TP Hồ Chí Minh có nhiều tiềm năng để phát triển ngành dịch vụ, tuy nhiên vấn đề hạ tầng dịch vụ chưa hoàn hảo nên ngành này chưa thể bứt phá hiệu quả.
Hạ tầng dịch vụ thiếu kết nối
Theo UBND TP HCM, thành phố chuyển dịch kinh tế sang hướng dịch vụ khá thành công. Giống như các nước khác, ngành dịch vụ đang trở thành động lực thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển mạnh hơn. Năm 2018, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 62,4% trong cơ cấu ngành trên tổng sản phẩm GRDP. Cơ cấu kinh tế TP HCM tiếp tục tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn. Hiện thành phố có 9 nhóm ngành gồm: Tài chính - ngân hàng - bảo hiểm; thương mại; du lịch; vận tải; bưu chính viễn thông; bất động sản; tư vấn; y tế, giáo dục. 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu chiếm tỷ trọng cao nhất là 57,1% trong tổng GRDP.
Đánh giá cao hiệu quả chuyển dịch kinh tế sang hướng dịch vụ, tuy nhiên điều kiện hạ tầng dịch vụ còn hạn chế đã trở thành “nút thắt cổ chai” cho ngành này nói riêng và kinh tế thành phố nói chung. Bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM cho biết, hệ thống thương mại thành phố chiếm 22% cả nước với hàng trăm siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống. Sắp tới đây, thành phố tiếp tục phát triển ngành thương mại. Dự kiến, đến năm 2025 thành phố có 268 siêu thị, 5.000 cửa hàng tiện ích.
Để phát triển được kế hoạch trên, thành phố cần khoảng 1,85 triệu m2 đất. Thế nhưng đại diện Sở Công thương cũng bày tỏ băn khoăn khi điều kiện hạ tầng phát triển khá hạn chế. Mỗi năm thành phố có khoảng 600 hội chợ, triển lãm, nhưng các địa điểm tổ chức lại không đáp ứng được yêu cầu thực tế. Hiện thành phố chỉ có một trung tâm triển lãm thương mại lớn ở quận 7.
Đây chính là một trong những lý do thương mại chưa phát huy hết tiềm năng. Sở Công thương đang phối hợp các sở - ngành, quận - huyện lập hồ sơ trình UBND thành phố về địa điểm có thể thành lập thêm trung tâm hội chợ triển lãm thương mại.
Về ngành du lịch, ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Du lịch TP HCM cũng khẳng định, ngành này chưa tăng trưởng đúng tầm. Lý do là quá nhiều rào cản về hạ tầng cầu cảng, bến bãi trong phát triển du lịch đường thủy. Đường bộ thường xuyên kẹt xe, sân bay Tân Sơn Nhất lại quá tải trong khi 80% du khách đến thành phố bằng đường hàng không.
Đầu tư hạ tầng cứng và hạ tầng mềm
Theo ông Nguyễn Ngọc Hiếu – Đại học Việt Đức, TP HCM, đứng trước thách thức lớn phải cạnh tranh với nhiều đô thị và thích nghi với những biến đổi mới, tăng trưởng về công nghiệp ở vùng Đông Nam Bộ đang dịch chuyển dần ra khỏi địa bàn TP HCM. Tốc độ tăng trưởng đô thị hóa ở vùng ven sẽ cao hơn vùng lõi trong thập kỷ tới. Vì vậy, TP HCM không có lợi thế về mở rộng đất đai cho phát triển đô thị và công nghiệp trong khi cơ sở hạ tầng cũng không tốt hơn Bình Dương hay Đồng Nai. Ông Hiếu cho rằng, thành phố phải phát triển các trục hướng tâm để kết nối nhanh hơn, bố trí không gian cho các nhu cầu mới, ưu tiên hệ thống phân phối.
Bàn về giải pháp phát triển hạ tầng dịch vụ cho TP HCM, theo GS Gyeng Chul Kim – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giao thông Hàn Quốc, cho rằng giải quyết được vấn đề giao thông chắc chắn hạ tầng dịch vụ sẽ thông thoáng hơn. “Hàn Quốc ứng dụng rất tốt công nghệ thông tin vào phát triển giao thông. Công nghệ thông tin được ứng dụng để xác định mất độ xe, từ đó gợi ý cho khách hàng đi tácxi hay sử dụng phương tiện khác. Giúp người tham gia giao thông lựa chọn phương thức giao thông một cách phù hợp” – GS Gyeng Chul Kim cho hay.
Ủng hộ phương án sử dụng công nghệ thông tin phát triển hạ tầng dịch vụ, ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng, hạ tầng ngành này hỗ trợ các ngành khác phát triển. Ngành dịch vụ cũng cần được ứng dụng công nghệ thông tin tăng tính kết nối. Mỗi ngành tự phát triển thì không có hiệu quả tích cực. Sắp tới, trong điều chỉnh quy hoạch thành phố sẽ gắn kết dịch vụ với từng ngành khác. Liên quan giải pháp phát triển hạ tầng dịch vụ thành phố, lãnh đạo UBND TP HCM cho biết thêm, cần cả hạ tầng mềm và hạ tầng cứng để thúc đẩy dịch vụ phát triển.