Phát biểu tại phiên họp ĐBQH chuyên trách hồi cuối tuần qua, ông Bùi Văn Phương- Phó đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình, khi bàn về Luật Phòng, chống tham nhũng đã bày tỏ băn khoăn đến việc thực hiện yêu cầu công khai, minh bạch.
Cần công khai đầu tư những công trình xây dựng lớn.
Quy hoạch đã có chủ mà không ai biết
Điều ĐBQH này băn khoăn không phải không có lý, vì dù rằng, hiện nay chúng ta có quy định ở rất nhiều luật nhưng trong quá trình thực thi thì mục công khai dường như quên… thực hiện. “Chúng ta đặt vai trò giám sát của người dân, của các cơ quan báo chí truyền thông nhưng cơ chế công khai không được thực thi thì làm sao biết để lấy ý kiến”- ông Phương nhấn mạnh.
Lấy một ví dụ liên quan câu chuyện quy hoạch, ông Phương cho rằng, khi người ta có quyền làm quy hoạch thì trước khi quyết định quy hoạch, những chỗ nào vị trí quy hoạch họ đã tính toán mua trước rồi. Cũng vì thế mới có chuyện cười ra nước mắt được chính vị ĐBQH tỉnh Ninh Bình nêu lên từ thực trạng của tỉnh ông, đó là: Các doanh nghiệp được lãnh đạo địa phương mời gọi đầu tư, sau khi đi tham quan quy hoạch một số vùng thì rất phấn khởi, muốn đầu tư; nhưng xem trên thực địa là thế mà trong hồ sơ thì các khu đất quy hoạch vừa xem đều đã có chủ. Vấn đề đáng nói ở đây là đến lãnh đạo tỉnh còn không biết nói gì đến báo chí và nhân dân!?
Lại nói chuyện quy hoạch và xây dựng, hiện ở nước ta, ngành xây dựng là một lĩnh vực lớn, hoạt động xây dựng duy trì tăng trưởng khá cao với tốc độ 8,7% so với năm 2016, đóng góp 0,54 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung, đứng thứ ba trong số các ngành đóng góp điểm phần trăm vào mức tăng GDP cả nước, lượng vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản chiếm tỷ trọng hơn 70% tổng đầu tư phát triển toàn xã hội và có tầm ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế xã hội đất nước. Chiếm một lượng vốn lớn như vậy nhưng nếu không có sự quản lý chặt chẽ việc thất thoát là rất lớn; thậm chí là thất thoát vốn của Nhà nước trong các công trình.
Về vấn đề này, ông Bùi Văn Phương nêu ý kiến: “Người ta làm một dự án rất đắt đỏ nhưng chỉ có mấy người biết với nhau. Hồ sơ và quyết toán cũng chỉ có mấy người biết, khi xong rồi không ai hỏi gì đến thì toàn bộ hồ sơ đó cập nhật và cất vào tủ, làm sao người dân biết được để có ý kiến. Nếu người dân biết và có ý kiến công trình này làm hết mấy trăm tỷ thì không thể làm được. Trong đó yêu cầu phải công khai, phải đánh giá tác động của dự án đối với kinh tế - xã hội là gì. Rất nhiều dự án gấp cất đi rồi ai biết đâu”.
Cũng liên quan đến chuyện quản lý “cơm áo gạo tiền” của một công trình xây dựng, chính Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh đã nhận định: Quản lý chi phí đầu tư xây dựng và chi phí dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đô thị có vai trò quan trọng trong việc quản lý đầu tư xây dựng và phát triển đô thị, là nhân tố cơ bản liên quan đến hiệu quả đầu tư của dự án đầu tư xây dựng và phát triển đô thị, góp phần chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng, đặc biệt là đối với vốn ngân sách nhà nước (NSNN) và vốn nhà nước ngoài ngân sách, dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Muốn quản lý tốt cần công khai minh bạch
Nhằm quản lý chặt chẽ hơn chi phí xây dựng, chống thất thoát và tiến tới công khai minh bạch giá, phí xây dựng để không còn chuyện hồ sơ, quyết toán cất hộc tủ như ĐBQH nêu, Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) Phạm Văn Khánh cho biết, Bộ này đã hoàn thiện 2 Đề án gồm “Hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật ngành xây dựng” và Đề án “Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng”.
Trong năm 2017 Bộ Xây dựng đã hoàn thiện Đề án “Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng”, trình Thủ tướng Chính phủ và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2038/QĐ-TTg ngày 18/12/2017. “Đề án này hướng đến mục tiêu là phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, nhưng nó cũng góp phần chống thất thoát lãng phí, nó sẽ khắc phục được những tồn tại của hệ thống định mức, cơ chế quản lý. Tạo ra một thị trường, không gian minh bạch đảm bảo tính đúng tính đủ, góp phần nâng cao hiệu quả dự án đầu tư.
Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất và góp phần chống thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng rất hiệu quả”- ông Khánh nêu quan điểm. Theo ông Bùi Văn Phương, với các lĩnh vực nhạy cảm lâu nay không công khai như: Dự án đầu tư công, vấn đề đấu thầu giao đất, khai thác khoáng sản, những thứ nhạy cảm chia chác, “tôi nghĩ cần quy định cụ thể và dẫn chiếu trong luật này, nếu để ở các luật khác phải dẫn chiếu trong Luật Phòng, chống tham nhũng. Ví dụ công khai dự án đầu tư thực hiện theo quy định Luật Đầu tư công, xem Luật Đầu tư công còn những vấn đề gì công khai chưa được phải bổ sung tiếp. Nếu đã quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng rồi mà anh quên không thực hiện công khai, nghĩa là có âm mưu không trong sáng. Công khai để dân biết và được tham gia giám sát”.