Mở cánh cửa xuất khẩu lao động chất lượng cao

Lê Bảo 29/03/2022 07:18

Ngày 28/3, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) và Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia đã ký kết Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Australia và Chính phủ Việt Nam về hỗ trợ công dân Việt Nam tham gia Chương trình lao động nông nghiệp Australia. Đây là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai bên và mở ra nhiều cơ hội đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài thu nhập cao.

Có lợi thế về sản xuất nông nghiệp, cơ hội cho lao động Việt Nam sang thị trường Australia rất lớn.
Ảnh Quang Vinh.

Cơ hội rộng mở

Vào tháng 9/2021, Chính phủ Australia công bố Chương trình thị thực cho lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và lựa chọn Việt Nam trở thành 1 trong 4 nước ưu tiên tham gia sớm chương trình này gồm Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Philippines.

Chương trình thị thực nông nghiệp được thực hiện nhằm góp phần bù đắp thiếu hụt lao động trong ngành nông nghiệp, mang lại lợi ích kinh tế cho Australia đồng thời tạo cơ hội cho lao động nước ngoài; trong đó có lao động Việt Nam tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, thu nhập trong thời gian làm việc tại Australia và gửi thu nhập về nước. Những người sử dụng lao động Australia cũng sẽ được lợi từ việc có thể tiếp cận nguồn lao động đáng tin cậy.

Australia sẽ tiếp nhận lao động Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp với số lượng khoảng 1.000 lao động/năm; mức lương cơ bản (chưa trừ chi phí sinh hoạt) từ 3.200 AUD - 4.000 AUD/tháng (tương đương khoảng 52,8-66 triệu đồng/tháng). Đây là mức thu nhập được đánh giá cao so với các thị trường tiếp nhận lao động khác.

Phát biểu tại buổi lễ ký kết, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, việc ký kết Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về hỗ trợ công dân Việt Nam tham gia Chương trình lao động nông nghiệp Australia là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai bên. Đây cũng là kênh giải quyết việc làm hiệu quả, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo đảm an sinh xã hội bền vững.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Australia là nước tiếp nhận lao động nước ngoài có mức lương tốt, hệ thống pháp luật rõ ràng, đảm bảo quyền lợi của người lao động nhưng yêu cầu về trình độ tay nghề, ngoại ngữ khắt khe. Việc đưa lao động đi làm việc ở Australia với các hình thức, ngành nghề khác nhau trong đó có lĩnh vực nông nghiệp là cần thiết, đáp ứng nhu cầu của nhiều người lao động.

Chương trình thị thực nông nghiệp được thực hiện nhằm góp phần bù đắp thiếu hụt lao động trong ngành nông nghiệp và mang lại lợi ích kinh tế cho Australia. Qua đó tạo cơ hội cho lao động nước ngoài trong đó có lao động Việt Nam tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, thu nhập trong thời gian làm việc tại Australia và gửi thu nhập về nước.

Đẩy mạnh thị trường chất lượng cao

Việc lựa chọn Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia đầu tiên tham gia Chương trình thị thực nông nghiệp cho thấy Australia đánh giá cao quan hệ hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực hợp tác lao động. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với lao động Việt Nam, mở ra cơ hội xuất khẩu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực mà lao động Việt Nam có thế mạnh tại quốc gia phát triển và có nền nông nghiệp hiện đại như Australia.

Những tháng đầu năm 2022, lĩnh vực xuất khẩu lao động liên tiếp đón nhận tin vui. Đơn cử như Hàn Quốc - thị trường tiềm năng của Việt Nam đã nâng tổng chỉ tiêu tiếp nhận lao động nước ngoài theo Chương trình EPS trong năm 2022 sẽ tăng 7.000 chỉ tiêu so với năm 2021, chỉ tiêu tuyển dụng sẽ là 59.000 người.

Không chỉ Hàn Quốc, lao động Việt Nam còn có thêm cơ hội sang Singapore làm việc khi nước này thực hiện thí điểm tiếp nhận lao động phổ thông Việt Nam làm việc trong các ngành xây dựng, hàng hải và chế biến từ nay đến 8/2022. Chương trình thí điểm nếu thành công sẽ là cơ hội gia tăng lao động phổ thông sang làm việc tại Singapore.

Theo ông Tống Hải Nam - Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, năm 2022 sẽ tập trung hoàn thiện, thúc đẩy ký kết các thỏa thuận về hợp tác lao động với các nước tiếp nhận, đặc biệt tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định để thực hiện mục tiêu đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan hữu quan của các quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động theo dõi sát sao tình hình của người lao động làm việc ở nước ngoài, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Trước đó chỉ đạo về công tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ LĐTB&XH trong năm 2022 cần chú trọng vừa phát triển thị trường tốt, vừa có chính sách tuyên truyền để người lao động lựa chọn những thị trường được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp một cách chắc chắn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mở cánh cửa xuất khẩu lao động chất lượng cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO