Bộ Giao thông vận tải vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về triển khai kế hoạch khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ chở khách đến và đi từ Việt Nam. Bộ đề nghị Chính phủ cho phép tăng chuyến bay thương mại quốc tế, đồng thời mở rộng thêm thị trường tới châu Âu và Úc. Việc “mở rộng cửa” bầu trời là cần thiết, bởi đây chính là động lực để phục hồi kinh tế, thế nhưng vấn đề an toàn phòng dịch cũng phải đặt lên hàng đầu.
Theo Bộ Giao thông vận tải, đến nay, có 5 nước và vùng lãnh thổ gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore, Campuchia và Đài Loan (Trung Quốc) đã cơ bản thống nhất với kế hoạch nối lại chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ của Việt Nam. Trong khi Nhà chức trách hàng không Thái Lan hiện đang tiếp tục trao đổi với Cục Hàng không Việt Nam về kế hoạch bay cụ thể.
Còn thông tin của Bộ Ngoại giao cho thấy, nhu cầu về nước của người Việt Nam ở một số nước là rất lớn, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán. Vì vậy, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về nước của người Việt Nam ở nước ngoài cũng như hoạt động khai thác của các hãng hàng không, việc khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ cũng như mở rộng thêm thị trường tới châu Âu và châu Úc là cần thiết, nhằm giúp hành khách có thêm các cơ hội lựa chọn với mức giá hợp lý hơn. Đặc biệt là với những người đang sinh sống ở nước ngoài bị mắc kẹt suốt gần 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid -19.
Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn, bởi biến thể Omicron đang lây lan rộng, liệu việc chúng ta “mở rộng cửa” có làm tăng nguy cơ lây lan dịch Covid-19, nhất là biến thể Omicron. Vì vậy mở lại các đường bay thương mại quốc tế nên cần có lộ trình, từng bước, từng giai đoạn có kiểm soát. Có nghĩa chỉ mở cửa bầu trời để phát triển kinh tế với điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, đối với lo ngại của một số địa phương trong việc kiểm soát dịch bệnh khi mở cửa đường bay quốc tế thì rất cần có sự thống nhất với các địa phương. Các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp mà có địa điểm du lịch thì Chính phủ nên hỗ trợ để đẩy mạnh tỷ lệ tiêm chủng. Từng khách sạn, khu nghỉ dưỡng đón khách nước ngoài phải có trách nhiệm bảo đảm không để du khách gây lây nhiễm dịch bệnh ra bên ngoài. Trong trường hợp có khách là F0 thì cơ sở mà khách mua bảo hiểm phải hỗ trợ để chữa trị, không tạo ra gánh nặng cho địa phương...
Hiện nay, hơn 90% người dân trong nước đã được tiêm vaccine mũi 1; người tiêm đủ hai mũi tỷ lệ cũng rất cao. Ngoài ra, thời gian qua các hãng bay đã có nhiều kinh nghiệm hơn khi bay giải cứu, có những chuyến cứu hộ toàn bộ người được đón về đều mắc Covid-19, nhưng các thành viên tổ bay không ai bị lây nhiễm. Bộ Y tế cũng đã ban hành văn bản về việc phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh, áp dụng từ ngày 1/1/2022. Như vậy, chúng ta đã có kinh nghiệm, đã chuẩn bị tốt các biện pháp phòng dịch. Không chủ quan những cũng không nên quá lo lắng.
Có thể nói, chủ trương nối lại các đường bay thương mại quốc tế là đúng đắn, hợp lý, để đảm bảo vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, lại vẫn có thể phát triển kinh tế - xã hội. Chúng ta không thể “đóng cửa bầu trời” mãi, nối lại các đường bay thương mại quốc tế để giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội.
Nhưng như đã nói, vẫn cần có sự thận trọng nhất định, vừa triển khai vừa “nghe ngóng” tình hình. Dù có mong muốn nhanh chóng phục hồi nền kinh tế, nhất là ngành du lịch và lĩnh vực hàng không, nhưng Bộ Giao thông vận tải cũng phải hết sức cẩn trọng bởi chủ trương của Chính phủ là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.