Đây là đánh giá của các đại biểu tại Hội nghị tập huấn kiến thức về BHXH, BHYT cho các phóng viên, biên tập viên chuyên trách thuộc các cơ quan thông tấn, báo chí do BHXH Việt Nam tổ chức ngày 1/6 tại Quảng Bình.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Bình cho biết, trong những năm qua, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh đã có sự tăng trưởng vượt bậc, tính đến hết tháng 5 năm 2022 đã đạt 8,2% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động, vượt 8,2 lần so với mục tiêu của Nghị quyết số 28/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra. Tuy nhiên, vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, còn 91,8%, tương ứng 308.309 người chưa tham gia.
Tuy nhiên, theo Nguyễn Văn Dũng, mặc dù số người tham gia BHXH tự nguyện tăng so với cuối năm 2021 nhưng mức tăng trưởng chưa cao. Trong đó, đã khai thác được 4.239 người tham gia BHXH tự nguyện nhưng do số người tham gia giảm mạnh, lên đến 4.144 người dẫn đến số người tham gia BHXH tự nguyện tính đến hết tháng 5/2022 chỉ tăng 95 người so với cuối năm 2021. Bên cạnh đó, tỷ lệ bao phủ BHYT chưa bền vững, số người tham gia BHYT tính đến hết tháng 5/2022 là 810.510 người tham gia BHYT, giảm 6.240 người so với cuối năm 2021.
Theo ông Phạm Lương Sơn - nguyên Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, để duy trì tỷ lệ tham gia BHYT và bao phủ BHYT đối với gần 10% dân số còn lại, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Quan trọng nhất, NSNN cần tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, ngân sách địa phương giữ vai trò bổ sung trong việc đóng BHYT cho nhóm dễ bị tổn thương, hộ gia đình nghèo; hỗ trợ nhóm thân nhân NLĐ thuộc khu vực phi chính thức tham gia… Bên cạnh đó, thực hiện cơ chế tham gia BHYT mới: NLĐ có thu nhập ổn định đóng BHYT cho thân nhân. Đồng thời, cần có chế tài nghiêm khắc, quy định mức đóng BHYT cao hơn hoặc truy thu tiền đóng BHYT đối với thời gian trốn đóng hoặc chậm tham gia BHYT với tất cả các đối tượng bắt buộc tham gia BHYT.
Nguyên nhân theo ông Dũng, chính sách BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn, thu hút được đối tượng tham gia. Theo quy định, BHXH bắt buộc được hưởng 5 chế độ dài hạn và ngắn hạn, tuy nhiên người tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng 02 chế độ là hưu trí và tử tuất, điều này làm giảm tính hấp dẫn và hạn chế mong muốn tham gia BHXH tự nguyện. Mặt khác, trong thời gian dài nhà nước không có chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện. Từ ngày 01/01/2018, nhà nước hỗ trợ đối với người tham gia BHXH tự nguyện theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn, nhưng mức hỗ trợ còn thấp, cụ thể bằng 30% đối với người thuộc hộ nghèo, 25% đối với người hộ cận nghèo, 10% đối với các đối tượng khác, còn đối tượng tham gia BHXH bắt buộc được người sử dụng lao động đóng đến 63,63% mức đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Trong khi đó, quy định điều kiện về thời gian tối thiểu đóng BHXH để hưởng lương hưu là 20 năm, như vậy là còn khá dài, chưa thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện.
“Việc tham gia BHXH tự nguyện phụ thuộc rất lớn vào điều kiện kinh tế của người tham gia. Trong khi đó theo quy định từ tháng 01/2022 mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu tăng hơn gấp đôi do áp dụng mức chuẩn nghèo nông thôn làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện tăng từ 700.000 đồng lên 1.500.000 đồng. Vì vậy, công tác phát triển người tham gia BHYT, BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn” – ông Nguyễn Văn Dũng cho biết.
Thống kê của BHXH Việt Nam cho biết, cả nước tính đến hết năm 2021, số người tham gia BHXH là hơn 16,5 triệu người, đạt 33,7% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó: Về BHXH bắt buộc có gần 15,1 triệu người; về BHXH tự nguyện có gần 1,45 triệu người.
Theo dự báo của BHXH Việt Nam, năm 2022, trong bối cảnh tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN và đời sống của người dân, NLĐ vẫn còn gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19, một số quy định liên quan tới chính sách BHXH, BHYT thay đổi (nâng mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu; thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg dẫn tới khoảng 2,1 triệu người DTTS không còn được NSNN hỗ trợ đóng BHYT, tình trạng rút BHXH một lần tăng...) đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ của toàn ngành.
Trước những yêu cầu và thách thức trên, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh nhấn mạnh, công tác truyền thông cần phải được tiếp tục đổi mới, phải được thực hiện một cách chuyên nghiệp, bài bản giúp người dân hiểu đúng, hiểu sâu về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; từ đó chủ động tham gia nhằm sớm hoàn thiện mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân để mọi người dân đều được đảm bảo an sinh xã hội.