Mặc dù đã có chỉ đạo của Chính phủ về việc triển khai hệ thống thu phí không dừng từ cách đây 5 năm, song Bộ GTVT vẫn hết lần này đến lần khác hứa, xin lỗi vì chưa thể xóa bỏ hoàn toàn việc “xé vé”. Điều đó đồng nghĩa với việc thu phí giao thông, nhất là phí BOT sẽ chưa thể minh bạch, còn mờ ảo, tạo những khoảng trống cho nhóm lợi ích hoành hành, kiếm lợi.
Người tham gia giao thông vẫn băn khoăn với cách thu phí mới.
Bất tiện vì thiếu đồng bộ
Mới đây, trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thừa nhận việc chậm triển khai hệ thống thu phí không dừng (ETC) là trách nhiệm của Bộ này, nhưng chỉ xin “rút kinh nghiệm sâu sắc”. Việc “tư lệnh” ngành GTVT diễn mãi điệp khúc xin lỗi rồi hứa, hứa rồi lại xin lỗi không chỉ khiến các đại biểu Quốc hội không hài lòng, mà tạo sự bức xúc trong dư luận xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GTVT không thể mãi rút kinh nghiệm mà cần phải có những giải pháp quyết liệt hơn nhằm minh bạch câu chuyện giá, phí đường bộ vốn lùm xùm trong nhiều năm qua.
Để trả lời cho câu hỏi, vì sao tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng mãi chậm trễ, cần phân tích từ nhiều góc cạnh, tìm hiểu nguyên nhân khách quan, chủ quan. Chẳng hạn, tiếp cận từ phía người sử dụng cũng đã không ít người chưa thích thu phí không dừng. Anh Nguyễn Văn Lâm, người khá thường xuyên đi trên tuyến đường Hà Nội - Phú Thọ cho biết: Khi tìm hiểu về dịch vụ thu phí tự động không dừng, thấy yêu cầu phải nộp tiền trước vào tài khoản để trừ dần khiến anh không thích nên đã không dán thẻ E-tag.
“Không phải tháng nào tôi cũng đi, trong khi lại phải nộp trước tiền khi chưa có nhu cầu sử dụng cũng hơi... ngại. Hơn nữa, nhiều tuyến khác chưa có thu phí không dừng mà vẫn phải trả tiền mặt nên tôi không muốn dán thẻ...” - anh Lâm cho biết.
Tương tự, anh Tuấn chuyên chở hàng chạy đường dài từ Hà Nội đi Nam Định, Ninh Bình cũng không muốn lắp thẻ E-tag với lý do: Dọc tuyến đường không phải trạm BOT nào cũng có trạm thu phí không dừng. Có chăng tại một số trạm có thu phí không dừng thì cũng chỉ có 1 làn xe, chủ yếu chỉ có xe con 4 chỗ, 7 chỗ đi vào, đưa xe chở hàng qua làn đó bất tiện, hoặc không được chấp nhận.
Tại khu vực phía Nam, nhiều người tham gia giao thông cũng phản ánh dù đã dán thẻ E-tag, nhưng do hệ thống đọc thẻ tại các trạm không đồng bộ nên có dán thẻ rồi cũng như không nên họ quyết định không dán thẻ E-tag nữa.
Đơn cử như tỉnh Đồng Nai tồn tại 3 phương thức thu phí đường bộ: Thu phí tự động qua thẻ E-tag do Công ty TNHH thu phí tự động (VETC) phát hành; thu phí tự động qua OBU do Ngân hàng TMCP công thương Việt Nam (VietinBank) phát hành; có trạm lúc thu phí qua OBU, khi lại thu phí qua E-tag và hiện nay thì không chấp nhận thu phí tự động qua bất cứ đơn vị nào mà chỉ thu trực tiếp tiền mặt. Bởi thế mới có chuyện người dân, doanh nghiệp không mặn mà với hình thức thu phí không dừng.
Lấy cớ để chây ì
Việc thiếu đồng bộ hệ thống thu phí tự động khiến người sử dụng không muốn tham gia không chỉ là lý do khách quan, mà còn do ý chí chủ quan của các chủ đầu tư dự án giao thông (cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp BOT), cũng như các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ GTVT, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các chủ đầu tư BOT đương nhiên là không thích minh bạch doanh số thu phí bởi như vậy sẽ bị kiểm soát hoàn toàn không còn “cửa” để nhập nhèm. Và tất nhiên muốn chậm trễ việc minh bạch hóa thì họ phải có lý do, đó là không chấp nhận sự độc quyền vô lý mà Bộ Giao GTVT cho VETC trong việc lắp đặt hệ thống ETC.
Về vấn đề minh bạch, TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhìn nhận: Với hình thức thu phí tự động, chủ đầu tư sẽ ngần ngại, họ sợ việc phải minh bạch nguồn thu, dẫn tới “thất thu”. Bởi thực tế, nếu giữ nguyên hình thức “xé vé”, họ có một số cách, một số phương thức mà giảm bớt đi số tiền thực thu nộp về ngân sách nhà nước, rồi ăn chia lợi ích với nhau. Đó là lý do vì sao khi Kiểm toán Nhà nước vào cuộc kiểm tra thì phát hiện hàng loạt dự án gian lận cả trăm tỷ đồng, nghìn tỷ đồng. Chỉ khi nào thu phí tự động không dừng được thực hiện nghiêm túc thì việc này mới bị xóa bỏ.
Và kiểu thực hiện “nửa nạc nửa mỡ” như hiện nay cũng khiến dư luận đặt câu hỏi về lợi ích nhóm. Tại sao đến thời điểm này vẫn cho tồn tại song song cả thu phí không dừng lẫn xé vé? Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh thẳng thắn cho rằng: Thu kiểu xé vé đếm tiền như hiện nay vẫn có thể xảy ra hiện tượng ăn gian của nhân viên thu vé, hoặc gian lận khi chuyển từ nhân viên về công ty, từ công ty về ngân hàng. Chỉ khi thu phí tự động không dừng, tiền thu được vào tài khoản ngân hàng thì mới minh bạch được số liệu.
Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc NXB Giao thông vận tải: “Hiện, có tình trạng Bộ “đổ lỗi” cho nhà đầu tư BOT. Nhà đầu tư thì “đổ lỗi” cho công nghệ thu phí không dừng và người dân. Dù thu phí tự động hay thủ công thì Bộ GTVT cũng nên lập một hội đồng giám sát thu phí BOT. Đến nay có thể khẳng định, việc chậm triển khai thu phí không dừng là do các đơn vị ngại minh bạch tài chính chứ không phải do bất cứ khó khăn nào...”.
Và theo lẽ đó thì tất nhiên lời hứa của Bộ trưởng Thể là sẽ hoàn thành hệ thống thu phí không dừng vào cuối năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ có lẽ khó mà thành hiện thực. Chắc đến lúc đó các đại biểu Quốc hội và người dân sẽ lại được nghe “tư lệnh” ngành GTVT xin lỗi và rút kinh nghiệm sâu sắc.
“Người ta muốn kéo dài thu phí xé vé, muốn dây dưa, muốn trì hoãn việc thực hiện thu phí không dừng chính là vì nhập nhèm mới có thể tiêu cực, lợi ích nhóm. Thu phí thủ công thì dễ giấu giếm doanh thu, dễ thất thoát, khó kiểm soát... Còn thu phí không dừng thì không thể can thiệp được” - PGS.TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải.