Việc thành lập Trường ĐH Y dược (ĐH Quốc gia Hà Nội) mới đây, cùng với việc ngày càng có thêm nhiều trường ĐH ngoài công lập được đào tạo ngành y khoa đã chứng tỏ nhu cầu rất lớn của xã hội, cũng như độ “hot” của những ngành học khối ngành y - dược.
Dẫu thế, sự nở rộ đào tạo khối ngành này trong vài năm qua, cùng với mức học phí cao ngất ngưởng đã khiến dư luận không khỏi băn khoăn về chất lượng đào tạo của ngành học đặc biệt này.
TS Hoàng Ngọc Vinh- thành viên Tổ tư vấn Ủy ban Đổi mới giáo dục cho rằng, việc các trường tư tham gia đào tạo các ngành sức khỏe không phải là vấn đề đáng lo ngại, mà cần khuyến khích trường tư tham gia đào tạo ngành học sức khỏe. Tuy nhiên phải kiểm soát chất lượng đào tạo và chất lượng đầu ra. Khó khăn nhất hiện nay là làm sao các trường có đủ giảng viên có trình độ và kinh nghiệm để làm công tác giảng dạy. Thêm vào đó, các trường cần đảm bảo đủ cơ sở bệnh viện có người kèm cặp sinh viên khi đi thực tập. Về cơ sở vật chất, trường cũng cần phải đầu tư theo tiêu chuẩn của ngành y tế.
Trước sự quan tâm của dư luận quanh việc “nở rộ” đào tạo khối ngành sức khỏe mùa tuyển sinh 2021, Bộ GDĐT vừa cho biết theo quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, “các loại hình cơ sở giáo dục đại học bình đẳng trước pháp luật”. Do đó, nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật, các cơ sở giáo dục đại học được quyền bình đẳng trong việc mở các chương trình đào tạo mới nhằm cung cấp nguồn nhân lực cho các thành phần kinh tế khác nhau để phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước.
Đại diện Bộ GDĐT cũng cho hay, hàng năm, Bộ thường xuyên tiến hành thanh kiểm tra đột xuất và định kỳ về đào tạo, tuyển sinh, đảm bảo chất lượng và điều kiện duy trì ngành đào tạo ở các cơ sở giáo dục ĐH. Với những ngành không đảm bảo điều kiện chất lượng, duy trì ngành đã mở sẽ được thông báo để rà soát, bổ sung. Quá thời hạn, cơ sở đào tạo sẽ bị đình chỉ tuyển sinh.
Trong những cuộc họp bàn về xây dựng “chuẩn” chương trình đào tạo ĐH, trong đó có khối ngành sức khỏe, có chuyên gia đã từng bày tỏ băn khoăn: Mười mấy năm trước đây, khi Bộ GDĐT xây dựng chương trình khung, trong đó có chương trình đào tạo của của khối ngành y dược, thì đào tạo trong lĩnh vực y khoa có sự đảm bảo về chất lượng. Nhưng sau đó, việc xây dựng chương trình khung và chương trình chi tiết được giao cho các trường, thì hệ thống đào tạo y dược bắt đầu có những sự phức tạp, nhất là khi phải chịu ảnh hưởng từ mặt trái của xã hội hóa trong đào tạo y dược.
Trong điều kiện hiện nay, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân được đặt lên hàng đầu, thì mục tiêu nâng cao chất lượng y tế cơ sở đang trở thành nhiệm vụ trọng tâm của ngành, trong đó đào tạo nhân lực đang được coi là nhiệm vụ ưu tiên. Chất lượng ngành y tế sẽ phụ thuộc rất lớn vào đầu ra quá trình đào tạo nhân lực ngành y. Do đó, mở đào tạo nhưng siết hậu kiểm là yêu cầu bắt buộc.