Đó là vấn đề được PGS.TS Nguyễn Văn Sánh - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, Đại học Cần Thơ kiến nghị tại Hội nghị hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch giữa Đồng bằng sông Cửu Long với TP Hà Nội và các tỉnh phía Bắc do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và UBND TP Hà Nội tổ chức chiều 26/5.
Vấn đề được nhiều ĐB quan tâm chính là việc Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có nhiều thế mạnh, lợi thế trong phát triển kinh tế song lại chưa thu hút được đầu tư. Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long với 13 tỉnh có một vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước bao gồm các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, nông sản.
Trong đó lúa gạo đóng góp 90% xuất khẩu; trái cây đóng góp 70% xuất khẩu; 40% hải sản đánh bắt và hơn 74% lượng thủy sản nuôi của cả nước góp phần đưa xuất khẩu gạo của Việt Nam đứng vị trí thứ hai trên thế giới và là quốc gia xuất khẩu mạnh về thủy sản.
Tuy nhiên theo ông Việt, dù với nhiều lợi thế về thiên nhiên, khí hậu, thời gian qua vùng cũng có nhiều bước tiến đáng kể song vẫn đang còn những tồn tại như: đầu tư còn dàn trải, chưa hiệu quả, thiếu tính liên kết vùng, đặc biệt là vùng có nhiều tiềm năng lợi thế song thu hút nguồn vốn ODA từ năm 1993 cho đến nay chỉ chiếm 6,77% cả nước.
Cho rằng “vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm về quốc phòng - an ninh, kinh tế-xã hội, là cửa ngõ và hành lang kinh tế của 3 nước lân cận Lào, Campuchia, Thái Lan”, ông Nguyễn Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói: “Là vùng có khí hậu và tài nguyên thiên nhiên phong phú nên có đủ điều kiện để phát triển kinh tế song trong những năm qua chưa thu hút được đầu tư. Nguyên nhân là do thiếu cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các hạ tầng để đối phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt chưa có tiềm lực tốt để thu hút các nhà đầu tư có tính chiến lược”.
Nói về giải pháp, ông Hiếu đề nghị, cần ban hành cơ chế chính sách đặc thù, cần triển khai mạnh mẽ tăng cường hợp tác với các vùng ven cạnh để thu hút đầu tư, sẽ cần các quy hoạch ngắn hạn và trung hạn, quy hoạch vùng vào năm 2017. Ông Hiếu cũng đề nghị đưa các dự án kết cấu hạ tầng có tính chiến lược vào danh mục các dự án BOT, BT để kêu gọi đầu tư, thí điểm hỗ trợ địa phương quy hoạch các dự án trọng điểm ngành cũng như ưu tiên cho các dự án để thu hút đầu tư như hệ thống kho cảng logistis.
Ở góc độ khác, PGS.TS Nguyễn Văn Sánh cho rằng, cần biến thách thức thành cơ hội để kinh doanh qua chính sách liên kết vùng. Theo đó cơ chế tổ chức và chính sách thực hiện thí điểm liên kết vùng cần quan tâm ưu tiên các sản phẩm chủ lực vùng, du lịch, phát triển xanh và phát triển kinh tế biển. “Thông tin minh bạch về quy hoạch và chính sách đầu tư, chính quyền thân thiện là các yếu tố quan trọng kêu gọi đầu tư vào vùng Đồng bằng sông Cửu Long”- ông Sánh kiến nghị.