Sức khỏe

Mở rộng độ bao phủ dịch vụ điều trị HIV/AIDS

THANH MAI 26/11/2023 09:41

Theo ước tính của các tổ chức quốc tế, chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam đã cứu được gần 1 triệu người không bị nhiễm HIV, hơn 200.000 người không bị tử vong liên quan đến HIV/AIDS. Việt Nam cũng được các tổ chức quốc tế đánh giá như là điểm sáng trên bản đồ phòng, chống HIV/AIDS thế giới. Hướng tới Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, Bộ Y tế đề nghị mở rộng độ bao phủ dịch vụ điều trị HIV/AIDS.

bai-chinh.jpeg
Tư vấn xét nghiệm HIV cho đối tượng nguy cơ cao tại CDC Đồng Nai. Ảnh: TTKSBT.

Nhóm tuổi trẻ có xu hướng tăng

Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tính đến tháng 8/2023, Việt Nam có khoảng 249.000 người nhiễm HIV, trong đó có khoảng 230.000 người nhiễm HIV đã được phát hiện và đang còn sống, chủ yếu tập trung ở độ tuổi 16 - 39 tuổi. 100% tỉnh, thành phố đã phát hiện người nhiễm HIV.

Như vậy là sau một thời gian dài từng bước khống chế, kiểm soát được đại dịch HIV/AIDS, những năm gần đây dịch lại có dấu hiệu gia tăng. Báo cáo của các địa phương, dự báo năm 2023 số trường hợp phát hiện mới nhiễm HIV tăng trên 13.000 trường hợp và mỗi năm có gần 2.000 trường hợp tử vong liên quan đến HIV/AIDS…

Nhận định về tình hình phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam thời gian qua, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, dịch HIV đang phát hiện chủ yếu trong nhóm tuổi trẻ và có xu hướng tiếp tục tăng nhanh trong nhóm này.

Trong năm 2022 có tới 50% số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện ở nhóm tuổi từ 15-29 tuổi. Sau 33 năm đương đầu và đáp ứng với dịch HIV/AIDS, thực hiện chỉ thị số 07-CT/TW về tăng cường phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS trước năm 2030 chúng ta vẫn còn nhiều vấn đề cần được thúc đẩy.

Theo Cục phó Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Võ Hải Sơn, số liệu phân bố số người nhiễm HIV mới năm 2023 cho thấy hơn 60% phát hiện tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và TPHCM. Đáng lo ngại, số người nhiễm HIV lại đang gia tăng ở các tỉnh "không trọng điểm" như: Bạc Liêu, Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long… Nam quan hệ tình dục đồng giới và người chuyển giới nữ là những nhóm đối tượng nhiễm HIV chủ yếu ở Việt Nam hiện nay.

Thời gian qua, diễn biến dịch Covid-19, đã tác động đến các hoạt động giám sát, xét nghiệm. Việc tiếp cận, duy trì điều trị cho người nhiễm HIV và người điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV vì thế cũng gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, kỳ thị và tự kỳ thị vẫn là rào cản. Từ năm 1990 đến 2015, tỷ lệ người nhiễm HIV là nam giới có xu hướng giảm nhẹ, tuy nhiên từ năm 2016 tỷ lệ người nhiễm HIV là nam giới bắt đầu có xu hướng gia tăng trở lại. Trong giai đoạn đầu của dịch, đối tượng bị lây nhiễm HIV chủ yếu là qua đường máu tuy nhiên trong những năm gần đây lây nhiễm qua đường quan hệ tình dục không an toàn trở thành đường lây chính trong những ca nhiễm HIV mới phát hiện.

HIV/AIDS vẫn đang là gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam. Tính đến nay, Việt Nam có số người biết tình trạng nhiễm HIV đạt 89%, số người được điều trị ARV đạt 76%, tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 96%.

Huy động mọi nguồn lực tham gia

Hướng tới Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 của Bộ Y tế, theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, mục tiêu đặt ra là các cơ quan từ trung ương đến địa phương cần nỗ lực huy động nguồn lực tài chính phòng, chống HIV/AIDS; mở rộng điều trị HIV/AIDS do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo phù hợp với công cuộc phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn viện trợ quốc tế cho các dịch vụ về dự phòng, phòng chống và điều trị HIV/AIDS…

Theo GS.TS Trần Văn Thuấn, Bộ Y tế cũng đề nghị mở rộng và đổi mới các hoạt động can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV, tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt 80% vào năm 2030; mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình đạt 95% vào năm 2030; giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến dịch HIV/AIDS ở các nhóm nguy cơ cao.

Tại hội thảo triển khai Chỉ thị số 07-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030 mới đây tại TP Cần Thơ, GS.TS Trần Văn Thuấn nhận định, thời gian qua, Bộ Y tế đã cùng các bộ, ngành và địa phương trên cả nước triển khai mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo hướng tiếp cận toàn diện và cung cấp dịch vụ từ dự phòng, xét nghiệm đến chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS.

Độ bao phủ các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS liên tục được mở rộng và cải thiện về chất lượng. Nhiều mô hình, sáng kiến về cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS được nghiên cứu, áp dụng và triển khai phù hợp với bối cảnh dịch HIV có nhiều thay đổi ở Việt Nam.

Việt Nam cũng đã nỗ lực huy động nguồn lực tài chính trong nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, nhất là việc Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả cho các dịch vụ về điều trị HIV/AIDS, các địa phương cũng đã tăng cường bố trí ngân sách cho chương trình này.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng đánh giá, chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam hiện đang đứng trước nhiều thách thức. Độ bao phủ của các dịch vụ cũng chưa đáp ứng được các mục tiêu kỳ vọng. Những thách thức này đang đòi hỏi cả hệ thống chính trị cần phải quyết tâm, cùng hành động để vượt qua…

Theo đánh giá của Bộ Y tế, hiện nay việc huy động các tổ chức xã hội để cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS bằng ngân sách nhà nước còn vướng một số rào cản về pháp lý.

Theo đó, PGS.TS Phan Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, khoảng 15 năm trước các nguồn viện trợ quốc tế chiếm đến hơn 80% tổng ngân sách chi cho các hoạt động phòng chống dịch HIV/AIDS. Tuy nhiên, đến nay con số này hiện chỉ chiếm chưa tới 50%. Vì thế, để huy động các tổ chức xã hội tham gia bền vững vào công tác phòng, chống HIV/AIDS rất cần có nguồn ngân sách trong nước hỗ trợ.

Bà Phan Thị Thu Hương cũng cho rằng với tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS như hiện nay, cần thực hiện nhiều giải pháp như: Tăng cường truyền thông, cung cấp thông tin qua các sự kiện cộng đồng, các mạng lưới tại địa phương, nhóm đồng đẳng… Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền để giảm kỳ thị phân biệt đối xử, cung cấp thông tin mới về kiến thức HIV/AIDS.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mở rộng độ bao phủ dịch vụ điều trị HIV/AIDS

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO