Xã hội

Mở rộng độ bao phủ bảo hiểm Y tế: Thách thức từ nhóm hộ gia đình

Lan Hương 09/07/2024 11:59

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện nay bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số những người chưa tham gia. Theo thống kê, số người tham gia BHYT hộ gia đình hiện nay mới ước đạt khoảng 60% tổng số người thuộc diện tham gia. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội trong quá trình thực hiện lộ trình mở rộng độ bao phủ toàn dân.

anh-bai-tren.jpg
Cần có cơ chế để thực hiện bảo hiểm y tế hộ gia đình một cách triệt để hơn. Ảnh: L.H.

Chỉ tham gia khi cần

Đây là tâm lý của không ít người dân hiện nay đặc biệt là nhóm đối tượng lao động tự do trẻ tuổi. Gia đình có nghề truyền thống làm nghề khảm trai nên cả 3 thế hệ nhà ông Lê Văn Khảm (Phú Xuyên, Hà Nội) đều làm nghề truyền thống mưu sinh. Mấy năm nay, sản phẩm làng nghề mở rộng, đầu ra cho sản phẩm ổn định nên thu nhập hàng tháng của các thành viên trong gia đình cũng đạt từ 6 đến 12 triệu đồng. Tuy nhiên gia đình ông chỉ có những người cao tuổi là tham gia BHYT.

“Là người cao tuổi có bệnh nền nên tôi hiểu rất rõ giá trị của thẻ BHYT vì thế, năm nào tôi cũng chủ động mua cho mình và cho vợ. Các con, cháu tôi vẫn khuyên cần thiết phải mua BHYT vì sức khỏe không thể biết trước và chắc chắn mình không bị đau ốm” - ông Khảm cho biết.

Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, sau khi Chỉ thị số 38, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới được ban hành, toàn quốc có trên 50 triệu người tham gia BHYT (tăng trên 10 triệu người so với năm 2008), tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 58,2% dân số. Đến năm 2023, đã có trên 93,6 triệu người tham gia BHYT, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2008, thời điểm chưa có Chỉ thị số 38; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 93,35% dân số, vượt 0,15% so với Nghị quyết 01 của Chính phủ. Đặc biệt, kết quả phát triển người tham gia BHYT hộ gia đình có sự tăng trưởng rất ấn tượng, từ 3,76 triệu người tham gia (năm 2009) tăng lên thành 24,89 triệu người (năm 2023), gấp 6,6 lần so với năm 2009.

Mặc dù đạt được kết quả trên song theo đánh giá, với việc bao phủ BHYT với gần 6,4% dân số còn lại là một thách thức lớn, trong đó, nhóm BHYT hộ gia đình chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số những người chưa tham gia. Theo thống kê, số tham gia BHYT hộ gia đình hiện nay mới ước đạt khoảng 60% tổng số người thuộc diện tham gia.

Cần có cơ chế để thực hiện BHYT hộ gia đình

BHYT là một chính sách an sinh xã hội quan trọng của Đảng và Nhà nước, là cơ chế tài chính công trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, vì mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển trong chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Với định hướng thực hiện bao phủ chăm sóc sức khoẻ và BHYT toàn dân, mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe; được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia BHYT và thụ hưởng các dịch vụ y tế, Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Khóa 12 ban hành ngày 25/10/2017 đã nêu rõ mục tiêu: Đến năm 2025: Tỷ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số. Tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế giảm còn 35%;

Đến năm 2030: Tỷ lệ tham gia BHYT trên 95% dân số. Tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc y tế giảm còn 30%.

Để đạt được mục tiêu này theo các chuyên gia, trong quá trình sửa đổi Luật BHYT, cần hướng tới xây dựng quy định đa dạng sản phẩm dịch vụ khám chữa bệnh BHYT nhằm đáp ứng nhu cầu các tầng lớp trong xã hội. Lưu ý gói BHYT dành cho dịch vụ y tế chất lượng cao, qua đó thu hút nhóm dân số còn lại tham gia BHYT hộ gia đình một cách tích cực hơn.

Phải thúc đẩy nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh BHYT để người dân tin tưởng và chủ động tham gia BHYT. Hiện nay, Luật BHYT quy định hình thức tham gia BHYT theo hộ gia đình bao gồm toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú (Khoản 7 Điều 2). Tuy nhiên, quy định này hiện không còn phù hợp với quy định của Luật Cư trú và Luật Hôn nhân gia đình, dẫn đến nhiều khó khăn khi thực hiện, nhất là các vấn đề hay thủ tục có liên quan đến sổ hộ khẩu. Nội dung này phải sớm sửa đổi để đảm bảo cập nhật, đồng bộ với Luật Cư trú và Luật Hôn nhân gia đình.

Thực tiễn cũng cho thấy, cần có cơ chế để thực hiện BHYT hộ gia đình một cách triệt để hơn, yêu cầu bắt buộc 100% các thành viên trong hộ gia đình cùng tham gia. Mặt khác, quy trình cần đảm bảo thuận lợi, dễ hiểu để người dân cũng như các đơn vị ở cơ sở dễ dàng thực hiện, phù hợp với xu hướng liên thông dữ liệu điện tử, thực hiện các quy trình nghiệp vụ theo hướng online/sử dụng dịch vụ công trực tuyến, hạn chế hồ sơ giấy hay yêu cầu các loại giấy tờ xác nhận phức tạp. Các thủ tục đăng ký tham gia mới hay gia hạn BHYT hộ gia đình cần được thiết kế để đảm bảo dễ dàng tiếp cận, phổ cập với đa số người dân.

Từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng. Do đó, mức đóng BHYT của hộ gia đình và học sinh, sinh viên có sự thay đổi. Theo quy định hiện nay, người đầu tiên trong hộ gia đình sẽ đóng BHYT một tháng 4,5% mức lương cơ sở. Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất và từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Theo đó, người thứ nhất là 1.263.600 đồng/năm, người thứ hai là 884.525 đồng/năm, người thứ ba 758.160 đồng/năm, người thứ tư là 631.800 đồng/năm, người thứ 5 trở đi 505.440 đồng/năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mở rộng độ bao phủ bảo hiểm Y tế: Thách thức từ nhóm hộ gia đình