàng ngày.
Khẩn trương rà soát, đề xuất hướng hỗ trợ
Hiện các tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang tiến hành rà soát các đối tượng người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để tiến hành hỗ trợ người dân, theo gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ. Tuy nhiên tiến trình thực hiện tương đối chậm, đặc biệt là khi thực hiện công tác phòng, chống dịch theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 với nhiều tình huống mới đặt ra.
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) thành phố Cần Thơ, hiện các quận, huyện đang khẩn trương rà soát các đối tượng được hỗ trợ để báo cáo về Sở trước ngày 20/7, sau đó Sở sẽ đề xuất hướng hỗ trợ kịp thời.
Sở LĐTB&XH Cần Thơ cho biết đã dự thảo văn bản xác định tiêu chí, đối tượng, mức tiền hỗ trợ và trình tự, thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người lao động không có hợp đồng lao động (lao động tự do) và các đối tượng đặc thù khác và tổ chức cuộc họp, gửi văn bản lấy ý kiến đóng góp của các sở, ngành cấp thành phố và các quận, huyện.
Để giảm thiểu thủ tục, thuận lợi cho người được hưởng chính sách hỗ trợ Sở LĐTB&XH Cần Thơ đưa ra hình thức nộp trực tuyến các thủ tục qua cổng dịch vụ công quốc gia hay gửi qua bưu điện... vừa nhanh gọn tiện lợi lại đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch.
Bên cạnh việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ, các địa phương cũng chủ động, huy động các nguồn lực của địa phương để kịp thời hỗ trợ, chăm lo cho người nghèo chống chọi với đợt dịch.
Sau khi có thông báo ngừng bán vé số 15 ngày (từ 9 đến 23/7), Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh Sóc Trăng đã gửi tờ trình lên UBND tỉnh này về việc xem xét hỗ trợ cho người bán vé số dạo đảm bảo ổn định cuộc sống. Hiện, toàn tỉnh Sóc Trăng có khoảng 6.300 người bán vé số dạo.
Tổng số tiền dự kiến hỗ trợ cho người bán vé số dạo đợt này khoảng 5,6 tỷ đồng. Trong năm 2020, doanh nghiệp này cũng đã hỗ trợ trên 6,2 tỷ đồng cho những người bán vé số dạo mất thu nhập do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.
Theo ông Lê Văn Khanh, Chủ tịch Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh Sóc Trăng, mức hỗ trợ người bán vé số dạo được doanh nghiệp đề xuất là 60.000 đồng/ngày. Mặt trận Tổ quốc các cấp sẽ làm cầu nối, giúp doanh nghiệp rà soát, thống kê số lượng người bán vé số dạo để việc hỗ trợ đảm bảo đúng, đủ.
Ngày 16/7, UBND tỉnh Đồng Tháp đã thống nhất chủ trương hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh do thực hiện cách ly xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Theo số liệu thống kê, tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp là 30.576 hộ với 110.577 nhân khẩu.
Mức hỗ trợ là 15 kg gạo/người/tháng. Tổng kinh phí hỗ trợ là 24,8 tỉ đồng từ ngân sách địa phương theo phân cấp ngân sách hiện hành. Tỉnh giao UBND các huyện, thành phố khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện việc hỗ trợ các trường hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn theo đúng quy định trong tháng 7 này.
Ngoài ra, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng thống nhất cho Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Đồng Tháp được hỗ trợ người bán vé số trên địa bàn tỉnh tạm ngưng bán do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 từ ngày 12/7. Số lượng người bán vé số bị ảnh hưởng là 8.600 người. Mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người, tổng kinh phí khoảng 12,9 tỷ đồng.
Ở Cà Mau, Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh Cà Mau cũng vừa có tờ trình đến UBND tỉnh để triển khai sớm nhất gói hỗ trợ cho khoảng 3.000 người bán vé số dạo. Với gói hỗ trợ cho người bán vé số, lao động tự do không hợp đồng, các sở, ngành của tỉnh đã thống nhất mức hỗ trợ 50.000 đồng/người, chi hỗ trợ một lần cho 15 ngày, tức mỗi người sẽ được nhận 750.000 đồng.
Nhiều hoạt động hỗ trợ, mô hình “0” đồng
Với tinh thần “tương thân tương ái” của bà con nhân dân và quyết tâm đẩy lùi dịch Covid-19, ngoài các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Chính phủ và chính quyền các cấp, ghi nhận của phóng viên những ngày qua, tại các tỉnh miền Tây đã nở rộ và lan tỏa những mô hình, hoạt động và những tấm lòng thiện nguyện đóng góp hỗ trợ người dân gặp khó khăn vượt qua đại dịch.
Cảm kích và xúc động trước những hình ảnh đẹp của các cán bộ y tế, chiến sĩ quân đội, công an, thanh niên tình nguyện... những người sẵn sàng có mặt ở tuyến đầu tại chốt kiểm dịch vì dân quên mình với những giấc ngủ vội giữa giờ giao ca tuần tra, canh gác, giữa cái nắng oi bức của mùa hè...để góp phần dập dịch, tất cả vì bình yên của nhân dân.
Hình ảnh cả chục chiếc xe tải với chương trình “Hạt gạo nghĩa tình với nhân dân” của lực lượng Công an tỉnh An Giang xuyên màn đêm ngày 16/7 kịp vận chuyển 110 tấn gạo, rau củ quả, nhu yếu phẩm xuống các địa phương để kịp thời hỗ cho người dân gặp hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn.
Tại Cần Thơ, chúng tôi cảm thấy ấm lòng khi nhiều tuyến phố, đoạn đường xuất hiện những phần quà được gói sẵn xếp ngay ngắn để ở ven đường không có người trông coi, trên những phần quà là các tấm biển ghi “miễn phí”, “biếu, tặng”…hay những giỏ hàng thực phẩm như rau củ quả, muối mì gói, đường với giá “O đồng”, nhiều quán cơm nghĩa tình hỗ trợ rất nhiều trường hợp khó khăn.
Với mong muốn “cho đi là hạnh phúc, chia sẻ là niềm vui”, phiên chợ “0 đồng” xuất hiện đầu tiên ở quận Ninh Kiều, chưa đầy 1 tuần đã có mặt ở hầu hết các quận, huyện thành phố Cần Thơ như quận Cái Răng, Ninh Kiều, huyện Phong Điền… Mọi người ai có gì thì đem đến phiên chợ chia sẻ cho những người không có, trên tinh thần đùm bọc và san sẻ lẫn nhau lúc khó khăn.
Theo Sở LĐTB&XH tỉnh, trong 2 ngày 17 và 18/7 toàn tỉnh đã có 2.693/3.180 người bán vé số dạo được nhận hỗ trợ với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng. Mỗi người bán vé số dạo trên địa bàn tỉnh Cà Mau sẽ được hỗ trợ 50.000 đồng/ngày trong vòng 15 ngày. Như vậy, số tiền mà một người bán vé số dạo được nhận đợt này là 750.000 đồng/người. Tại Cần Thơ, mỗi người bán vé số dạo sẽ nhận được 1,2 triệu đồng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Tổng số tiền dự kiến cấp phát cho hơn 5.000 người bán vé số dạo tại Cần Thơ là trên 6 tỷ đồng. Tại Kiên Giang, theo kế hoạch, có khoảng 45.000 người được hỗ trợ với tổng kinh phí 67,5 tỷ đồng (1,5 triệu đồng/người).