Ngày 19/11, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng đề án mô hình tự quản tổ chức Hội thảo “Thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố”. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng chủ trì Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có Trung tướng Nguyễn Song Phi, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố từ Nghệ An trở ra cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và thành viên Tổ biên tập Đề án.
Huy động tính sáng tạo, tự quản từ mỗi người dân, cộng đồng dân cư
Tại Hội thảo, đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận về thực trạng và tổ chức thực hiện của mô hình tự quản ở khu dân cư thôn, tổ dân phố giai đoạn hiện nay, đặc biệt là những tồn tại, hạn chế, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức, hoạt động của các mô hình tự quản; trao đổi những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo từ thực tiễn tổ chức thực hiện các mô hình tự quản ở khu dân cư thôn, tổ dân phố; đề xuất những cơ chế, giải pháp để tổ chức thực hiện, nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình tự quản ở khu dân cư…
Ông Lê Quang Toản, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hưng Yên chia sẻ, việc xây dựng tổ tự quản phải cần được xác định đối tượng cụ thể, phải đảm bảo quy mô xây dựng thành viên tham gia tổ tự quản; bổ sung thêm quy trình, cách thức xây dựng tổ tự quản.
Để mô hình tự quản hoạt động hiệu quả cần có sự quan tâm của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp. Bên cạnh đó, Ban Công tác Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của mô hình tự quản; các tổ tự quản phải đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội, an ninh chính trị và gắn với quyền lợi sát thực của người dân ở khu dân cư.
“Mô hình tự quản phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân, phục vụ nhân dân và được nhân dân đồng tình, tự giác ủng hộ. Cùng với đó đội ngũ những người tham gia tổ tự quản phải có tâm huyết, trình độ và uy tín để lãnh đạo tổ tự quản”, ông Lê Quang Toản bày tỏ
Theo ông Vàng Seo Cón, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang, đề án cần bổ sung việc phân công trách nhiệm cụ thể của từng tổ chức trong triển khai nhiệm vụ, MTTQ là người chủ trì trong triển khai các mô hình tự quản.
“Cần lựa chọn những mô hình tự quản có tính khả thi và tập trung vào các lĩnh vực an ninh trật tự; bảo vệ mốc đường biên, mốc giới; bảo vệ môi trường… Đồng thời thường xuyên tổ chức tập huấn; làm tốt công tác biểu dương, khen thưởng để mô hình tự quản hoạt động có hiệu quả”, ông Vàng Seo Cón đề nghị.
Ông Phạm Huy Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Kạn kiến nghị, mô hình tự quản để người dân tự lo cho chính mình nhưng phải hài hòa với thực tế địa phương. Các mô hình cần tránh tính hình thức, phải có sức sống của nó và duy trì được ở mỗi khu dân cư. Mô hình tự quản có thành công hay không phải do lòng người dân quyết định.
Đồng quan điểm ông Trần Quang Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình cho rằng để mô hình tự quản sống lâu dài, tránh tình trạng "đầu voi đuôi chuột" cần có sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong quá trình tổ chức hoạt động. Đặc biệt, phải nâng cao ý thức nâng cao ý thức, tự giác tự nguyện để huy động được tính sáng tạo, tự quản trong mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư.
Đánh giá đúng thực trạng các mô hình tự quản
Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng, xuất phát từ nhu cầu cuộc sống ở khu dân cư, thời gian qua các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể đã xây dựng nhiều mô hình tự quản chuyên sâu trên từng lĩnh vực như đảm bảo an ninh trật tự, giúp nhau phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh góp phần phát triển kinh tế xã hội ở mỗi địa phương cơ sở.
Thống kê báo cáo của các địa phương, toàn quốc có 637.534 mô hình tự quản tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực về xây dựng phát triển kinh tế gia đình, bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh trật tự, quản lý và xây dựng hạ tầng ở cộng đồng dân cư.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội thảo.
"Hoạt động của các tổ chức, mô hình tự quản đã phát huy sáng tạo, tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, duy trì nâng cao chất lượng cuộc sống, có sức lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân", Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng khẳng định.
Tuy nhiên bên cạnh những mặt đạt được, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng thẳng thắn chỉ ra hoạt động tự quản, mô hình tự quản còn những tồn tại, hạn chế. Qua khảo sát cho thấy một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa quan tâm đến việc phát huy tính tự quản trong mỗi cộng đồng dân cư.
Một số mô hình tự quản còn hình thức, chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, hoạt động không có kế hoạch, chưa có sức lan tỏa, sức hút đối với nhân dân tham gia. Việc đánh giá hiệu quả hoạt động của các mô hình tự quản còn mang tính hình thức, cào bằng, chưa động viên được tính sáng tạo, tính tự quản trong mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư.
Chính vì vậy, theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, vấn đề đặt ra cho việc xây dựng Đề án là phải đánh giá đúng thực trạng các mô hình tự quản, trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp nhằm phát huy tốt tinh thần tự quản của nhân dân. Đặc biệt các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư phải trở thành phong trào tự nguyện, tự giác, tự chịu trách nhiệm, tự chủ về kinh phí, hoạt động theo quy chế, mang lại lợi ích cho nhân dân, giúp các cấp ủy đảng, chính quyền nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành góp phần hoàn thành tốt các mục tiêu kinh tế xã hội, an ninh – quốc phòng ở mỗi địa phương cơ sở; khắc phục được những hạn chế của các mô hình tự quản hiện nay, trên cơ sở đó thực hiện tốt Nghị quyết 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6, khóa XII.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, kết quả Hội thảo sẽ giúp cho Tổ Biên tập và Ban Chỉ đạo Trung ương có thêm cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn và các giải pháp thiết thực, có ý nghĩa nhằm hoàn thiện Đề án, từ đó tham mưu Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị, Kết luận về lãnh đạo đối với hoạt động của các mô hình tự quản trong phạm vi toàn quốc.