Miền Trung nhanh chóng khắc phục thiệt hại do bão số 3

Tấn Thành 15/09/2015 23:44

Sáng 15/9, các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi, nhất là các khu vực ven biển tích cực khắc phục những hậu quả do bão số 3 và mưa lớn gây ra. Trong đó chú trọng cứu hộ các tàu cá bị nạn, nhất là tại Quảng Nam bà con nông dân đang khẩn trương thu hoạch 1.304 ha lúa để chạy lũ.

Nhiều tàu bị nạn

Theo báo cáo nhanh của Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6h ngày 15/9, có 5 tàu bị chìm ở vùng biển Đà Nẵng. Tuy nhiên qua tìm hiểu, xác minh của phóng viên Đại Đoàn Kết thì đã có ít nhất 7 tàu các bị chìm và nhiều tàu bị chất máy đã và đang được cứu hộ.

Tại Quảng Nam, tàu cá mang số hiệu QNa 90208 của ông Trần Công Tăng, 40 tuổi, trú Tam Hòa đang neo đậu trú bão trên sông Trường Giang, bị sóng to gió lớn đánh chìm một bên, ngư dân cố gắng cứu tàu nhưng không thành, khoảng 30 phút sau tàu chìm hẳn trước sự bất lực của các ngư dân.

Trong khi đó tại Lý Sơn - Quảng Ngãi, ông Dương Thành Long ở thôn Tây, xã An Hải, chủ tàu cá QNg 96279 TS, công suất trên 245 CV, cho biết: “Tàu của tôi đã neo sát bờ, nhưng gió giật cấp 7, cấp 8 làm đứt toàn bộ dây neo khiến tàu chìm ngay. Anh em đã cố gắng tìm cách cứu tàu nhưng bất thành con tàu tiền tỷ bị sóng biển nhấn chìm”.

Ngoài ra sáng 15/9, Chi cục Phòng chống thiên tai Khu vực miền Trung và Tây Nguyên cho biết, tàu cá BĐ 91052 TS với 13 lao động do ông Lê Văn Cu làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng, bị hỏng máy, thả trôi đã được tàu cá BĐ 91347 TS và BĐ 91013 TS phát hiện đang lai dắt về cảng Quy Nhơn…

Khẩn trương gặt lúa, nhổ khoai… chạy lũ

Ông Huỳnh Tấn Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam cho biết: “Tổng diện tích lúa chưa thu hoạch trên địa bàn tỉnh là 1.304ha, hiện các địa phương đang tích cực động viên và giúp đỡ bà con nông dân khẩn trương thu hoạch”.

Tại cánh đồng thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, dù nước ngập sâu nhưng ông Nguyễn Ngọc Nhân vẫn thuê người thu hoạch lúa và cho biết: “Biết bão vào hôm qua đến giờ thuê người thu hoạch lúa được chút nào nhờ chút đó nhưng chưa xong. Sợ nhất là mưa to, lũ lớn đổ xuống là coi như trắng tay”.

Không chỉ có lúa mà các cây lương thực và hải sản cũng bị thiệt hại nặng. Như tại xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ người dân đang tích cực thu hoạch sắn cho dù củ sắn còn rất nhỏ.

Ông Nguyễn Thạnh - người dân địa phương cho biết: “3 sào sắn của gia đình tôi còn gần 1 tháng nữa mới thu hoạch, nhưng hôm qua đến giờ phải huy động người nhổ vì lụt xuống đất lầy là khoai thối”. Đó cũng là tình cảnh chung của bà con nơi đây.

Trong khi đó, tại Lý Sơn, bà con nuôi thủy sản bị thiệt hại nặng, hàng chục lồng bè nuôi tôm hùm bị hư hại, ước thiệt hại nhiều tỷ đồng. Một số hộ bị thiệt hại nặng như hộ Nguyễn Thạnh (thôn Tây, xã An Vĩnh), toàn bộ 1.200 con tôm hùm hơn 6 tháng tuổi cùng 700 con cá mú hồng trọng lượng trên dưới 1 kg thoát lồng hoặc bị chết, thiệt hại khoảng 600 triệu đồng.

Hộ Trần Hùng thiệt hại hàng trăm triệu đồng, bởi 4 ô nuôi tôm với số lượng trên 150 con tôm sắp cho xuất chuồng bị hư hại vì gió bão. Bên cạnh đó, hàng chục hộ nuôi tôm hùm tại vũng neo trú tàu thuyền cũng bị thiệt hại không nhỏ.

Tại Quảng Nam, ngay trên hồ Phú Ninh cũng đã tranh thủ thu hoạch cá mè bởi lo sợ lũ về gây thiệt hại.

Còn tại Đà Nẵng, theo thống kê của Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng, toàn thành phố có 460 cây xanh ngã đổ. Các địa phương miền núi của Quảng Nam, Quảng Ngãi mưa lớn đã làm sạt lở đường nhiều nơi.

Phòng NN&PTNT huyện Tây Giang, trên địa bàn huyện có gần 30 điểm sạt lở lớn nhỏ dọc trên các tuyến đường dân sinh, đường biên giới với gần 2.300m3 đất đá tràn xuống mặt đường. Bờ biển Cửa Đại cũng bị sóng biển đánh tan tành, nhiều nơi bị xói lở rất nặng.

Ngư dân tìm cách cứu tàu cá bị chìm.

Cảnh báo mưa lớn, lũ quét

Để khắc phục sự cố sạt lở đất, lưu thông các tuyến đường dân sinh ông Nguyễn Văn Phú - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Giang cho biết, chính quyền địa phương huy động lực lượng tại chỗ khắc phục tạm thời, nhằm đảm bảo việc đi lại của người dân.

Bà Phạm Thị Hương – Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, sau kiểm tra, thống kê thiệt hại địa phương sẽ nhanh chóng hỗ trợ các hộ bị thiệt hại để giúp người dân ổn định cuộc sống và sản xuất.

Còn tại Đà Nẵng, theo ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng, tổng lượng rác sau bão khoảng 2.000 tấn, sáng 15/9 chúng tôi đã huy động khoảng 1.000 công nhân và toàn bộ phương tiện kỹ thuật của đơn vị đi tổng dọn vệ sinh môi trường.

Hiện các địa phương đã thành lập nhiều đoàn đi kiểm tra và thống kê thiệt hại, khẩn trương khắc phục hậu quả và sẵn sàng các phương án để đối phó với mưa lớn xảy ra.

Bởi theo Chi cục Phòng chống thiên tai Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, trong đất liền do ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ ngày 15 đến 18/9 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Trong đợt lũ này, mực nước trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và khu vực Bắc Tây Nguyên có khả năng từ mức báo động 1 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3.

Các địa phương cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng vùng trũng tại các tỉnh trên. Cùng với đó là cảnh báo mưa giông, gió mạnh và sóng lớn trên biển.

Ở miền Trung bao giờ cũng vậy, cứ sau khi gồng mình chống chọi với bão thì liền kề sau đó người dân lại phải gồng mình chống lũ dữ. Đối phó với bão lớn, lũ dữ là việc vô cùng gian nan, chính vì thế mà các địa phương không hề lơ là trong công tác phòng chống lụt bão - TKCN trước và sau bão, chỉ có như vậy mới hạn chế tối đa những thiệt hại cho lũ bão gây ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Miền Trung nhanh chóng khắc phục thiệt hại do bão số 3