Cách ly y tế F0, F1 và điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà, là cách làm này phù hợp với bối cảnh các ca F0, F1 tăng cao, giảm áp lực cho các Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19. Tuy nhiên, người dân vẫn còn nhiều điều trăn trở.
Hiện tại, số ca mắc tại Thành phố Hồ Chí Minh luôn vượt 3.000 ca/ngày, số ca F0 có triệu chứng trở nặng phải thở oxy, thở máy cũng tăng phải chuyển lên bệnh viện tuyến 2, một số trường hợp nặng chuyển lên tuyến 3, tuyến 4. Đây là gánh nặng rất lớn trong thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19.
Để đáp ứng công tác phòng, chống dịch Covid-19 kịp thời, hiệu quả, vừa qua Sở Y tế TP HCM đã ban hành hướng dẫn triển khai chăm sóc và theo dõi sức khỏe đối với người mắc Covid-19 tại nhà.
Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covd-19 mỗi quận, huyện lập nhóm bác sĩ tư vấn sức khỏe qua điện thoại cho F0, bao gồm các bác sĩ của trung tâm y tế, trạm y tế, bác sĩ của các cơ sở y tế tư nhân, bác sĩ đã nghỉ hưu cư trú trên địa bàn.
Trường hợp 1 là những F0 không triệu chứng lâm sàng đang chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế đủ điều kiện xuất viện vào ngày thứ 7 được tiếp tục theo dõi, giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú trong 14 ngày tiếp theo.
Trường hợp 2 là những F0 mới được phát hiện tại cộng đồng, không triệu chứng lâm sàng, không yếu tố nguy cơ thì được cách ly tại nhà trong 14 ngày. Việc triển khai chăm sóc và theo dõi sức khỏe đối với người mắc Covid-19 tại nhà là nhiệm vụ của các cơ sở y tế và chính quyền địa phương được phân công một cách cụ thể, rõ ràng.
Ngày 9/8, Sở Y tế TP HCM tiếp tục ban hành văn bản hướng dẫn chăm sóc người mắc Covid-19 tại nhà, lần này sở hướng dẫn cho bệnh nhân cách ăn uống, thuốc điều trị.
Tuy nhiên, cách ly F0 tại nhà cho thấy vẫn còn bất cập khiến người dân không an tâm cách ly điều trị tại nhà.
Trường hợp gia đình ông Đỗ Chí Sang, trú tại 204/4 đường Lê Quốc Hưng, Phường 13, Quận 4, TP HCM, gia đình ông Sang có 4 người, 2 vợ chồng ông và 2 người con. Nhà ông nằm trong khu vực bị cách ly, mấy ngày này cả gia đình ông thấy mệt mỏi và tự mua que test về test nhanh và cho thấy cả 4 người đều dương tính với Covid-19.
Ông Sang lớn tuổi nên gia đình tự mua ô xy về thở và điều trị tại nhà. Chiều ngày 8/8, ông Sang có hiện tượng mệt, khó thở hơn, em trai ông Sang là ông Đỗ Chí Phúc liên hệ với y tế Phường 13, Quận 4 và được y tế phường hướng dẫn liên hệ với UBND phường.
Ông Phúc liên hệ với UBND phường thì phường hướng dẫn gọi cho Trung tâm cấp cứu 115. Ông Phúc liên hệ với Trung tâm cấp cứu 115 thì nhân viên ở đây hỏi thăm sức khỏe ông Sang… rồi hướng dẫn liên hệ với UBND phường.
Đến gần tối, ông Đỗ Chí Sang có dấu hiệu khó thở hơn nên người nhà đành phải tự chở ông Sang vào Bệnh viện Quận 4 cấp cứu. Hiện ông Sang đang nằm ở bệnh viện. Với cách làm của cơ sở y tế và chính quyền cơ sở như vậy làm sao để người dân yên tâm cách ly, điều trị tại nhà?
Các chuyên gia dịch tễ cho rằng việc cách ly F0 tại nhà có thể dễ dàng hơn so với cách ly F1, bởi F0 đã lộ rõ bệnh lý, mức cảnh giác cao hơn và chủ động hơn trong giám sát, xét nghiệm. Nhưng với F1 là chuyện khác, giống như "quả bom nổ chậm" rất khó xác định lúc nào phát bệnh.
Một số người bệnh chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng một tuần. Tuy nhiên, một số trường hợp không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Khoảng gần 20% số bệnh nhân diễn biến nặng, trong đó khoảng 5% cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực.
Do chưa có thuốc đặc hiệu, điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng là chủ yếu. Như vậy để F0 điều trị tại nhà nhưng không được chăm sóc và theo dõi sức khỏe kịp thời, nếu bệnh diễn tiến nặng và nhanh dễ dẫn đến nghiêm trọng. Đây là lúc người thân bệnh nhân F0 rất cần sự vào cuộc, với sự hướng dẫn và theo dõi sát sao của nhóm bác sĩ tư vấn sức khỏe và cơ quan y tế để hỗ trợ gia đình bệnh nhân.
Ở TP HCM, với số lượng F0 và F1 rất cao, các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 đều quá tải. Việc thực hiện cách ly tại nhà là một giải pháp bắt buộc, nhưng với cách làm như hiện nay còn nhiều bất cấp cần điều chỉnh cho phù hợp, hạn chế F0 có thể nguy hiểm tính mạng.