Dù đã bước vào thời điểm chính vụ của năm nhưng không khí vụ nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khá trầm lắng, người nuôi vẫn thấp thỏm trước những khó khăn bủa vây.
Chi phí nuôi tôm đang ở mức rất cao
Ông Đặng Công Trịnh ở ấp 16 (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) cho biết: Giá cả vật tư như điện, xăng dầu, thức ăn, vật tư nuôi tôm… hiện đồng loạt tăng giá, ảnh hưởng lớn tới hiệu quả lợi nhuận cho người nuôi tôm, nhất là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh. Ông Trịnh tính toán, để sản xuất ra 1 kg tôm chỉ tính riêng phần thức ăn phải ngốn hết 60 - 70 ngàn đồng chưa tính tiền thuốc vi sinh, khoáng, tiền điện cũng tăng giá mỗi tháng lên 3 - 4 triệu đồng một tháng, 1kg tôm phải cõng tất cả chi phí.
Anh Long Văn Nghĩa, hộ nuôi tôm công nghệ cao xã Vĩnh Hậu (huyện Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu) dẫn chứng thức ăn cho tôm loại 40 đạm, mua qua đại lý giá 40 ngàn đồng/kg, trong khi mua trực tiếp từ nhà máy chỉ 27 đến 28 ngàn đồng/kg, tức mỗi tấn thức ăn mua qua đại lý cao hơn 12 đến 13 triệu đồng. Theo tính toán của anh Nghĩa, với quy mô diện tích nuôi thực tế của trang trại anh là 260.000 m2, nếu mua thức ăn tôm trực tiếp từ nhà máy mỗi vụ nuôi chi phí cao hơn khoảng 9 tỷ đồng còn mua qua đại lý, mỗi vụ nuôi chi phí đội lên thêm 3 tỷ đồng so với mua trực tiếp từ nhà máy.
“Giai đoạn hiện tại, tôm nuôi loại 30 con/kg khi bán ra thị trường khoảng 150 ngàn đồng/kg, loại 50 con có giá 132 ngàn đồng/kg, loại 100 con có giá 95 ngàn đồng/kg, trong khi chi phí đầu tư để được 1 kg tôm mất khoảng 80 ngàn - 120 ngàn đồng/kg tùy theo người nuôi. Trừ hết chi phí nuôi trong 3-4 tháng này, người nuôi không còn lãi” - anh Nghĩa lý giải cái khó của người nuôi tôm đang đối mặt.
Thực tế cho thấy, giá thức ăn cho tôm ở Việt Nam thường cao hơn so với các nước khác, do phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Theo ông Phạm Hoàng Minh - Giám đốc Ban Quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm tỉnh Bạc Liêu: Thức ăn cho tôm của Việt Nam phần lớn bị các tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại châu Á chi phối, như: CP Việt Nam (CP Foods, Thái Lan), Grobest Việt Nam (Ðài Loan), Sheng Long Biotech (công ty con của Guangdong Haid, Trung Quốc), Uni-President (Ðài Loan) và Evergreen (Trung Quốc). Qua thống kê cho thấy, tổng lượng cung hằng năm cho tôm ước khoảng trên 1 triệu tấn các loại, được các công ty thiết lập hệ thống phân phối đến tận tay người nuôi (thông thường phải qua ít nhất 2 cấp đại lý). Vì vậy, giá bán đến người tiêu dùng chênh lệch so với giá xuất xưởng từ 20-30%. Ðây chính là nguyên nhân làm cho giá thành sản xuất con tôm của nông dân Việt Nam tăng cao so với các nước khác.
Tái cấu trúc chuỗi giá trị theo hướng bền vững, mở rộng thị trường
Ông Tạ Hoàng Nhiệm - Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bạc Liêu, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh nuôi tôm công nghệ cao cho rằng: Muốn giải bài toán giá thành, giúp nông dân, giảm chi phí, tăng lợi nhuận và chủ động tạo ra năng lực cạnh tranh rất cần những chính sách quản lý vĩ mô, sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ cùng các bộ, ngành. Đơn cử về vấn đề nguồn vốn chính là rào cản lớn nhất ngăn chặn sự phát triển của mô hình nuôi tôm công nghệ cao do phần lớn người nuôi tôm thiếu vốn, nhưng lại khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng do không đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn.
Cùng với chi phí tăng cao, nhưng việc áp dụng mức thuế đối ứng 46% đối với hàng hoá từ Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ mặc dù chưa diễn ra, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề trong việc ứng phó với các kịch bản xấu, nếu như mức thuế sau 90 ngày đàm phán không giảm hoặc giảm không nhiều.
Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau Nguyễn Chí Thiện thông tin, hiện nay Mỹ tạm hoãn áp thuế, song để vượt qua thách thức, trước rủi ro về những rào cản thương mại, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tập trung vào các giải pháp sản xuất có hiệu quả hơn, tuân thủ lịch thời vụ, khuyến cáo người tôm nuôi theo hướng bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường tạo ra giá trị cao phục vụ cho thị trường xuất khẩu; tìm kiếm mở rộng thị trường, tăng cường xúc tiến thương mại đa dạng hóa thị trường không phụ thuộc vào một vài thị trường truyền thống; tập trung đầu tư chế biến sâu và xây dựng thương hiệu “Tôm Việt” gắn với chất lượng, bền vững và minh bạch”. Các doanh nghiệp cầnđẩy mạnh khai thác các hiệp định thương mại tự do FTA như: EVFTA, CPTPP, RCEP… mở rộng các thị trường tiềm năng có nhu cầu tiêu thụ tôm lớn như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Châu Âu... để bù đắp cho các đơn hàng ở thị trường Mỹ nếu mức thế đối ứng không được thay đổi theo hướng mà doanh nghiệp kỳ vọng khi qua mốc thời gian 90 ngày hoãn áp thuế.
Đã đến lúc cần cuộc cách mạng trong tái cơ cấu mô hình tăng trưởng cho ngành tôm. Tái cấu trúc chuỗi giá trị theo hướng bền vững và công nghệ hóa. Đẩy mạnh liên kết các hộ nuôi nhỏ lẻ thành hợp tác xã kiểu mới, hỗ trợ vốn, kỹ thuật và kết nối trực tiếp với doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu và mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên chỉ khi chi phí nuôi tôm giảm thì ngành tôm mới phát triển bền vững, lâu dài.
Ông Tạ Hoàng Nhiệm - Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bạc Liêu, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh nuôi tôm công nghệ cao cho rằng, cần sự trợ lực từ nguồn vốn tín dụng nhà nước để giảm bớt khó khăn cho người nuôi tôm không quá phụ thuộc vào đại lý thức ăn cũng là cách kéo giảm chi phí tăng lợi nhuận tăng sức cạnh tranh của con tôm với các nước khác.