Mô hình đào tạo nghề '3 bên', người lao động chắc ăn có việc làm

Quốc Trung 29/06/2016 09:05

Trong 6 tháng đầu năm, công tác đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo nghề cho lao động nông thôn của TP Cần Thơ thực hiện mô hình đào tạo nghề theo đơn đặt hàng, liên kết 3 bên: doanh nghiệp với lao động và đơn vị đào tạo, ngày càng phát huy hiệu qủa thiết thực. Người lao động sau khi học nghề, có việc làm ổn định.

Lao động tham gia lớp may công nghiệp để làm việc tại Nhà máy may Vinatex.

Năm 2015, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) khởi công xây dựng nhà máy Vinatex tại Cần Thơ và cần một lực lượng lớn lao động có tay nghề. Sở LĐTB&XH Cần Thơ đã chỉ đạo cho các quận huyện đặc biệt là huyện Vĩnh Thạnh (nơi đặt nhà máy) tập trung ngay công tác đào tạo nghề cho lao động để đáp ứng nhu cầu của nhà máy.

Theo đó năm 2015, Sở đã phân bổ cho huyện Vĩnh Thạnh mở 29 lớp nghề trong đó 28 lớp may công nghiệp tương đương với 980 học viên. Kết quả đã dạy được 26 lớp với 825 học viên. Năm 2016, Sở tiếp tục phân bổ thêm 7 lớp may công nghiệp. Đến cuối tháng 6-2016 đã khai giảng 4 lớp.

Như vậy, từ khi triển khai chương trình đào tạo nghề may công nghiệp phục vụ cho nhà máy Vinatex, đến nay huyện Vĩnh Thạnh đã tổ chức 32 lớp dạy nghề cho 1.120 học viên học nghề may công nghiệp. Các học viên này sau khi đào tạo đều có nhu cầu làm việc tại nhà máy. Tất cả các học viên đều nộp hồ sơ xin việc và đang chờ nhà máy hoàn thành các công đoạn cuối cùng để được tuyển dụng vào làm việc.

Đến cuối tháng 6/2016 Nhà máy May Vinatex Cần Thơ đã tiếp nhận thông tin ứng viên của 1.766 lao động trong độ tuổi từ 18 - 30, trong đó có 547 hồ sơ cán bộ quản lý, 1.219 hồ sơ công nhân. Hiện nay nhà máy đã nâng độ tuổi tuyển dụng lên từ 18 - 35 tuổi. Đến thời điểm này, nhà máy đã đưa vào hoạt động được 10 dây chuyền may với tổng số 409 công nhân và 200 cán bộ quản lý với mức lương từ 3.034.000 đồng/tháng trở lên.

Ông Ngô Văn Tâm, cán bộ tuyển dụng lao động Nhà máy May Vinatex Cần Thơ cho biết: Sau khi nhận hồ sơ, nhà máy sẽ tổ chức sát hạch, kiểm tra tay nghề. Quan điểm của Ban quản lý Nhà máy May Vinatex Cần Thơ là ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương, sau đó, mới tuyển lao động các địa phương lân cận nếu thiếu nguồn...

Không chỉ riêng huyện Vĩnh Thạnh cung cấp lao động cho nhà máy mà các quận, huyện kế cận cũng đã sẵn sang nguồn lao động cung ứng cho nhà máy như huyện Cờ Đỏ, Thới Lai, quận Thốt Nốt. Ngoài ra, nhiều công nhân trước đây được đào tạo nghề may nhưng chưa có việc làm ổn định cũng tìm đến đăng ký việc làm tại nhà máy.

Nhà máy May Vinatex Cần Thơ cam kết sau khi tuyển dụng, lao động được bố trí việc làm theo từng khâu may thực tế. Đối với một số khâu chuyên biệt, lao động được học việc miễn phí tại các công ty may thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Trong thời gian học việc, nhà máy lo toàn bộ chi phí ăn ở, sinh hoạt, đi lại cho người lao động; đảm bảo thực hiện đầy đủ các quyền lợi về chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn; thời gian nghỉ phép theo quy định của Nhà nước cùng các phúc lợi khác của nhà máy như: lương, thưởng, nghỉ mát, du lịch...

Ông Nguyễn Công Trứ, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Vĩnh Thạnh, phấn khởi cho biết: Nhà máy May Vinatex Cần Thơ đặt tại huyện Vĩnh Thạnh góp phần cùng với chính quyền giải quyết nguồn lao động thiếu việc làm tại chỗ, giúp người dân nông thôn không phải xa quê tìm việc làm.

Đặc biệt quá trình đào tạo các lớp nghề may công nghiệp, chúng tôi phối hợp và được nhà máy Vinatex hỗ trợ về chương trình đào tạo và một số vật dụng... giúp cho người học được thực hành sát với yêu cầu, tiêu chuẩn của nhà máy. Thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh công tác dạy nghề may để kịp thời cung ứng lao động cho nhà máy, qua đó, giúp người lao động có tay nghề, dễ tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo của địa phương...

Mô hình đào tạo nghề liên kết 3 bên được triển khai trên địa bàn TP Cần Thơ từ đầu năm 2015 đến nay được 2 năm mở các lớp: may công nghiệp, cắt tóc, nề... Theo đó, phía bên doanh nghiệp đề ra các yêu cầu, trình độ tay nghề, kỹ năng để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Đơn vị đào tạo, cam kết đào tạo theo đúng nhu cầu của doanh nghiệp thông qua chương trình, giáo trình mà doanh nghiệp đưa ra và đảm bảo sau khi đào tạo nghề sẽ đảm bảo được yêu cầu của doanh nghiệp và người lao động có cơ hội được tuyển dụng sau đào tạo. Phía địa phương, là đầu mối, tạo mọi điều kiện để người lao động được học nghề và được đi làm sau khi học nghề.

Giữa 3 bên: doanh nghiệp, đơn vị đào tạo và địa phương ký kết văn bản thỏa thuận để người lao động an tâm sắp xếp thời gian học nghề và phía doanh nghiệp cũng an tâm về nguồn lao động.

Ông Hồ Thanh Hải, Trưởng Phòng quản lý đào tạo nghề (Sở LĐTB&XH TP Cần Thơ) cho biết: Qua gần 2 năm thực hiện mô hình đạo tạo nghề 3 bên, cho thấy: người lao động yên tâm học nghề, khi học xong có việc làm ngay; trình độ tay nghề phù hợp, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Hiện nay chúng tôi đang nhân rộng mô hình này để giải quyết việc làm ổn định nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn…

Theo Phòng quản lý đào tạo nghề (Sở LĐTB&XH TP Cần Thơ), 6 tháng đầu năm 2016, các cơ sở dạy nghề của thành phố đã tuyển sinh được 19.550 người, đạt 50,13% kế hoạch (trong đó có 540 cao đẳng nghề, 556 trung cấp nghề, 9.366 sơ cấp nghề và 9.088 dạy nghề dưới 3 tháng, nữ có 6.516 người).

Riêng về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Phòng cũng đã khai giảng 73 lớp đào tạo nghề (trong đó có 5 lớp đào tạo nghề nông nghiệp và 68 lớp phi nông nghiệp) cho các quận, huyện với trên 2.500 học viên…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mô hình đào tạo nghề '3 bên', người lao động chắc ăn có việc làm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO