Tính đến thời điểm này, Hà Nội vẫn còn nhiều ổ dịch phát sinh ca dương tính, trong đó có nhiều ca chưa xác định rõ nguồn lây. Vì thế, sáng 10/8, Hà Nội tiếp tục mở “chiến dịch” xét nghiệm diện rộng.
Số ca dương tính đang “đi ngang”
Theo thống kê, số lượng các ca dương tính mới tại Hà Nội đang “đi ngang”, có những ngày số ca giảm, tuy nhiên, sau đó lại tăng. Qua thông tin điều tra dịch tễ, chùm ho sốt qua xét nghiệm ho, sốt và chùm ca ho, sốt thứ phát là những chùm ca bệnh liên tục phát sinh các ca dương tính mới. Đáng lo ngại, các F0 khi xuất hiện triệu chứng mới được phát hiện kéo theo nhiều F1 và các ca F1 thành F0. Hơn nữa, có một số F0 được phát hiện qua sàng lọc làm nghề buôn bán tại chợ hoặc công nhân trong các nhà máy, đây là những trường hợp tiếp xúc nhiều, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch lớn, cần phải được khoanh vùng sớm.
Liên quan đến chùm ca bệnh tại Công ty Viettel Post được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội công bố tối 9/8, ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc CDC Hà Nội thông tin, hiện tại chỉ ghi nhận các ca dương tính trong khu vực sản xuất, làm việc của công ty, chưa ghi nhận các ca dương tính tại cộng đồng liên quan. Chùm ca bệnh tại đây vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát, có thể, trong thời gian tới, sẽ ghi nhận những ca cộng đồng liên quan bởi hiện vẫn đang trong quá trình truy vết, yêu cầu những người có liên quan liên hệ y tế.
Lấy mẫu 1,3 triệu mẫu xét nghiệm đối tượng nguy cơ cao
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Khổng Minh Tuấn cho biết, từ ngày 10/8, Hà Nội sẽ lấy 1,3 triệu mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho đối tượng nguy cơ cao và khu vực nguy cơ cao tại toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã của thành phố. Đây là quyết định mới nhất của thành phố. Mục tiêu của đợt triển khai xét nghiệm tại khu vực nguy cơ cao và với nhóm người nguy cơ cao là nhằm phát hiện sớm F0 để ngăn chặn kịp thời sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời đánh giá và nhận định tình hình dịch trên toàn thành phố. Số lượng xét nghiệm sẽ dựa vào các khu vực “vùng xanh”, “vùng vàng” và “vùng đỏ”.
Đối tượng lấy mẫu bao gồm: Người đang sinh sống tại các khu vực nguy cơ cao, nơi có nhiều bệnh nhân, nhiều ổ dịch, mật độ dân cư lớn, giao lưu đi lại nhiều có nguy cơ bùng phát dịch bệnh; nhóm người có nguy cơ cao dễ mắc bệnh và làm lây lan dịch bệnh: Người làm dịch vụ vận chuyển hàng hoá, bán hàng ở chợ, siêu thị, vận chuyển phân phối các mặt hàng thiết yếu, người làm dịch vụ vệ sinh công cộng, lái xe taxi, công nhân các khu công nghiệp…
Việc lựa chọn đối tượng đối với khu vực nguy cơ, lấy mẫu gọn theo khu vực địa lý, theo thôn xóm, tổ dân phố, theo hộ gia đình, cửa hàng, nhà trọ liền kề, phòng trọ, công ty, cơ quan, xí nghiệp… Đối với nhóm người nguy cơ, lập danh sách để lấy mẫu đại diện hoặc toàn bộ tuỳ thuộc vào số lượng cụ thể từng đơn vị. Với việc thực hiện xét nghiệm số lượng lớn như trên, các bệnh viện (BV) tuyến Trung ương, BV cơ sở, các BV tư nhân - những nơi có đủ điều kiện thực hiện xét nghiệm sẽ cùng thực hiện để đảm bảo kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm với số lượng lớn được diễn ra đúng tiến độ.
Giảm số giấy tờ khi ra đường
Trong một diễn biến khác, sáng 10/8, UBND TP Hà Nội đã có thông báo mới về việc triển khai các chỉ đạo của UBND thành phố tại Công văn số 2562/UBND-KT. Tại thông báo mới này, UBND TP Hà Nội cho biết, người dân đi đường chỉ cần xuất trình giấy tờ tuỳ thân (Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu) kèm theo Giấy đi đường (mẫu giấy đã được ban hành trước đó).
Tại chốt kiểm soát giấy đi đường phường Cống Vị, quận Ba Đình, PV ghi nhận công tác kiểm tra được thực hiện rất nghiêm túc, đã có trường hợp người dân không mang đủ giấy tờ được lực lượng chức năng yêu cầu không ra đường. Đại uý Trần Văn Thành, tại chốt kiểm soát nói trên cho biết: “Hiện tại, người dân cần xuất trình giấy đi đường và căn cước công dân/chứng minh nhân dân. Cơ bản người dân chấp hành tốt yêu cầu của lực lượng chức năng, từ hôm qua tới nay không ghi nhận trường hợp nào không hợp tác với lực lượng. Nhưng cũng có nhiều người chưa thể đến phường để xin dấu xác nhận, cũng như chưa đến cơ quan để lấy giấy đi đường dù cơ quan đã có giấy. Trong những trường hợp này, chúng tôi nhắc nhở người dân và kiểm tra giấy đi đường qua ảnh, email mà người dân cung cấp. Đối với những trường hợp cố tình vi phạm, hoặc ra đường không có lý do chính đáng, lực lượng sẽ xử phạt nghiêm”.
Tại một số trụ sở UBND phường trên địa bàn TP Hà Nội không còn xảy ra tình trạng người dân đứng xếp hàng dài để chờ xin xác nhận giấy đi đường như đã diễn ra trong ngày 9/8.
Nhằm thực hiện giãn cách, đảm bảo an toàn, tránh tụ tập đông người, một số địa phương trên địa bàn thành phố đã chủ động triển khai nhận hồ sơ xác nhận đi đường cho người lao động tại các tập đoàn, doanh nghiệp… được phép hoạt động trên địa bàn thông qua hòm thư điện tử hoặc thông qua dịch vụ bưu chính.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hải - Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) cho biết: “Trong ngày 9/8, chúng tôi gặp khó khăn trong việc hướng dẫn đối với các doanh nghiệp, các đơn vị cơ quan đến xin xác nhận tại bộ phận một cửa. Việc người dân đến nộp hồ sơ xin giấy xác nhận tại bộ phận một cửa rất đông người, chúng tôi đã bố chí lực lượng đảm bảo khoảng cách giãn cách. Sáng 10/8, chúng tôi đã triển khai thực hiện văn bản mới nhất của UBND thành phố đối việc cấp giấy đi đường. Để phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định giãn cách, chúng tôi đã thông báo tới các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn được phép hoạt động sản xuất tập hợp danh sách lao động và nộp trực tiếp trên cổng thông tin điện tử của phường hoặc qua dịch vụ bưu chính”.
Với những chỉ đạo mới của UBND thành phố và cách vận dụng linh hoạt hòm thư điện tử của một số địa bàn đã góp phần hạn chế tụ tập đông người.
Cũng trong buổi sáng cùng ngày 10/8, tại bộ phận một cửa của trụ sở UBND phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) vẫn còn xuất hiện tình trạng người dân đứng xếp hàng đội mưa chờ để xin giấy xác nhận. Những người đến xếp hàng hầu hết là nhân viên các công ty trên địa bàn phường. Tuy nhiên, sau nhiều tiếng chờ đợi, một số người ra về mà chưa xin được xác nhận vì không đủ thủ tục để được xác nhận.
Lần thứ hai phải quay trở lại UBND phường để xin xác nhận do trước đó không đủ thủ tục, anh Mai Ánh Dương, nhân viên của một công ty nằm trên địa bàn phường Nhân Chính cho rằng cần có mẫu công văn để thuận tiện cho người dân tránh phải đi lại nhiều lần.
Trao đổi với PV, Đại diện Tổng công ty Viettel Post thông tin, ngày 9/8 CDC Hà Nội công bố 6 ca nhiễm liên quan đến Viettel Post là các nhân viên làm việc tại kho giao nhận. Ngay khi nhận được thông tin về trường hợp trên, Viettel Post đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện điều tra bổ sung các thông tin dịch tễ, lịch sử di chuyển của các nhân viên. Để không làm gián đoạn hoạt động và công tác phục vụ khách hàng, Viettel Post đã ngay lập tức chuyển toàn bộ hoạt động trung chuyển hàng hóa tại địa điểm này sang địa điểm lân cận là “vùng xanh”, điều động cán bộ nhân viên đạt tiêu chuẩn từ các kho khác hỗ trợ để đảm bảo con người và môi trường an toàn không có Covid-19. Vì vậy, trong sáng 10/8, chúng tôi đã ổn định và đang tiếp tục công tác vận chuyển giao nhận hàng hóa như luồng bình thường.
Hiện nay, toàn bộ đội ngũ nhân viên của Viettel Pots tại TP Hà Nội và TP HCM đều đã được tiêm vaccine phòng Covid-19.